Kết quả
Hoàn thiện thể chế
Năm 2020, một số văn bản pháp quy mới được ban hành, trong đó có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc thúc đẩy sự phát triển DNKHCN như Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và một số văn bản dưới luật khác. So với Luật Đầu tư 2014 thì Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung quy định về cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo DNKHCN là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư (Điều 15) và bổ sung quy định về ngành nghề ưu đãi đầu tư đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ (KH&CN) của DNKHCN (Điều 16). Khi các quy định này có hiệu lực thì hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của DNKHCN sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước dành cho dự án đầu tư thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư. Chẳng hạn: DNKHCN sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất trong khu kinh tế, khu công nghệ cao theo mức ưu đãi dành cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư quy định tại Nghị định 35/2017/NĐ-CP (đây là ưu đãi mới chưa được quy định tại Nghị định 13/2019/NĐ-CP).
Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định: Quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, kết quả KH&CN khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam là tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp; cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp có quyền sử dụng tài sản để góp vốn (Điều 34). Bên cạnh đó, Điều 35 của Luật này quy định về thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn; Điều 36 quy định về các nguyên tắc định giá tài sản góp vốn. Đây là cơ sở để triển khai việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ, thúc đẩy việc hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và DNKHCN.
Ngoài 2 luật nêu trên, năm 2020 Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN ngày 10/8/2020 hướng dẫn thi hành Nghị định số 70/2018/NĐ-CP: quy định về các trường hợp giao quyền sử dụng tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN và hoàn trả giá trị tài sản thông qua thương mại hóa; hoàn trả giá trị tài sản là kết quả nhiệm vụ KH&CN được giao quyền sở hữu; giao quyền sử dụng tài sản là kết quả nhiệm vụ KH&CN và phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 30/9/2020 và thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN.
Ở góc độ địa phương, năm 2020 tiếp tục có thêm một số tỉnh/thành phố ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển DNKHCN tại địa phương như: Kon Tum (ban hành Kế hoạch hỗ trợ phát triển DNKHCN trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025); Hà Nội (ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 13/2019/NĐ-CP); Đồng Tháp (ban hành Kế hoạch phát triển DNKHCN tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025); Hưng Yên (đang xây dựng và chuẩn bị ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 13/2019/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh). Như vậy, tính đến hết năm 2020, có khoảng 20 địa phương đã xây dựng, ban hành và triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình hỗ trợ nhằm mục đích phát triển DNKHCN tại địa phương. Đây là cơ sở pháp lý để các tỉnh/thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ DNKHCN từ nguồn ngân sách của địa phương.
Cấp Giấy chứng nhận DNKHCN và tình hình sản xuất kinh doanh
Tính đến tháng 11/2020, cả nước đã có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN. Sau khi Nghị định số 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt ở các thành phố như Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đây là những địa phương chú trọng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, giới thiệu chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nhìn chung thì số lượng DNKHCN được cấp mới năm 2020 có giảm so với năm 2019 do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến tháng 11/2020, có 58/63 sở KH&CN đã thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận DNKHCN (tăng 1 sở so với năm 2019), trong đó có những tỉnh/thành phố phát triển mạnh về DNKHCN tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong hoạt động cấp Giấy chứng nhận DNKHCN (bảng 1). Những tỉnh/thành phố khác có số lượng doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN trên 10 là Sơn La, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòa Bình. Những địa phương chưa có doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN gồm: Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Vĩnh Long.
Bảng 1. Số lượng DNKHCN tại một số tỉnh/thành phố điển hình.
Về lĩnh vực công nghệ, DNKHCN được cấp giấy chứng nhận có kết quả KH&CN thuộc hầu hết các lĩnh vực công nghệ được khuyến khích phát triển, trong đó chủ yếu là công nghệ sinh học (39,3%), công nghệ tự động hóa (21,3%), công nghệ thông tin (16%). Phân loại theo vốn chủ sở hữu thì DNKHCN chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân (97,7%).
