Thứ tư, 17/07/2024 19:28

Xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024

TS Lê Văn Út

Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP), Trường Đại học Văn Lang

Một đại học (ĐH) với nguồn lực mạnh, nghĩa là phải có tài lực phong phú và nhân lực chất lượng cao, có thể thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chính theo quy định của pháp luật gồm nghiên cứu và đào tạo. Trong đó, hoạt động nghiên cứu quyết định chất lượng đào tạo, đẳng cấp và danh tiếng của ĐH. Nghiên cứu khoa học có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau, nhưng trong đó bài báo khoa học là sản phẩm khoa học phổ biến và căn bản nhất của các ĐH. Quan sát thành tựu nghiên cứu của các cơ sở giáo dục ĐH thông qua các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín là yêu cầu quan trọng đối với các cơ quan quản lý, lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH và cả những người làm nghiên cứu khoa học. Bài viết trình bày thành tựu bài báo khoa học của Việt Nam nửa đầu năm 2024 có mặt trong cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS) và đặc biệt là kết quả xếp hạng các ĐH trong nước căn cứ trên thành tựu này. Đây là thông tin thiết thực cho hoạt động quản trị của các ĐH và có giá trị tham chiếu cao cho nhiều bên liên quan trong cộng đồng.

Phát triển nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học

Phát triển nghiên cứu khoa học (NCKH) đã, đang và sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Bởi lẽ, chính NCKH làm cho một ĐH có thể thực hiện đúng chức năng theo luật định và đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh nhiều điều kiện đảm bảo chất lượng khác nhau, NCKH là con đường duy nhất để các ĐH có thể nâng cao chất lượng đào tạo đúng nghĩa, đặc biệt là đào tạo sau ĐH, đồng thời cũng để chuyển giao công nghệ mang lại nguồn thu, nâng cao đẳng cấp và xây dựng danh tiếng.

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã chỉ rõ vai trò quan trọng của NCKH, đồng thời đã đặt ra các mục tiêu cụ thể liên quan đến NCKH tính đến năm 2030 [1]. Trong đó, liên quan đến NCKH và sự phát triển của các ĐH, Nghị quyết khẳng định ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển NCKH và phải phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á (trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 ĐH hàng đầu thế giới). Điều này cho thấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã rất sáng suốt và quyết liệt trong việc quốc tế hóa các ĐH Việt Nam. Việc mạnh dạn đặt ra mục tiêu khu vực và thế giới cho các ĐH Việt Nam thông qua mục tiêu xếp hạng ĐH cụ thể như trên thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó NCKH mang tính quyết định.

Căn cứ Luật Giáo dục ĐH ngày 18/06/2012 [2]; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH ngày 19/11/2018 [3], Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động KH&CN trong cơ sở giáo dục ĐH [4]. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 4, Nghị định số 109 chỉ rõ rằng hoạt động KH&CN cùng hoạt động đào tạo là nhiệm vụ chính của cơ sở giáo dục ĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH ngày 19/11/2018 [3] quy định rất rõ về xếp hạng ĐH. Cụ thể là: xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan; cơ sở giáo dục ĐH chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế… Điều này cho thấy vấn đề xếp hạng ĐH đã được luật hóa và quy định đầy đủ. Do đó, xếp hạng ĐH không còn là vấn đề bàn cãi hay tranh luận nữa mà đã, đang và sẽ là vấn đề được cộng đồng học thuật rất quan tâm [5-8]. Hơn nữa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đưa mục tiêu xếp hạng ĐH vào Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 [1].

Như vậy có thể nói, phát triển NCKH và xếp hạng ĐH có mối liên hệ mật thiết với nhau và là những vấn đề hệ trọng và chiến lược của các ĐH. Thành tựu NCKH phản ánh chất lượng, đẳng cấp và danh tiếng của các ĐH. Trong khi đó, xếp hạng ĐH giúp các ĐH có cơ hội đối sánh với nhau từ trong nước, cho đến khu vực và cả thế giới.

