Xu thế khó đảo ngược
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, việc tái chế và xử lý chất thải rắn đang là xu thế không thể đảo ngược được bởi Chính phủ đã đưa ra cam kết hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổ chức Hội thảo này chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhận thức được tính cấp thiết của việc sẽ phải ứng xử ra sao với phát thải và trách nhiệm trong việc thải bỏ các sản phẩm sản xuất ra, tính toán trước để có giải pháp thay thế. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, thời gian qua, đã có 1 số doanh nghiệp từng bước triển khai các nội dung này như lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, thay thế lò hơi than bằng lò hơi điện sinh khối… Tuy nhiên, sự chuyển đổi này vẫn ở quy mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp còn chưa hình dung được vấn đề là sẽ phải trả tiền cho lượng phát thải thải ra môi trường, khiến giá thành sản xuất tăng lên.
Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Thông tin về tình hình thực hiện công tác tái chế, xử lý sản phẩm và công tác quản lý, giảm phát thải khí nhà kính của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn cho biết, thời gian qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có những chỉ đạo định hướng và hoạt động thiết thực trong công tác kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Cụ thể, về kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính, Tập đoàn đã ban hành các văn bản số 302/HCVN-KT ngày 15/03/2023 về việc báo cáo số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành công thương cho các năm 2020 và 2022 để chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thực hiện theo quy đinh; văn bản số 1414/HCVN-71-KT ngày 29/09/2023 về việc xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023 đến 2025 nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Một số doanh nghiệp đã sử dụng phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi trấu, củi mùn cưa để làm nhiên liệu vận hành nồi hơi phục vụ sản xuất trong công nghiệp và có các giải pháp tiết kiệm điện, như nâng cao hiệu suất động cơ điện, chuyển dần chiếu sáng bằng LED tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường.
Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Chia sẻ thực tế về công tác tái chế, xử lý sản phẩm pin, ắc quy, đại diện Công ty Cổ phần pin ắc quy Miền Nam (Pinaco) cho biết, việc tái chế, xử lý các sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, hiện nay, pin đã qua sử dụng của Pinaco nói riêng hay các hãng khác nói chung vẫn chưa được thu gom, xử lý đầy đủ. Pinaco vẫn thực hiện việc thu nhận pin đã qua sử dụng từ các tổ chức/người tiêu dùng thu gom được chuyển về và đem đi xử lý. Như vậy, ngoài việc đã đóng tiền quỹ bảo vệ môi trường với số tiền khá lớn, Pinaco vẫn phải chi trả cho phần xử lý pin từ người tiêu dùng chuyển về.
Đối với ắc quy, việc thu hồi đủ khối lượng ắc quy thải để thực hiện tái chế là một thách thức rất lớn đối với nhà sản xuất cũng như một số đơn vị tái chế vì hiện nay tại Việt Nam, người tiêu dùng sau khi sử dụng xong không có thói quen đem đến các đại lý/nhà sản xuất để bàn giao ắc quy thải mà rất dễ dàng bán lại cho ve chai (đồng nát) hoặc bán cho các tiệm sửa xe sau đó các bình ắc quy thải này có thể được chuyển đến các cơ sở chế biến không phép để tái chế.
Do đó, thời gian tới, Pinaco rất mong cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ về tài chính hoặc giảm trừ phần thu gom, xử lý mà doanh nghiệp đã tự thực hiện để khuyến khích cho các chương trình tự thu gom của doanh nhiệp bên cạnh việc bắt buộc đóng quỹ môi trường.
Đối với vấn đề kiểm kê khí nhà kính, đại diện Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho biết, trong thời gian qua, Đạm Ninh Bình đã tích cực tìm hiểu, rà soát các quy định, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định. Tuy nhiên, việc kiểm kê khí nhà kính là lĩnh vực mới và là lần đầu tiên đơn vị thực hiện, nên chưa đánh giá được hết những khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện. Do đó, đề nghị Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và các chuyên gia có thêm hướng dẫn về nội dung còn vướng mắc.
Đồng tình với các ý kiến nêu trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thực hiện tốt mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Phong Vũ