Tính đến tháng 11/2020, trong tổng số 538 DNKHCN thì có 24 doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận DNKHCN do giải thể, ngừng hoạt động hoặc không sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Năm 2020, Cục Phát triển Thị trường và DNKHCN đã tiến hành khảo sát về tình hình hoạt động của các DNKHCN trong năm 2019 và đã có báo cáo của 235 DNKHCN cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019. Cụ thể là: tạo việc làm cho 31.264 lao động; tổng doanh thu của 235 doanh nghiệp năm 2019 đạt: 147.170,5 tỷ đồng (đạt 2,39% GDP của cả nước), trong đó có 217 doanh nghiệp có doanh thu từ sản phẩm KH&CN với tổng: 24.123,1 tỷ đồng (chiếm 16,3% tổng doanh thu); 198 doanh nghiệp có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế năm đạt: 5.268,5 tỷ đồng, trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của sản phẩm KH&CN đạt: 1.343,9 tỷ đồng/183 doanh nghiệp; doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng là 56; doanh nghiệp báo cáo lỗ: 9; thu nhập bình quân của người lao động đạt 15 triệu đồng/người/tháng.
Trong tổng số 235 DNKHCN có báo cáo thì 166 doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư cho phát triển KH&CN với tổng kinh phí đầu tư đạt 1.731,6 tỷ đồng; 58 doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp với tổng kinh phí trích lập năm 2019 là 80,04 tỷ đồng; 58 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ KH&CN có sử dụng vốn nhà nước với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước 146,6 tỷ đồng. Các DNKHCN đã chú trọng tới việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong tổng số các DNKHCN được cấp giấy chứng nhận, khoảng 7% doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận từ kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; hơn 90% doanh nghiệp còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH&CN bằng toàn bộ nguồn vốn của chính doanh nghiệp. DNKHCN cũng đã chú trọng tới việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH&CN và sản phẩm được tạo ra: 138 doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 9 doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ và đang chờ kết quả.
Để chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, nhiều DNKHCN đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, giao hàng và thanh toán tận nhà; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong đó nghiên cứu và sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, nội địa hóa nguồn cung nguyên/vật liệu. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Công ty CP Sao Thái Dương đã hợp tác với các nhà khoa học để chế tạo thành công hai bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2; Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải nghiên cứu chế tạo thử nghiệm một số hợp chất nano từ thiên nhiên có khả năng ức chế SARS-CoV-2, ngăn bão hòa Cytokine và giảm khả năng đông máu, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19; Công ty TNHH Châu Đà sản xuất sản phẩm Máy sản xuất khẩu trang tự động đáp ứng nhu cầu sản xuất khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh...
Giải pháp phát triển
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các DNKHCN trong năm 2021 và các năm tiếp theo, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo, gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành để bảo đảm thực thi được các chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu… Xây dựng và ban hành cơ chế phù hợp tạo sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận kết quả KH&CN mới để hình thành các DNKHCN.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển DNKHCN như: đề xuất các quy định về DNKHCN tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về DNKHCN; ban hành văn bản quy định về tiêu chí, hướng dẫn điều kiện thành lập đối với cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về thẩm quyền, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đối với loại hình tổ chức này để hỗ trợ thụ hưởng các ưu đãi đầu tư; tăng cường hỗ trợ các địa phương triển khai Nghị định số 13/2019/NĐ-CP:
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong vai trò là động lực của nền kinh tế, tự giác chủ động và tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.
Ba là, cơ cấu lại các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN của tỉnh/thành phố theo hướng tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng các kết quả KH&CN vào sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, nâng cao tiềm lực về KH&CN của địa phương. Hỗ trợ việc tiếp nhận các kết quả KH&CN và quyền sử dụng tài sản trí tuệ để hình thành DNKHCN. Xem xét xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm “make in Vietnam” nói chung và sản phẩm của DNKHCN nói riêng.
Bốn là, thúc đẩy hình thành DNKHCN từ lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo: phối hợp với các cơ sở ươm tạo, viện/trường và các tổ chức hỗ trợ khác để tuyên truyền, phổ biến chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáp ứng điều kiện để được công nhận thành DNKHCN; nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp hỗ trợ đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNKHCN (tổ chức ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức dịch vụ tư vấn pháp lý và tài chính, tổ chức định giá công nghệ).
Năm là, đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển DNKHCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào nội dung hỗ trợ DNKHCN phát triển thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu để hình thành các DNKHCN dẫn đầu.