Xếp hạng ĐH theo công bố khoa học

Trong thời gian gần đây, thành tựu về công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí quốc tế uy tín ngày càng được quan tâm. Đã có nhiều kết quả thống kê và phân tích về vấn đề này tính đến năm cuối 2023 [9-11]. Các kết quả trên chủ yếu dựa vào Cơ sở dữ liệu Scopus. Tuy nhiên, Cơ sở dữ liệu WoS hiện được xem là cơ sở dữ liệu khoa học uy tín nhất trên thế giới và 99,11% các tạp chí WoS đồng thời là tạp chí Scopus (số liệu năm 2021) [12]. Ngoài ra, cũng đã có xếp hạng các ĐH Việt Nam về thành tựu bài báo khoa học theo Scopus nhưng phạm vi rất giới hạn, chỉ có 9 ĐH trong nước được xếp hạng [9].

Thông thường, các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới sử dụng thành tựu nghiên cứu của các ĐH thông qua các cơ sở dữ liệu WoS hay Scopus sử dụng dữ liệu trong 05 năm gần nhất, như ARWU, US News, SCImago và URAP. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc đánh giá thành tựu theo từng năm hoặc từng năm học sẽ giúp cung cấp những thông tin cập nhật và hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước về ĐH, các cơ quản chủ quản ĐH, những người làm nghiên cứu và cả cộng đồng về thành tựu của các ĐH. Nhờ đó, các ĐH có thể kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quản trị.

Để có thêm nhiều kết quả phân tích đa chiều và cập nhật, bài báo này trình bày thành tựu bài báo khoa học của các ĐH Việt Nam dưới góc độ đo lường khoa học (Scientometrics) theo Cơ sở dữ liệu WoS trong nửa đầu năm 2024. Ngoài những phân tích về phân loại các bài báo khoa học và phân bố bài báo khoa học theo từng lĩnh vực, kết quả xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các ĐH Việt Nam là kết quả chính của bài báo này. Kết quả xếp hạng này rất cần thiết và quan trọng cho các cơ quan quản lý ĐH, các ĐH và cả cộng đồng.

Thành tựu bài báo khoa học của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 theo WoS

Phương pháp và dữ liệu

Hiện nay, 2 cơ sở dữ liệu khoa học Scopus và WoS được xem là uy tín và phổ biến nhất [13]. Tính đến thời điểm này, WoS thống kê các xuất bản khoa học của 22.323 tạp chí khoa học hàng đầu thế giới và 43.092 tạp chí khoa học được thống kê bởi Scopus. Hầu hết các tạp chí WoS đồng thời là tạp chí Scopus. Do đó, WoS được xem là uy tín hơn Scopus.

Dữ liệu trong bài viết này được trích xuất từ WoS từ ngày 01/01/2024-30/06/2024, thời gian truy xuất dữ liệu lúc 21:00 giờ ngày 01/07/2024. Kết quả gồm phần thống kê chung về thành tựu khoa học của Việt Nam được WoS ghi nhận. Kết quả quan trọng nhất là phần phân tích dữ liệu và xếp hạng thành tựu của các ĐH Việt Nam đóng góp vào các kết quả nghiên cứu chung của Việt Nam.

Việc phân tích dữ liệu khoa học quốc tế của các ĐH Việt Nam nhìn chung khá thách thức. Nguyên nhân chính và cũng là chủ quan có thể là do tên tiếng Anh của các ĐH của chúng ta được sử dụng khá đa dạng. Thông lệ là mỗi ĐH chỉ có duy nhất một tên tiếng Anh. Nhưng thực tiễn cho thấy, có không ít ĐH có nhiều hơn một tên tiếng Anh trong các công bố khoa học. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là lỗi kỹ thuật trong quá trình thống kê dữ liệu tự động của WoS, mặc dù tên tiếng Anh của ĐH trong các công bố khoa học quốc tế là đúng và nhất quán.

Thành tựu bài báo nghiên cứu của Top 25 nước trên thế giới, ảnh chụp từ WoS lúc 11:00 giờ ngày 17/07/2024.

