Thứ tư, 17/07/2024 18:37

Đào tạo đội ngũ kế cận cho một số ngành khoa học xã hội và nhân văn đặc thù

Trong số khoảng 40 ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) đang hoạt động hiện nay ở Việt Nam, có một số ngành rất đặc thù, ngoài giá trị khoa học tự thân còn gắn với hệ giá trị quốc gia và tinh thần dân tộc. Vì vậy, việc duy trì và đào tạo đội ngũ kế cận cần được tính toán xa, rộng, không chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoạt động chuyên môn mà còn xác định chiến lược lâu dài.* 

Đối với các trường đại học, quy chế hiện tại, nhân lực tối thiểu để duy trì ngành đào tạo là 5 giảng viên/1 ngành. Với hai trường đại học KHXH&NV ở hai đầu đất nước (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), đào tạo nhân lực chỉ là 1 trong 3 sứ mệnh chính: đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng. Xuất phát từ truyền thống nghiên cứu và sứ mệnh hàn lâm đã được xác định, nghiên cứu khoa học được đề cao, thể hiện qua triết lý “Hàn lâm làm nền tảng - Hiện đại/Hội nhập là xu hướng” của hai nhà trường.  Bản thân hai Đại học Quốc gia cũng nhiều lần khẳng định mục tiêu phát triển khoa học cơ bản (KHCB) làm nền tảng cho sự phát triển khoa học công nghệ và khoa học liên ngành. Vì vậy, để hài hòa giữa mục tiêu tối thiểu với sứ mệnh quốc gia trong vấn đề nhân lực, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu KHXH&NV cần triển khai  đề án nhân lực chuyên sâu đặc thù, đứng lên trên (và vượt ra khỏi) tư duy thông thường của một cơ sở giáo dục đại học thông thường. Với phần lớn các cơ sở giáo dục không chú trọng mục tiêu khoa học, họ chỉ cần duy trì số lượng tối thiểu, đặc biệt là với các ngành “hot”, mang xu hướng thị trường lao động; các ngành KHCB, nhóm khoa học xã hội cơ bản không được quan tâm.

Rất mỏng đội ngũ chuyên gia về “cổ học”, “văn hiến”…

 

Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội gần như là cơ sở đào tạo lớn nhất cả nước về khảo cổ, cung cấp đến 90% nhân lực ngành này cho viện nghiên cứu, bảo tàng, ban quản lý di tích và nhiều cơ quan văn hoá, du lịch.

Trong số hơn 30 ngành đào tạo hiện nay ở hai trường đại học KHXH&NV, có một số ngành cần được nhận diện để đầu tư nhân lực theo hướng đặc thù: Văn học, Hán Nôm, Ngôn ngữ học, Triết học, Lịch sử, Dân tộc học - Nhân học, Văn hóa học, Khảo cổ học..., chúng ta có thể thấy sự khác biệt của một số ngành này qua một số ví dụ chi tiết:

i) Hán Nôm không đơn thuần là một ngành đào tạo thông thường của một cơ sở giáo dục đại học, mà gánh trọng trách với di sản nghìn năm của dân tộc. Hiện nay có 5 cơ sở liên quan đến đào tạo Hán Nôm: Trường đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Đại học Huế, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Khoa học Xã hội, song chỉ có 2 trường đào tạo đầy đủ 3 hệ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Mỗi năm 2 trường này tuyển sinh trung bình 20-30 học viên cho ngành học đặc thù này. Nếu chỉ đảm bảo ngưỡng nhân lực giảng dạy thì trường chỉ cần 5 giảng viên có học vị từ thạc sỹ trở lên.

Tuy nhiên, Hán Nôm không chỉ là di sản, mà xa hơn là tinh thần và tinh hoa dân tộc; đội ngũ chuyên gia Hán Nôm cần được đảm bảo số lượng cần thiết và mang tính kế thừa thế hệ để có thể liên tục triển khai các dự án nghiên cứu kinh điển (chữ, nghĩa, văn chương, tư tưởng, văn hóa, triết học/triết lý…) từ khối tư liệu văn hiến của người Việt cả trong và ngoài nước qua các thời kỳ lịch sử. Đội ngũ chuyên gia Hán Nôm có thể lên đến 20 người (mặc dù yêu cầu đào tạo có thể chỉ cần ngưỡng tối thiểu 5 người - theo quy chế).

ii) Khảo cổ học. Mỗi năm cả nước có thêm không quá 10 cử nhân khảo cổ học. Chương trình đào tạo cử nhân khảo cổ học gồm 2 đợt thực tập (khai quật), mỗi đợt trung bình 20-30 ngày. Chi phí cho một đợt khai quật khảo cổ học vào khoảng 250 triệu đồng (2 đợt khai quật vào khoảng 500 triệu đồng); trong khi tổng học phí thu được từ 5 cử nhân vào khoảng 190 triệu đồng.

