Thứ tư, 17/07/2024 19:01

Phát triển sâm Việt Nam: Bài học từ Hàn Quốc

Xây dựng dòng sản phẩm đa dạng, định vị phân khúc phù hợp và thậm chí là xây dựng cả một hệ sinh thái để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là cách mà Hàn Quốc đã làm để phát triển ngành công nghiệp sản xuất sâm. Không chỉ có vậy, các nhà khoa học Hàn Quốc khuyến cáo, với nhu cầu ngày càng cao về sản lượng và chất lượng của sâm, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nghiên cứu, kiểm soát hàm lượng hoạt chất là rất cần thiết. Đồng nghĩa với việc, tiêu chuẩn chất lượng của sâm cũng cần phải rõ ràng, tin cậy. Bài học từ Hàn Quốc đã gợi mở hướng phát triển và hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc để đưa cây sâm Việt ra thế giới.

Bắt đầu từ khoa học và công nghệ

Tại Hội thảo "Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm" do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tổ chức ngày 27/06/2024 tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc, GS. Park Jeong Hill, Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược phát triển cây sâm của Hàn Quốc dưới góc nhìn khoa học. Ngay từ những năm 1975, tại Hàn Quốc đã thành lập Hội Học thuật về Nhân sâm Hàn Quốc (Korean Society of Ginseng - KSG), với khoảng 1.200 thành viên là các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sâm. KSG mỗi năm tổ chức 2 lần hội nghị học thuật và 4 năm/lần hội nghị quốc tế quy mô lớn chuyên đề về sâm. KSG cũng hỗ trợ 20-30 dự án nghiên cứu mỗi năm, với số tiền tổng cộng 1-1,5 triệu USD/năm. Hằng năm, hơn 600 công bố nghiên cứu về sâm Hàn Quốc được xuất bản bởi KSG (Trong khi đó với sâm Việt Nam, mỗi năm chỉ có khoảng 10 nghiên cứu được công bố). KSG cũng có 2 tạp chí khoa học chuyên về sâm. Không những vậy, Hàn Quốc còn có 7 viện nghiên cứu và 4 bảo tàng về sâm.

Với những nghiên cứu, tìm hiểu về  sâm Việt Nam, GS. Park Jeong Hill khuyến nghị, sự hợp tác giữa nhà khoa học và nông dân dưới sự hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết cho sự phát triển của sâm Việt Nam; cần có quy trình trồng chuẩn, bởi hiện nay phương pháp canh tác sâm Việt Nam chưa tốt, năng suất trên một đơn vị diện tích, số lượng trang trại và diện tích canh tác nhỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường các nghiên cứu khoa học về sâm Việt Nam vì hiện nay các bằng chứng khoa học về: thành phần hóa học, hoạt tính sinh học, kiểm soát chất lượng, lợi ích… của sâm Việt Nam còn hạn chế. Điều này khiến thị trường còn chưa có niềm tin vào sâm Việt nên không thể thúc đẩy, tạo nhu cầu sử dụng. Việt Nam cũng cần chú trọng bảo vệ nguồn gen, vì sâm Việt Nam chỉ sống ở các vùng núi cao, hơn nữa lại rất đa dạng về mặt di truyền…

 “Bắt tay” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp

Bài học từ Hàn Quốc cho thấy, để thành công cần có sự “bắt tay” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để nắm bắt và tiếp cận thị trường theo đặc thù sản phẩm. Tại Hàn Quốc, từ cây sâm, các nhà khoa học đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ từng đối tượng khách hàng khác nhau như: dạng túi, dạng cao cô đặc, sâm thái lát thường, dạng bột, dạng viên nang… và kể cả những viên kẹo, mang lại giá trị gia tăng cao. Họ biến suy nghĩ sâm là dòng sản phẩm quý, chỉ dành cho người có tiền mới sử dụng được thì nay, sâm đã phổ biến đại trà trong đời sống người dân Hàn Quốc. Sâm đã trở thành sản phẩm mang tính biểu tượng của Hàn Quốc khi cả hệ thống từ khoa học, doanh nghiệp, văn hóa giải trí, du lịch … đi cùng nhau dưới sự bảo hộ của Nhà nước.

Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh (trái) và sâm Lai Châu (phải) được trưng bày tại Hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” tổ chức ngày 27/06/2024 tại Hà Nội.