Việc chuyển tên tiếng Anh của các ĐH Việt Nam trong WoS sang tên tiếng Việt có những khó khăn nhất định. Quá trình này được thực hiện dựa trên thông tin từ trang tin điện tử của các ĐH và có đối chiếu với cơ sở dữ liệu ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với những trường hợp thành tựu khoa học của ĐH được WoS ghi nhận cho hơn một tên tiếng Anh và có dấu hiệu cho thấy lỗi kỹ thuật của WoS, thành tựu khoa học của ĐH đó sẽ được tổ hợp lại bằng chức năng truy xuất nâng cao của WoS. Cụ thể đối với những trường hợp sau: ĐH FPT (FPT University, FPT Univ); ĐH VinUni (VinUniversity, VinUniv); ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City University of Technology HUTECH, HUTECH Univ); Học viện Kỹ thuật Quân sự (Le Quy Don Technical University, Quy Don Tech Univ); ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Univ Ind Trade HUIT, Ho Chi Minh City Univ Ind Trade); ĐH Văn Lang (Van Lang University, Lang Univ); ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City University Economics, Univ Econ Ho Chi Minh City UEH, Univ Econ Ho Chi Minh City); ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh City Univ Educ, HCMC Univ Educ); ĐH Sư phạm Hà Nội (Hanoi Natl Univ Educ, Hanoi National University of Education)…

Khi phân tích dữ liệu và xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các ĐH, chỉ những ĐH mà tổ hợp các tên tiếng Anh (nếu có) có thành tựu thấp hơn cận dưới theo giới hạn trong bài báo mới được chọn.

Thực tế cho thấy, một bài báo WoS có thể được ghi nhận cho những lĩnh vực khác nhau hoặc những ĐH khác nhau. Do đó, việc tính tổng số bài báo WoS theo lĩnh vực hay theo ĐH phải thực hiện bằng lệnh truy xuất tổ hợp, chứ không cộng dồn.

Thành tựu bài báo khoa học của Việt Nam

Thống kê cho thấy, Việt Nam có 5.431 ấn phẩm khoa học được ghi nhận bởi WoS, được phân thành 13 loại (bảng 1). Mỗi loại ấn phẩm WoS đều có giá trị và ý nghĩa nhất định. Có thể nói bài báo khoa học thuộc loại nghiên cứu (article, viết tắt: bài báo nghiên cứu) là có giá trị nhất vì chứa đựng các kết quả nghiên cứu mới trong các chuyên ngành. Điểm thú vị là số bài báo nghiên cứu chiếm đa số trong các ấn phẩm WoS của Việt Nam, với 5.034 bài và chiếm 92,69%.

Bảng 1. Phân bố thành tựu theo loại ấn phẩm.

Số thứ tự

Loại ấn phẩm

Số lượng (bài)

Tỷ lệ (%)

1

Article

5.034

92,69

2

Early Access

1.223

22,52

3

Review Article

220

4,05

4

Editorial Material

53

0,98

5

Correction

47

0,87

6

Book Chapters

28

0,52

7

Letter

25

0,46

8

Meeting Abstract

20

0,37

9

Proceeding Paper

19

0,35

10

Data Paper

8

0,15

11

Book Review

7

0,13

12

Retraction

5

0,09

13

News Item

1

0,02

Các bài báo khoa học thuộc loại tổng quan là nguồn cung cấp nhiều thông tin tổng quan về các tình hình nghiên cứu trong các lĩnh vực và có thể gợi ra các hướng nghiên cứu mới. Tuy nhiên, giá trị của loại ấn phẩm này phụ thuộc rất lớn vào đẳng cấp của các tác giả. Việt Nam có 220 bài báo tổng quan, chiếm 4,05%.

Các bài báo khoa học thuộc loại book chapters (chương sách), proceeding paper (bài báo kỷ yếu hội thảo) hay data paper (bài báo dữ liệu) cũng chứa đựng những kết quả nghiên cứu mới, nhưng có thể không uy tín như các bài báo nghiên cứu.

Những loại ấn phẩm còn lại phần lớn là hỗ trợ thêm cho hoạt động nghiên cứu. Điều đáng lưu ý ở đây là ấn phẩm thuộc loại Retraction. Đây là thông tin những bài báo khoa học đã bị rút vì những lý do khác nhau. Việt Nam có 05 bài báo khoa học bị rút trong cùng kỳ.

Lĩnh vực bài báo khoa học

Có thể thấy, thành tựu bài báo khoa học trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật (SCIE) chiếm đa số so với các lĩnh vực khác, cụ thể là 68% theo bảng 2.

Bảng 2. Phân bố thành tựu theo lĩnh vực.

