Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể; các ban, bộ, ngành; Thường trực Liên minh HTX Việt Nam; thủ trưởng các ban, đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam; lãnh đạo Liên minh HTX của 63 tỉnh, thành phố và 100 HTX tiêu biểu được tôn vinh năm 2024, các hội, hiệp hội tổ chức quốc tế, nhà khoa học, các doanh nghiệp ngành hàng, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm;...
Toàn cảnh Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia 2024.
Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu quan điểm chỉ đạo: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố, phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân và có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Hồng Thái khẳng định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, với nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn đối với cộng đồng HTX. Đảng và Nhà nước ta đã đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đối với sự phát triển của đất nước. KH&CN được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của tất cả các ngành, lĩnh vực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các HTX.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu tại Diễn đàn.
Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Hiệu quả của kinh tế tập thể và HTX hiện nay
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 31.764 HTX, trong đó 20.960 HTX nông nghiệp (tăng 250 HTX so với cuối năm 2023) và 10.804 HTX phi nông nghiệp (tăng 150 HTX so với cuối năm 2023); 133 liên hiệp HTX, trong đó có 100 liên hiệp HTX nông nghiệp (chiếm 75,2%) và 33 liên hiệp HTX phi nông nghiệp (chiếm 24,8%).
Đã có hơn 4.000 HTX tham gia sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, chiếm gần 13% trong tổng số HTX cả nước và cũng có khoảng 30% trong tổng lượng sản phẩm “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên cả nước là sản phẩm của HTX nông nghiệp. Khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm 5-10%, doanh thu tăng 15-20%, lợi nhuận cũng cao hơn 10-12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.
Qua thực tiễn có thể khẳng định rằng, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trên cả nước. Bởi những cá thể, hộ nông dân nhỏ lẻ ít có khả năng sản xuất đi hết các bước của một chuỗi giá trị, và lợi nhuận từ khâu sản xuất theo quy mô hộ cũng thấp hơn so với HTX. Chỉ có HTX mới có khả năng liên kết người dân và doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại giá trị, lợi nhuận cao.
Những vấn đề đặt ra và giải pháp
Trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ để phát triển bền vững như: hoạt động của các HTX trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể; tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung; các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng; khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như chính sách hỗ trợ về liên kết chuỗi, chính sách tiếp cận vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Diễn đàn HTX Quốc gia năm 2024 là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX, mức độ HTX tham gia chuỗi giá trị, trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ để các HTX tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị thời gian tới, đồng thời đề xuất được những giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới; tạo động lực để khu vực kinh tế tập thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Minh Hiếu