Thứ hai, 15/04/2024 10:26

Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới - tương lai mới

Hiện nay, nhân sự ngành chip bán dẫn đang thiếu hụt trên toàn thế giới, việc Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành “mỏ neo” giữ các công ty đầu tư ở lại. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng càng cao thì “mỏ neo” càng lớn và chắc chắn sẽ góp phần giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.

Ngành chip bán dẫn - cơ hội lớn cho nhiều người trẻ

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong tọa đàm "Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới" do FPT Jetking cơ sở Hà Nội phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm.

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều lợi thế cạnh tranh bao gồm: sở hữu các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn, hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… Hiện nhân sự ngành chip bán dẫn đang thiếu hụt trên toàn thế giới, đây là cơ hội lớn cho nhiều người trẻ tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ. Họ cần đam mê, kiên trì bởi phải sau khoảng 10 năm mới bắt đầu thu quả ngọt.

Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT trao đổi tại Tọa đàm.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây. Cách đây 9 năm, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu phầm mềm, nhiều người cho rằng, FPT “ảo tưởng”, “hoang tưởng”. Tuy nhiên, với sự nỗ lực bằng tài năng và trí tuệ Việt Nam, năm 2023, FPT đã thu về 1 tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm. FPT đã ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp phần mềm lớn trên thế giới. Hiện FPT đã có hợp đồng 70 triệu chip bán dẫn xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là các chip bán dẫn dành cho thiết bị y tế, các ứng dụng điện tử và sẽ giao cho các khách hàng vào năm 2024, 2025.

Hiện nay, FPT Semiconductor và Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) là 2 doanh nghiệp của Việt Nam duy nhất có khả năng thiết kế chip bán dẫn. Hai doanh nghiệp này cũng đang hướng tới việc tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai. Ông Hoàng Nam Tiến cũng nhấn mạnh: chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Chúng tôi có lòng tin sau 14-16 tháng đào tạo nghề là có thể bắt đầu làm việc trong ngành thiết kế chip bán dẫn.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc NIC chia sẻ tại Tọa đàm.

Đón bắt cơ hội trong lĩnh vực này, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực. Để tạo lập nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Cuối tháng 03/2024, Dự thảo Đề án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, ban hành - ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc NIC chia sẻ tại Tọa đàm.

Theo mục tiêu của Đề  án, sẽ thành lập 4 trung tâm bán dẫn dùng chung quốc gia, trong đó có 2 trung tâm đặt tại Hà Nội, 1 tại Đà Nẵng và 1 tại TP. Hồ Chí Minh. 18-20 trung tâm đào tạo tiêu chuẩn đặt tại các Trường đại học do ngân sách Nhà nước đầu tư. Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ cũng đang tài trợ xây dựng 2 phòng thí nghiệm đo kiểm và thiết kế chip tại khu NIC Hòa Lạc và TP. Hồ Chí Minh.

Nói về cơ hội Việt Nam trở thành cường quốc bán dẫn, ông Võ Xuân Hoài cho rằng thời điểm này, Việt Nam đã được một số đối tác lựa chọn. Nếu như cách đây hơn 45 năm (vào năm 1979), Việt Nam đã có nhà máy Z181 sản xuất thiết bị bán dẫn sang châu Âu rồi ngừng hoạt động. Cách đây 10 năm Việt Nam cũng muốn phát triển công nghiệp chip nhưng thất bại, thì giờ đây cơ hội đã mở ra khá lớn.

Theo ông Hoài, Việt Nam có địa chính trị ổn định, Chính phủ có quyết tâm cao phát triển công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực dồi dào với nhiều cơ sở đào tạo đại học có lĩnh vực gần với bán dẫn. Việt Nam có quan hệ chiến lược với nhiều quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đài Loan (Trung Quốc) gần đây cũng có nhu cầu chuyển dịch chuỗi cung ứng và họ cũng rất cần Việt Nam. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp từ các quốc gia và nền kinh tế phát triển đã đến làm việc với NIC về vi mạch bán dẫn. Họ mong muốn Việt Nam có thể cung cấp nguồn nhân lực cho họ. Đây là cơ hội rất lớn để xuất khẩu nguồn nhân lực bán dẫn.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc phát triển công nghiệp bán dẫn cũng sẽ gặp phải những khó khăn như cần đầu tư rất lớn, đột phá. Ngoài ra, các sản phẩm bán dẫn cũng cần một cơ chế, chính sách đặc thù, hạ tầng số chưa có tiền lệ; phát triển công nghiệp bán dẫn cũng phải đầu tư vào hạ tầng (giao thông, logistic từ cảng biển, sân bay, cao tốc từ Bắc đến Nam...).

Hoàng Lê

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)