Lĩnh vực

Số bài WoS

Tỷ lệ (%)

Science Citation Index Expanded (SCIE)

3.423

   68,00

Emerging Sources Citation Index (ESCI)

1.194

    23,72

Social Sciences Citation Index (SSCI)

498

    9,89

Arts & Humanities Citation Index (AHCI)

35

    0,70

 

 

 

 

 

 

 

 

Những tạp chí mới được liệt kê vào WoS mà có thể chưa có các chỉ số liên quan trích dẫn thì có thể được xem là nhóm tạp chí “dự bị” của WoS (ESCI). Việt Nam có đến 23,72% bài báo thuộc nhóm này. Trong thực tế, một tạp chí có thể được xếp vào những lĩnh vực khác nhau.

Xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các ĐH Việt Nam trong nửa đầu năm 2024

Theo WoS, Việt Nam có 5.034 bài báo nghiên cứu trong nửa đầu năm 2024, tính đến 21:00 giờ ngày 01/07/2024. Hầu hết các bài báo nghiên cứu của Việt Nam là từ các ĐH hoặc có hợp tác với các ĐH ở Việt Nam. Do vai trò quan trọng và có tính quyết định của các bài báo nghiên cứu đối với sự phát triển và chất lượng của các ĐH như đã phân tích ở trên nên việc đối sánh các ĐH thông qua thành tựu bài báo nghiên cứu chuẩn WoS uy tín có ý nghĩa rất thiết yếu cho các cơ quan quản lý nhà nước về ĐH, các cơ quan chủ quản của ĐH và lãnh đạo các ĐH, cũng như toàn thể cộng đồng.

Kết quả dưới đây (bảng 3 - SARAP Ranking) trình bày xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các ĐH Việt Nam trong nửa đầu năm 2024. Nhằm hạn chế sự phân tán và quá chi ly trong việc xếp hạng, kết quả xếp hạng chỉ giới hạn đối với các ĐH có ít nhất 20 bài báo nghiên cứu WoS. Tổng cộng có tất cả 60 ĐH (trong số 240 ĐH) được xếp hạng và có tất cả 50 hạng vì có những ĐH đồng hạng. Do đó, kết quả xếp hạng này có thể được gọi là Top 50 ĐH Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.

Trong Top 50, hầu hết là các ĐH công lập, chiếm tỷ lệ 88,33% (53 ĐH). Chỉ có 7 ĐH tư thục, chiếm tỷ lệ 11,66%. Đặc biệt, có 03 ĐH địa phương gồm 02 ĐH thuộc TP Hồ Chí Minh và 01 ĐH thuộc tỉnh Bình Dương, chiếm tỷ lệ 5%.

Trong Top 10, đứng đầu là ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với 648 bài báo nghiên cứu, chiếm tỷ lệ 12,87% của cả nước. ĐH Quốc Hà Nội đứng thứ 2 với 405 bài báo nghiên cứu. Các vị trí còn lại theo thứ tự gồm ĐH Duy Tân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Văn Lang, ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Huế.

Điều thú vị là Top 10 có tổng số bài báo nghiên cứu chiếm 54,24% tổng số bài báo nghiên cứu của cả nước.

Bảng 3. SARAP Ranking: Top 50 ĐH Việt Nam.

Hạng

    ĐH

Số bài WoS

Tỷ lệ (%)