Cán bộ và sinh viên Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trong một lần tác nghiệp.

Tương tự như Hán Nôm, các đơn vị đào tạo chủ trương duy trì một đội ngũ chuyên gia khảo cổ (và các lĩnh vực gần như di sản, bảo tàng…) khoảng 15-20 người bởi ngoài công tác giảng dạy, giảng viên Khảo cổ học còn phải tham gia chủ trì khai quật, phân tích hiện vật, tọa đàm, báo cáo, tư vấn chính sách cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các địa phương…

Với hai trường đại học KHXH&NV, các ngành và đội ngũ chuyên gia gắn với các ngành này là đặc thù để giải quyết các vấn đề chuyên môn cho đất nước (khoa học vị quốc gia) bên cạnh các mục tiêu khoa học - đào tạo thông thường.

Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ chuyên gia Hán Nôm, khảo cổ học cũng như một số lĩnh vực KHXH&NV đặc thù khác (dân tộc học, cổ ngữ học…) không đơn giản. Bản thân hai trường đại học KHXH&NV là “máy cái” đào tạo đội ngũ chuyên gia Hán Nôm, khảo cổ học… cho cả nước, song không phải lúc nào Nhà trường cũng có thể tạo nguồn chuyên gia cho chính mình (chưa nói đến cho các trung tâm học thuật khác) vì nhiều lý do khách quan: sự tâm huyết của người học, sự đam mê của người làm nghiên cứu, điều kiện tài chính để đầu tư phát triển… Trong bối cảnh cơ chế thị trường và thị hiếu lao động hiện nay, việc đào tạo nhân lực chuyên gia cho các lĩnh vực KHCB đặc thù đã khó càng thêm nan giải.

Trống vắng đội ngũ chuyên gia tử ngữ, cổ ngữ phi thông dụng

Chuyên gia về các tử ngữ, cổ ngữ phi thông dụng hiện nay là một “khoảng lặng” trong KHXH&NV Việt Nam. Do đặc điểm lịch sử, trong khoảng 2.000 năm qua, Việt Nam trải qua một số làn sóng văn minh chữ viết chính (chữ Hán Nôm đến đầu thế kỷ XX, chữ Pháp trong thế kỷ XX, chữ quốc ngữ từ khoảng thế kỷ XVI đến nay; chữ Pali/Sankrit và những biến thể do người Chăm để lại, chữ Thái cổ…). Bên cạnh đó là khối tài liệu văn hiến Việt Nam được hình thành bởi các cộng đồng người ngoại quốc (thương nhân, giáo sỹ, nhà du hành) bằng các ngôn ngữ phi thông dụng như La-tinh, Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan cổ, tiếng Anh cổ, tiếng Pháp cổ… Ước tính khoảng số lượng các trang tài liệu viết tay về Việt Nam bằng các thứ tiếng đặc thù gồm: 30.000 trang cổ ngữ La-tinh; 20.000 trang cổ ngữ Tây Ban Nha; 30.000 trang tài liệu cổ ngữ Hà Lan; 10.000 trang cổ ngữ Anh; gần 1 triệu trang tài liệu chữ Hán cổ (ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…); hàng nghìn trang sách cổ về Việt Nam tại các văn khố hoặc thư viện ở nhiều quốc gia; gần 1 triệu trang tài liệu viết tay bằng tiếng Pháp, Nga, Đức…  dưới dạng ngôn ngữ cũ (trung đại, cận đại) và ngôn ngữ mới (hiện đại - thế kỷ XX).

Lãnh đạo hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 10/05/2024.

