Tài nguyên biển đang suy giảm
Việt Nam có bờ biển trải dài khoảng 3.260 km và là một trong 30 nước có chiều dài bờ biển lớn trên tổng số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có khoảng 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ với các kiểu hệ sinh thái điển hình ven biển, có năng suất sinh học cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn…, là nơi sinh sống của khoảng 667 loài rong/cỏ biển, 94 loài thực vật ngập mặn, hơn 6.000 loài sinh vật đáy, hơn 400 loài san hô, 657 loài sinh vật phù du, hơn 2.000 loài cá, 15 loài rắn biển, 5 loài rùa biển, 12 loài thú biển, 43 loài chim nước… Các đặc trưng trên góp phần tạo nên tính đa dạng về tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi sinh vật.
Việt Nam hiện có dân số khoảng gần 100 triệu người với tốc độ gia tăng 1,14%/năm. Do đó, xu hướng tiến ra biển, khai thác tiềm năng và làm giàu từ biển là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên biển của Việt Nam hiện đang chủ yếu tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế mà chưa chú trọng tới công tác bảo tồn, chưa có quy hoạch phát triển cụ thể. Với cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, nhiều nguồn tài nguyên biển đang bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động. Nhiều nguồn tài nguyên không tái tạo được đang bị khai thác quá mức. Trong đó, nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn ngày một tăng. Theo báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020”, diện tích thảm cỏ biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên ước tính giảm khoảng 40-60%; diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 70%. Khoảng 48% số rạn san hô trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng và khoảng 12% diện tích các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Do sự suy giảm mạnh diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô đã kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học, thậm chí dẫn đến sự biến mất của nhiều loài sinh vật biển. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cho thấy, hơn 80% số lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã được khai thác phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có đến 25% số lượng cá đang bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt, sản lượng đánh bắt suy giảm rất mạnh, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ không thể bắt gặp trong tự nhiên.
Hệ sinh thái ven biển đang bị suy giảm mạnh: Rạn san hô chết bị rong bao phủ (A); San lấp rừng ngập mặn làm khu công nghiệp (B).
Đến nay Việt Nam đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển có nguy cơ bị đe dọa. Đây là những loài quý hiếm, có giá trị kinh tế và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu các biện pháp bảo vệ (trong đó có 37 loài cá biển, 14 loài san hô, 5 loài da gai, 11 loài giáp xác, 1 loài sam, 17 loài ốc, 10 loài hai mảnh vỏ, 2 loài chân đầu). Đặc biệt, còn nhiều loài sinh vật biển khác đã được đưa vào danh mục cần bảo vệ trong bản dự thảo Sách đỏ năm 2023.
Giải pháp phục vụ phát triển kinh tế biển
Việc giải quyết bài toán phát triển kinh tế đi đôi với công tác bảo vệ nguồn lợi và bảo vệ môi trường cần phải thực hiện nghiêm túc và đòi hỏi nhiều cố gắng, ngay từ việc hoạch định chính sách, triển khai các chương trình và kế hoạch thực hiện nhằm khai thác hiệu quả, sử dụng hợp lý gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Trong đó cần đặc biệt quan tâm tới các giải pháp sau:
Một là, cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chính sách, luật liên quan tới phát triển kinh tế biển. Hiện nay Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển như Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020… Tuy vậy, nhiều thông tư và quy định dưới luật nhằm hướng dẫn thực hiện còn thiếu, chưa thống nhất nên việc áp dụng vào thực tế còn gặp nhiều vướng mắc. Các cơ chế tài chính, nhất là cơ chế liên quan đến dịch vụ chi trả môi trường, sinh thái (được xem là một trong những công cụ hiệu quả trong việc duy trì nguồn tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường) còn thiếu và chưa thể áp dụng vào thực tế. Đồng thời cũng cần hoàn thiện khung thể chế quản lý để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu nhằm đạt được hiệu quả cao trong công tác quy hoạch phát triển biển.
Hai là, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn phát thải ô nhiễm bằng các chương trình hành động để giảm tác động của các hoạt động phát triển kinh tế biển đến môi trường như: Thiết lập quy định và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động du lịch và hàng hải không gây ô nhiễm môi trường biển; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quản lý chặt chẽ để giảm tác động của ngành dầu khí lên môi trường biển; đảm bảo việc khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định, tránh tác động tiêu cực đến môi trường; quản lý bền vững việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản để tránh suy thoái nguồn tài nguyên; xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm để có bộ số liệu nền khi đưa ra giải pháp xử lý các sự cố môi trường.
Ba là, cấm các hình thức khai thác trong thời gian sinh sản của các loài thủy hải sản; xây dựng hạn ngạch đánh bắt thủy sản, tăng cường ngành nuôi biển nhằm đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý tổng hợp vùng bờ biển theo cách tiếp cận hệ sinh thái bằng cách xác định các mục tiêu khai thác hiệu quả dựa trên chức năng của từng vùng biển, đảm bảo các hoạt động khai thác không gây cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy thoái các hệ sinh thái.
Năm là, tiếp tục mở rộng và hoàn thiện mạng lưới các khu bảo tồn biển: Khu bảo tồn biển được xây dựng nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa khác. Ngoài ra, hệ thống khu bảo tồn biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, nó không chỉ góp phần cải thiện sinh kế của người dân vùng ven biển mà còn đóng góp cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ an ninh biển đảo và chủ quyền quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có 16 khu bảo tồn biển đã có quyết định thành lập. Trong đó, 10/16 khu bảo tồn đang hoạt động gồm: Bạch Long Vỹ; Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. 6 khu bảo tồn biển còn lại đang đợi phê duyệt quy hoạch gồm: Cô Tô, Đảo Trần, Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Trà, Phú Quý và Nam Yết. Dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ mở rộng mạng lưới khu bảo tồn lên con số 27, với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn gần 450.000 ha, chiếm khoảng 0,44% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
Sáu là, đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, quan trắc, nghiên cứu về tài nguyên, môi trường biển làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển. Công tác điều tra, nghiên cứu là nền tảng, nhiệm vụ quan trọng và cần phải được tăng cường đầu tư cả về nhân lực, vật lực. Các số liệu thu được từ các cuộc điều tra, nghiên cứu là cơ sở cho việc đề ra các chính sách phát triển có hiệu quả, đồng thời là cơ sở khoa học để quy hoạch không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với chức năng sinh thái theo tiểu vùng, hướng tới sử dụng hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên đi đôi với bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường biển đủ mạnh nhằm hệ thống hóa các thông tin dữ liệu biển thu được từ các cơ quan liên quan, thông qua các ứng dụng kỹ thuật của công nghệ thông tin giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bảy là, tăng cường phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu biển có chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng, khả năng nghiên cứu và tư duy quản lý. Ngoài ra cũng cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về chính sách và pháp luật của nhà nước liên quan đến khai thác hiệu quả, sử dụng hợp lý nguồn lợi và chung tay bảo vệ môi trường biển nhằm phát triển mô hình quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng.
Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển. Với xu hướng tiến ra biển, chú trọng phát triển kinh tế biển, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh quá trình hợp tác quốc tế song phương cũng như đa phương về khoa học biển, nhằm tận dụng các thế mạnh của đối tác trong các lĩnh vực liên quan gồm: điều tra, nghiên cứu biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng tránh thảm họa và kiểm soát tội phạm trên biển, đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực liên quan đến biển.
*
* *
Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, giàu từ biển, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Để làm được điều đó, Việt Nam cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.