1

ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

648

12,87

2

ĐH Quốc gia Hà Nội

405

8,05

3

ĐH Duy Tân

320

6,36

4

ĐH Bách khoa Hà Nội

305

6,06

5

ĐH Tôn Đức Thắng

205

4,07

6

ĐH Văn Lang

178

3,53

7

ĐH Cần Thơ

177

3,52

8

ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh

170

3,38

9

ĐH Nguyễn Tất Thành

165

3,28

10

ĐH Huế

157

3,12

11

ĐH Y Hà Nội

155

3,08

12

ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh

151

3,00

13

ĐH Phenikaa

146

2,90

14

ĐH Đà Nẵng

144

2,86

15

ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh

143

2,66

16

ĐH Thái Nguyên

123

2,44

17

ĐH FPT

106

2,10

18

ĐH Mở TP Hồ Chí Minh

103

2,05

19

Học viện Kỹ thuật Quân sự

96

1,90

20

Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

91

1,81

21

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh

86

1,71

22

ĐH Sư phạm Hà Nội

85

1,68

23

ĐH Công Nghiệp Hà Nội

78

1,55

24

ĐH Thủy Lợi

76

1,51

25

ĐH Kinh tế Quốc dân

70

1,39

26

ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh

67

1,33

26

ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh

67

1,33

26

ĐH Giao thông Vận tải

67

1,33

27

ĐH Việt - Pháp

63

1,25

27

ĐH VinUni

63

1,25

28

ĐH Vinh

58

1,15

29

ĐH Sư phạm TP. HCM

57

1,13

29

ĐH Y Dược Cần Thơ

57

1,13

30

ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh

54

1,07

31

ĐH Mỏ - Địa chất

47

0,93

32

ĐH Xây dựng Hà Nội

44

0,87

33

ĐH Nha Trang

43

0,85

34

Học viên Quân Y

41

0,81

35

ĐH Thủ Dầu Một

40

0,80

36

ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

39

0,78

37

ĐH Thương mại

38

0,76

38

ĐH Dược Hà Nội

37

0,74

39

ĐH Điện lực

36

0,72

40

ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh

33

0,66

40

ĐH Sài Gòn

33

0,66

41

ĐH Tây Nguyên

32

0,64

42

ĐH Đồng Tháp

30

0,60

42

ĐH Quy Nhơn

30

0,60

43

ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải

29

0,58

44

ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh

27

0,54

44

ĐH Tài chính - Marketing

27

0,54

45

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

26

0,52

46

ĐH Ngoại thương

25

0,50

47

ĐH Việt - Đức

24

0,48

48

ĐH Sư phạm Hà Nội 2

23

0,46

48

ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

23

0,46

48

ĐH Y tế công cộng

23

0,46

49

ĐH Công nghệ Đồng Nai

21

0,42

49

ĐH Hàng Hải Việt Nam

21

0,42

50

ĐH Y Dược Hải Phòng

20

0,40

Thay lời kết

Bảng xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các ĐH Việt Nam như đã trình bày ở trên là một cách tiếp cận mang tính tức thời trong đo lường khoa học. Do nguồn lực của các ĐH Việt Nam rất khác nhau nên nếu muốn xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các ĐH chuẩn xác hơn thì nên chuẩn hóa thành tựu có được so với nguồn lực để có thể đảm bảo sự công bằng nhất định giữa các ĐH.

Bảng xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu WoS đối với các ĐH Việt Nam có thể dẫn đến những ý kiến trái chiều về tính không toàn diện. Như đã phân tích ở trên, nghiên cứu khoa học và đào tạo là 2 nhiệm vụ chính của một ĐH. Trong đó, nghiên cứu khoa học lại quyết định chất lượng đào tạo. Như vậy, có thể nói thành tựu nghiên cứu của ĐH giữ vai trò quyết định chất lượng sản phẩm đào tạo của ĐH. Nếu một ĐH có thành tựu nghiên cứu khoa học khiêm tốn thì sẽ rất khó để có thể bàn về chất lượng đào tạo đúng nghĩa của ĐH đó. Đương nhiên, đào tạo ở ĐH khác với đào tạo công nhân lành nghề ở các trường dạy nghề.

Thực tế cho thấy, một giảng viên có chất lượng cao thì tối thiểu phải có năng lực chuyên môn tốt, phương pháp giảng dạy tốt và năng lực nghiên cứu khoa học tốt. Khi có nghiên cứu khoa học, giảng viên mới có thể tạo ra những kết quả nghiên cứu mới trong chuyên ngành; từ đó, chất lượng bài giảng của họ mới được nâng cao và họ mới có cơ hội trở thành những giảng viên có chất lượng cao và có thể cung cấp chất lượng đào tạo cao. Thêm nữa, nghiên cứu khoa học tốt thì mới có thể tạo ra những luận văn, luận án tốt; đây là minh chứng cho chất lượng đào tạo tốt. Và nghiên cứu khoa học tốt còn giúp ĐH tạo ra các công nghệ mới cung ứng cho thị trường để mang lại nguồn thu và danh tiếng cho ĐH. Đó là quá trình chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu mới thành các sản phẩm tri thức mới, sản phẩm công nghệ mới hay sản phẩm danh tiếng mới của ĐH [14-16].

Ngược lại, rất có thể có lý luận cho rằng, một ĐH có thành tựu tốt về bài báo nghiên cứu thì chưa hẳn là một ĐH tốt. Lý luận này không phải là không có sơ sở. Có thể thấy thành tựu bài báo nghiên cứu chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là các ĐH phải thực hiện việc chuyển giao các bài báo nghiên cứu đó vào thực tiễn để có thể tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, mang lại nguồn thu lớn và đóng góp quan trọng vào việc xây dựng danh tiếng cho ĐH [15]. 

