Thứ tư, 24/04/2024 15:58

Đơn giản hóa các quy định để đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025. Đặc biệt, để đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), Việt Nam cần đơn giản hóa các quy định, đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng, tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu của khối công lập… Đây là những chia sẻ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong buổi Lễ công bố Báo cáo điểm lại tháng 04/2024 được tổ chức ngày 23/04/2024 tại Hà Nội.

Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi

Các chuyên gia nhận định, cuối năm 2023 và đầu năm 2024, xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến dần phục hồi khi nhu cầu bên ngoài vẫn ở mức vừa phải. Suy giảm xuất nhập khẩu chạm đáy vào tháng 04/2023 rồi dần phục hồi. Sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin. Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5 và 5% trong năm 2024.

Ông Sebastian Eckardt - Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới về kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư cho biết, đầu tư vào các dự án hạ tầng công tại Việt Nam sẽ tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích nền kinh tế ngay lập tức. Bên cạnh đó, nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, năng suất lao động tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao hơn so với nhiều quốc gia so sánh kể từ 2010, chủ yếu nhờ cải thiện về môi trường kinh doanh, chất lượng vốn, nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn đổ vào trong nước.

Khơi thông “luồng gió” thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới về doanh nghiệp khởi nghiệp đang tìm kiếm vốn đầu tư mạo hiểm cho thấy, các doanh nghiệp đó chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và các lĩnh vực dịch vụ khác. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đang chào bán các sản phẩm và dịch vụ mới với thị trường hoặc mới với thế giới. Hiệu suất thấp và chưa phù hợp: 12% doanh nghiệp khởi nghiệp lấy ý tưởng (hoặc cảm hứng) từ nghiên cứu khoa học hoặc học thuật trong nước. Tỷ lệ chi của các trường đại học và viện nghiên cứu trên tổng chi cho nghiên cứu và phát triển đã và đang giảm đáng kể. Chưa đến 40% tổ chức sử dụng lao động được khảo sát cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp được chuẩn bị đầy đủ, nhất là cho các vị trí đòi hỏi kỹ năng cao. Tỷ lệ nhập học sau phổ thông và đào tạo STEM chưa tăng. Bằng sáng chế có vai trò quan trọng nhưng bằng sáng chế trong nước của Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện vẫn còn tình trạng thiếu hụt vốn cho các hoạt động khởi nghiệp ở giai đoạn ban đầu, nhất là với các doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư thiên thần có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu còn khan hiếm và chưa được chuyên nghiệp hóa. Các quỹ và nhà đầu tư trong nước còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, chưa có ưu đãi cho dù đã có chính sách ưu đãi về đầu tư khởi nghiệp.

Ông Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, để nuôi dưỡng các doanh nghiệp ĐMST của Việt Nam, một số giải pháp có thể kể đến gồm:

Một là, đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng, đặc biệt cần căn cứ vào Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/05/2016 về việc phê duyệt Đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Chương trình 844) theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Hoạt động này bao gồm cải thiện các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ tư nhân để thành lập các quỹ đầu trong nước và nâng cao năng lực của các bên liên quan đến hệ sinh thái như vườn ươm và hỗ trợ phát triển ý tưởng.

Hai là, đơn giản hóa các quy định. Đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước (Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo) và đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Ba là, tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập. Tạo điều kiện cho các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công để đóng góp cho các công ty khởi nghiệp, thông qua các vườn ươm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp được đổi mới (thông qua các mô hình hợp tác công tư). Khu vực nghiên cứu công có thể đóng vai trò lớn hơn bằng cách hiện đại hóa khuôn khổ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, khen thưởng những nỗ lực nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa và xây dựng năng lực của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)