Đáng lưu ý, nhiều ngôn ngữ ghi chép các tư liệu nói trên nay đã là tử ngữ; một số ngôn ngữ thành cổ ngữ. Việc khai thác khối tư liệu văn hiến Việt Nam nói trên cần đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản và gắn bó lâu dài với nghề nghiệp. Đến nay, trong số các tử ngữ/cổ ngữ phi thông dụng, chữ Hán Nôm đang có đội ngũ chuyên gia căn bản ổn hơn cả; tuy nhiên số lượng và chất lượng đang đặt ra nhiều thách thức (đứt gãy thế hệ, thế hệ trẻ sẽ kế nghiệp đến đâu…) cần được nhìn nhận để giải quyết.

Đáng lo ngại, các tử ngữ hiện không có chuyên gia như: La-tinh, Tây Ban Nha cổ, Bồ Đào Nha cổ, Hà Lan cổ (khoảng thế kỷ XVI-XVIII), Pali/Sankrit/Chăm cổ (khoảng thế kỷ VII-XIX)… Các cổ ngữ phi thông dụng hiện cũng không có chuyên gia: Anh cổ, Pháp cổ (khoảng thế kỷ XVII-XVIII). Một số nhà nghiên cứu có thể luận được một phần văn bản nhưng khó khăn vì nhiều từ vựng cổ, ngữ pháp cổ, chữ viết tay khó đọc…

Như vậy, một di sản đồ sộ về văn hiến dân tộc viết bằng cổ ngữ của các nhóm tộc người thiểu số ở Việt Nam (Chăm, Thái…) trong lịch sử và tư liệu văn hiến Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVI-XIX do người phương Tây biên chép hiện vẫn chưa được khai thác. Điều quan trọng, các tài liệu trên không chỉ phản ảnh về đời sống văn hóa, tín ngưỡng - tôn giáo, kinh tế, xã hội, chính trị - bang giao… mà còn hàm chứa nhiều thông tin đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước hôm nay.

Một số giải pháp đề xuất

Gắn với các nhiệm vụ khoa học cơ bản với đào tạo nguồn nhân lực

Đối với Việt Nam đầu tư cho KHCB chính là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển vững chắc của thế hệ sau. Trong đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các trường đại học, nhấn mạnh đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ giảng viên, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương thông qua chương trình sau đại học. Để thực hiện mục tiêu này cần quan tâm tới các giải pháp:

Một là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng đội ngũ chuyên gia chất lượng cao và tâm huyết với các ngành KHCB đặc thù của KHXH&NV (Hán Nôm, Khảo cổ học, Dân tộc học…).

Hai là, khẩn trương đào tạo đội ngũ chuyên gia về các tử ngữ/cổ ngữ phi thông dụng liên quan đến di sản văn hiến dân tộc, đặc biệt là với các ngoại ngữ.

Ba là, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích học tập và nghiên cứu KHCB nhằm nâng cao vị thế của lĩnh vực KHCB tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Cụ thể chính sách về: học bổng dài hạn và ngắn hạn;  học bổng về đào tạo sau đại học và nghiên cứu trong và ngoài nước. Song song với chính sách đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu cần kêu gọi nguồn vốn xã hội từ các tổ chức phi chính phủ, các công ty, tập đoàn kinh tế.

Bốn là, xây dựng đề án về đào tạo đội ngũ kế cận cho một số ngành KHXH&NV đặc thù. Đề án này sẽ do 2 trường đại học KHXH&NV xây dựng và trình với các cấp có thẩm quyển. Nếu cần, phía Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực từ các nguồn khả thi.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng: i) xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học lớn trên thế giới, viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ; ii) tìm kiếm các dự án tài trợ để xây dựng đội ngũ và nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên, nhà nghiên cứu; iii) mời giảng các chuyên đề nghiên cứu đối với các giáo sư, chuyên gia nước ngoài góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên và những người học sau đại học; iv) phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, tọa đàm, tập huấn quốc tế nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về KHCB, nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế.

 

*Bài viết được tổng hợp từ tài liệu trong buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ngày 10/05/2024. Các ngành KHXH&NV hiện đại và mang tính ứng dụng hiện không gặp nhiều vướng mắc, khá thuận lợi cả trong nghiên cứu và đào tạo (Du lịch, Truyền thông, Quốc tế học, Tâm lý học…) sẽ không được trao đổi trong bài viết này.

L.H

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)