Với tinh thần như đã phân tích ở trên, việc ĐH được xếp hạng cao về bài báo nghiên cứu nhưng chất lượng thực chất chưa xứng tầm (nếu có) thì trách nhiệm thuộc về việc quản trị hiệu quả của các ĐH, đặc biệt là trong vấn đề chuyển giao các kết quả nghiên cứu để có thể xây dựng nên giá trị thực của ĐH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ban chấp hành Trung ương (2023), Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

[2] Quốc hội (2012), Luật số 08/2012/QH13: Luật Giáo dục ĐH.

[3] Quốc hội (2018), Luật số 34/2018/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.

[4] Chính phủ (2022), Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH.

[5] TS Lê Văn Út (2023), “Đôi điều về việc xếp hạng các ĐH ở Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/7522/doi-dieu-ve-viec-xep-hang-cac-dai-hoc-o-viet-nam.aspx, truy cập ngày 31/03/2023.

[6] Công Chương (2023), “Bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều”, Tạp chí Khoa học Phổ thông, https://khoahocphothong.vn/bang-xep-hang-cac-truong-dai-hoc-viet-nam-co-nhieu-y-kien-trai-chieu-2149.html, truy cập ngày 03/03/2023.

[7] Lê Huyền (2023), “Tại sao chỉ một số ĐH Việt Nam tham gia cuộc chơi xếp hạng quốc tế?”, Báo VietNamNet, https://vietnamnet.vn/tai-sao-chi-mot-so-dh-viet-nam-tham-gia-cuoc-choi-xep-hang-quoc-te-2113410.html, truy cập ngày 25/02/2023.

[8] Lê Huyền (2023), “Để được xếp hạng ĐH thì không thể thiếu tiền”, Báo VietNamNet, https://vietnamnet.vn/de-duoc-xep-hang-dai-hoc-thi-khong-the-thieu-tien-2113407.html, truy cập ngày 24/02/2023.

[9] Linh An (2022), “Danh sách 9 cơ sở GDĐH của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022”, Báo Giáo dục, https://giaoduc.net.vn/danh-sach-9-co-so-gddh-cua-viet-nam-co-cong-bo-quoc-te-cao-nhat-nam-2022-post237643.gd, truy cập ngày 28/08/2023.

[10] Nguyễn Liên (2023), “Việt Nam có 18.000 công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín mỗi năm”, Báo Đại biểu Nhân dân, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/viet-nam-co-18-000-cong-bo-khoa-hoc-tren-tap-chi-quoc-te-uy-tin-moi-nam-i341853/amp/, truy cập ngày 03/09/2023.

[11] Như Quỳnh (2024), “Việt Nam tăng số bài báo công bố quốc tế trong năm 2023”, Báo VNEXPRESS, https://vnexpress.net/viet-nam-tang-so-bai-bao-cong-bo-quoc-te-trong-nam-2023-4741696.html, truy cập ngày 06/05/2024.

[12] V.K. Singh, P. Singh, M. Karmakar, et al. (2021), “The journal coverage of Web of Science, Scopus and Dimensions: A comparative analysis”, Scientometrics, 126(6), pp.5113-5142.

[13] P. Mongeon, A.P. Hus (2016), “The journal coverage of Web of Science and Scopus: A comparative analysis”, Scientometrics, 106(1), pp.213-228.

[14] TS Lê Văn Út (2024), “7 vấn đề và 6 giải pháp để khoa học công nghệ tạo ra tiền”, Báo Đại biểu Nhân dân, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/-7-van-de-va-6-giai-phap-de-khoa-hoc-cong-nghe-tao-ra-tien-i359446/, truy cập ngày 02/02/2024.

[15] TS Lê Văn Út (2024), “Ba loại sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra tiền”, Báo Đại biểu Nhân dân, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ba-loai-san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-tao-ra-tien-i359338/, truy cập ngày 01/02/2024.

[16] TS Lê Văn Út (2024), “Làm thế nào để khoa học và công nghệ ra tiền?”, Báo Đại biểu Nhân dân, https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/lam-the-nao-de-khoa-hoc-va-cong-nghe-ra-tien--i359216/, truy cập ngày 31/01/2024.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)