Để đẩy mạnh quảng bá và tiếp thị sản phẩm sâm, tại Hàn Quốc, ngành Văn hóa - Du lịch đã “bắt tay” hiệu quả. Các sản phẩm từ sâm thông qua câu chuyện văn hóa được truyền thông mạnh mẽ qua nhiều kênh: truyền miệng thông qua hướng dẫn viên du lịch, chiến dịch thông qua lễ hội, bộ nhận diện, quảng bá… Sâm Hàn Quốc cũng hiện diện trên phim ảnh để đến gần hơn với du khách. Nhắc đến du lịch Hàn Quốc là nhắc đến tour đi thăm quan, trải nghiệm vùng trồng, bán các sản phẩm về sâm. Hàn Quốc còn có hẳn một đạo luật về ngành sâm. Theo đó, các vấn đề từ nuôi trồng, sản xuất, kiểm tra, bảo tồn giống… được quy định chặt chẽ nhằm phát triển cây sâm như một cây trồng đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ câu chuyện phát triển thương hiệu sâm Hàn Quốc, nhìn về thực trạng xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam mà cụ thể là sâm Ngọc Linh, Lai Châu… đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết từ chính sách hỗ trợ, phát triển tầm quốc gia cho đến việc nâng cao chất lượng, sản lượng, thay đổi nhận thức, xu hướng tiêu dùng…

Hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam về sâm

Sâm Việt Nam được xếp vào một trong năm họ sâm đặc hữu quý hiếm, có giá trị cao của thế giới. Trong đó có một số loại đã có vị trí nhất định ở trong nước và đã bắt đầu vươn ra thị trường khu vực và quốc tế, nhưng chưa xứng tầm với vị thế và tiềm năng. Sâm Việt Nam vẫn phát triển ở quy mô địa phương nhỏ lẻ, chưa hình thành chuỗi giá trị, thương hiệu lớn.

Các nhà quản lý, khoa học thăm quan gian trưng bày sản phẩm từ sâm Việt Nam tại Hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” tổ chức ngày 27/06/2024 tại Hà Nội.

Với mong muốn phát triển sâm Việt Nam, tại Hội thảo “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” tổ chức ngày 27/06/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã đầu tư, quan tâm tới cây sâm Việt Nam, thể hiện qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh, xây dựng các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, hỗ trợ kiểm chứng chất lượng sâm, cũng như hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng sâm, chống hàng giả, hàng nhái, đưa sâm Việt Nam vào danh mục sảm phẩm quốc gia ưu tiên nghiên cứu phát triển… Những năm gần đây, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hàn Quốc, VKIST bước đầu thành công trong chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là hướng đến công nghệ chiết xuất dược liệu với hàm lượng cao. Thứ trưởng Bùi Thế Duy hy vọng thông qua các hoạt động hội thảo chuyên đề, VKIST sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam, các địa phương với các nhà khoa học, viện nghiên cứu để đưa những công nghệ tốt nhất, bài học hữu ích nhất của sâm Hàn Quốc đến với sâm Việt Nam; qua đó, tạo ra các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác sản xuất giữa Hàn Quốc và Việt Nam về sâm.

Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST, sâm Việt Nam là loài dược liệu quý hiếm của đất nước, đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Đây là một thuận lợi lớn những sản phẩm từ sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng dược lý tốt tương đương các loài sâm quý trên thế giới.

PGS.TS Vũ Đức Lợi cho biết, việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sâm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm đã được thực hiện và đưa vào dược điển các nước, trong đó có dược điển Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm ngày càng tăng, cùng với sự phát triển của KH&CN đòi hỏi việc xây dựng chất lượng sâm và sản phẩm từ sâm cũng phải thay đổi để kiểm soát hàm lượng hoạt chất, tăng độ chính xác. "Muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy", ông Vũ Đức Lợi nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN đã gợi ý đề xuất thành lập Hiệp hội sâm Việt Nam ở quy mô quốc gia. Hiệp hội sẽ là đơn vị đề xuất với bộ/ngành và Chính phủ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sâm và các sản phẩm từ sâm, từ đó sẽ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia, cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia về sâm Việt Nam.

Lê Hạnh

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)