Tổng quan hiệu quả quản trị điện tử ở cấp tỉnh năm 2023
Quản trị điện tử hiệu quả có ý nghĩa quan trọng bởi qua đó người dân có thể tránh được thủ tục hành chính rườm rà, nhũng nhiễu trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công. Kết quả khảo sát PAPI 2023 cho thấy điểm Chỉ số “Quản trị điện tử” gia tăng so với giai đoạn từ 2020 đến 2022. Các tiêu chí thuộc 2 nội dung thành phần “Tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương” và “Sử dụng cổng thông tin và dịch vụ công điện tử của chính quyền địa phương” đóng góp vào sự gia tăng này.
Edmund Malesky trao đổi về chỉ tiêu “Quản trị điện tử” tại Hội nghị công bố PAPI 2023.
Điểm nội dung “Tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương” tăng từ 2,04 năm 2020 lên 2,39 vào năm 2023. Tương tự, điểm nội dung “Sử dụng cổng thông tin và dịch vụ công điện tử của chính quyền địa phương” tăng từ 0,4 lên 0,47 điểm. Tuy nhiên, điểm nội dung thành phần “Phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử” (đo lường cách chính quyền địa phương phản hồi các ý kiến và yêu cầu của công dân qua các nền tảng chính quyền điện tử) vẫn liên tục ở mức thấp trong suốt 4 năm qua.
Năm 2023, gần 80% người trả lời khảo sát PAPI cho biết họ có thể truy cập internet tại nhà, cao hơn gấp đôi so với tỉ lệ 31% vào năm 2016. Tương tự, tỷ lệ người được hỏi cho biết họ đọc tin tức từ các nguồn trực tuyến gần như tăng gấp 3 sau 8 năm, từ 23% năm 2016 lên gần 59% vào năm 2023. Mặc dù nam giới và phụ nữ có điều kiện sử dụng internet ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn 5%-10% so với nữ giới. Tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn 10%-20% so với người Kinh qua các năm. Riêng với 2 nhóm người thành thị và nông thôn, khoảng cách có xu hướng thu hẹp từ mức hơn 25% vào năm 2016 xuống còn 9% vào năm 2023. Khoảng cách trong sử dụng internet giữa người tạm trú và người thường trú ở các tỉnh, thành phố có đông người tạm trú là khá nhỏ.
Khoảng cách về việc sở hữu máy vi tính cá nhân (máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay) giữa nhóm người dân thành thị và người dân nông thôn, giữa người Kinh và người dân tộc khác, giữa người thường trú và người tạm trú ở cấp độ tổng thể trên toàn quốc có xu hướng thu hẹp dần trong năm 2023 so với các năm trước. Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn còn khá lớn. Tỷ lệ người thường trú có máy vi tính cá nhân cao hơn 13% so với tỷ lệ này ở người tạm trú. So với khả năng tiếp cận internet, khoảng cách trong sở hữu máy vi tính cá nhân nội tại mỗi nhóm lớn hơn. Trong khi đó, máy vi tính cá nhân đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ sử dụng dịch vụ công điện tử hiện nay, bởi hầu hết các dịch vụ hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến vẫn yêu cầu công dân tải biểu mẫu về máy vi tính, điền và in biểu mẫu để ký và gửi bản sao điện tử lên cổng dịch vụ công khi làm thủ tục hành chính - một quá trình phải thực hiện trên máy vi tính có kết nối với máy in, máy sao chụp và internet.
