Thứ ba, 23/04/2024 18:39

Sửa đổi quy định tổ chức quản lý Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang xin ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2018/TT-BKHCN ngày 12/04/2018 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định tổ chức quản lý Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Thông tư 01).

Những bất cập trong thực tiễn

Một gian hàng công nghệ tại Techfest 2023 (ảnh: VnE).

Theo Tờ trình của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN thì việc triển khai Thông tư 01 đã phát sinh một số vấn đề bất cập trong thẩm quyền và quy trình quản lý các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ - Đề án 844). Cụ thể là:

Thứ nhất, đối với các nhiệm vụ KH&CN: theo quy định tại Thông tư 01, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được thực hiện theo hình thức tuyển chọn với đơn vị quản lý kinh phí là Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia. Tuy nhiên, chưa có quy định về đơn vị quản lý kinh phí theo hình thức giao trực tiếp. Do đó, cần bổ sung quy định về việc quản lý kinh phí theo hình thức giao trực tiếp đối với các nhiệm vụ này.

Thứ hai, đối với công tác triển khai các nhiệm vụ hằng năm, định kỳ cũng phát sinh một số vấn đề: 1) trong quá trình nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ còn nhiều điểm chưa đạt như kỳ vọng, ví dụ các nhiệm vụ liên quan đến lựa chọn, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo các chủ thể của hệ sinh thái, triển khai hoạt động kết nối quốc gia, quốc tế; chuyển giao mô hình mới ở phạm vi quốc tế, quốc gia và cải tiến cho phù hợp với điều kiện địa phương; 2) một số biểu mẫu còn phức tạp và có nội dung không cần thiết, cần điều chỉnh theo hướng đơn giản hơn; 3) quy định cứng về đăng ký tên nhiệm vụ khiến cho nhiều tổ chức, đơn vị đã và đang triển khai những sáng kiến, dự án, chương trình khác, kể cả các dự án hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân khó tham gia đồng hành cùng Đề án 844.; 4) thời gian chờ từ lúc phê duyệt kinh phí tới lúc ký hợp đồng rất dài, đơn vị không chủ động được công tác triển khai hoạt động theo nhu cầu thực tế; 5) quy trình xét duyệt, tuyển chọn các đơn vị thực hiện nhiệm vụ hằng năm, định kỳ hiện đang vận dụng giống nhiệm vụ KH&CN, tương đối phức tạp và tốn thời gian từ lúc đặt đề bài, xây dựng nhiệm vụ tới lúc phê duyệt; 6) chưa có cơ chế triển khai hoạt động cung cấp, hỗ trợ chuyên gia cho các địa phương để hướng dẫn, tư vấn cho địa phương xây dựng mô hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST theo đúng định hướng của hệ sinh thái quốc gia và xu hướng quốc tế.

Chính vì vậy, việc xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 dựa trên một số nguyên tắc sau: i) làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm các đơn vị trong hệ thống quản lý nhiệm vụ của Đề án 844; 2) đảm bảo các nhiệm vụ được triển khai đúng định hướng, có hướng dẫn, giám sát thường xuyên và đánh giá tác động một cách khách quan bởi mạng lưới chuyên gia độc lập; 3) thúc đẩy ứng dụng nền tảng trực tuyến trong tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; 4) tăng cường công khai, minh bạch và tạo tác động lan tỏa từ Đề án 844 đến các địa phương, tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và đối tác ở phạm vi quốc tế.

Định hướng nội dung sửa đổi Thông tư 01

Thông tư 01 chưa có quy định về đơn vị quản lý kinh phí theo hình thức giao trực tiếp đối với các nhiệm vụ KH&CN. Do đó, dự thảo Thông tư đã bổ sung quy định về vấn đề này.

Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, điều chỉnh phân công tổ chức quản lý nhiệm vụ giữa đơn vị quản lý kinh phí và đơn vị quản lý chuyên môn để thống nhất với các Thông tư hiện hành như: Thông tư số 06/2023/TT-BKHCN của Bộ KH&CN quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN về quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); Thông tư số 04/2023/TT-BKHCN của Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.

Đối với các nhiệm vụ giao trực tiếp, điều chỉnh vai trò, trách nhiệm của Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Kế hoạch - Tài chính không tham gia quản lý kinh phí, chỉ tham gia là thành viên các Hội đồng đánh giá thuyết minh và thẩm định kinh phí và Hội đồng nghiệm thu các nhiệm vụ.

Theo Tờ trình của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thống nhất quản lý các nhiệm vụ triển khai Đề án 844 để phù hợp với các quy định hiện hành quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thông qua việc điều chỉnh việc phân công nội bộ các đơn vị trực thuộc Bộ và không phát sinh thủ tục hành chính mới. Đồng thời, điều chỉnh các từ ngữ quy định các đơn vị trực thuộc Bộ cho phù hợp với bối cảnh trong thời gian tới, một số tổ chức trực thuộc Bộ sẽ có sự thay đổi (Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng taọ quốc gia trực thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN sẽ chuyển thành đơn vị trực thuộc Bộ; Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia sẽ sát nhập với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước...). Ngoài ra, bổ sung thêm trách nhiệm của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN trong hoạt động xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động của Ban điều hành Đề án 844.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)