Theo kết quả khảo sát PAPI 2023, 90,8% số người trả lời cho biết họ có điện thoại thông minh. Trong số 3 phương tiện kết nối tin tức trực tuyến và dịch vụ công trực tuyến, mức độ sở hữu điện thoại thông minh có xu hướng phân bố đồng đều nhất trong mỗi nhóm được phân tích, và khoảng cách sở hữu điện thoại thông minh ở mỗi nhóm có xu hướng thu hẹp vào năm 2023. Sự khác biệt lớn nhất là giữa người thường trú với người tạm trú, song cũng có tới 91,51% người tạm trú sở hữu điện thoại thông minh so với 98,84% số người thường trú ở các tỉnh, thành phố có đông người tạm trú. Khoảng cách trong sở hữu điện thoại thông minh lớn thứ 2 được thấy giữa người Kinh (92,96%) và các nhóm người dân tộc thiểu số (86,88%). Do vậy, điện thoại thông minh nên được tận dụng để tăng cường việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của người dân, xét đến độ phủ toàn quốc và tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và những vùng khó tiếp cận như vùng sâu, vùng xa.
Hiệu quả trong xử lý thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công cấp tỉnh
Một trong những nội dung mà PAPI đã khảo sát từ năm 2016 là việc tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính phục vụ công dân (bao gồm chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương và xin cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - GCNQSDĐ) trên cổng dịch vụ công (CDVC) trực tuyến. Chỉ số nội dung thành phần này cho biết tỷ lệ người dân có thể tìm thấy trên CDVC của địa phương các thông tin về thủ tục hành chính và mẫu đơn liên quan. Số người đã làm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương có thể tìm thấy thông tin về thủ tục và biểu mẫu từ cổng thông tin điện tử hoặc CDVC địa phương tăng dần từ năm 2016 đến năm 2023. Đặc biệt, có bước nhảy vọt đáng kể từ tỷ lệ 14,6% năm 2022 lên 20,4% vào năm 2023. Việc tiếp cận thông tin về thủ tục xin cấp mới/cấp đổi GCNQSDĐ hạn chế hơn, với tỷ lệ người nộp đơn xin cấp mới/cấp đổi GCNQSDĐ có thể tìm thấy thông tin từ các CDVC của chính quyền địa phương chỉ ở mức từ 12%-14% từ năm 2020 đến năm 2023. Tuy vậy, những người đã thực hiện 1 hoặc toàn bộ thủ tục trên CDVC cấp tỉnh hài lòng hơn những người chỉ thực hiện các thủ tục trên trực tiếp với công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận “một cửa”). Điều này cho thấy việc chuyển sang xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử có thể nâng cao sự hài lòng của người dân với 3 dịch vụ hành chính công được đưa ra nghiên cứu so sánh.
5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ) có tỷ lệ người dùng CDVC cấp tỉnh cao nhất. Mặc dù vậy, số người dùng gặp khó khăn trong quá trình sử dụng cũng tương đương với các khu vực khác. Trong số 6 vùng kinh tế, CDVC cấp tỉnh có xu hướng được sử dụng nhiều hơn ở khu vực Đông Nam Bộ (với 42,7% số người đã nộp hồ sơ làm thủ tục hành chính trên CDVC cấp tỉnh). Tuy nhiên, tỷ lệ người dùng tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và khu vực Đông Nam Bộ phải đến bộ phận “một cửa” để trực tiếp hoàn thiện thủ tục hành chính cũng cao nhất. Ngược lại, tỷ lệ người dân sử dụng CDVC cấp tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung ở mức thấp nhất (chỉ 27,2%).
Báo cáo PAPI năm 2023 cho thấy, mặc dù một số chỉ tiêu đo lường hiệu quả quản trị điện tử có thay đổi theo hướng tích cực, tốc độ cải thiện trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến vẫn chậm hơn nhiều so với tốc độ phát triển của internet. Tuy nhiên, mối tương quan tích cực giữa chỉ số nội dung “Quản trị điện tử” với chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” và “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” hứa hẹn sẽ là động lực tăng cường hiệu quả quản trị điện tử, dẫn tới việc đơn giản hóa các quy trình xử lý thủ tục hành chính và việc cải thiện tính công khai, minh bạch bằng cách tạo điều kiện tiếp cận thông tin cho người dùng là công dân.
MH