Thứ ba, 02/07/2024 17:25

Tiềm năng phát triển vắc-xin sởi mới cho người có hệ miễn dịch kém

Bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng do phong trào chống tiêm vắc-xin, và tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Để khắc phục tình trạng này, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một phương pháp mới nhằm đối phó với một trong những loại virus dễ lây lan này.

Cần tiêm phòng sởi sớm cho trẻ.

Năm 2000, Hoa Kỳ tuyên bố bệnh sởi đã được đẩy lùi và không còn là mối đe dọa nhờ sự ra đời của vắc-xin phòng sởi. Nhưng vài năm gần đây, bệnh này đã quay trở lại với và trở thành mối đe dọa với trẻ em. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, tính đến ngày 27/06/2024, đã có 159 ca sởi được ghi nhận tại 23 tiểu bang của Hoa Kỳ. Trong số các trường hợp đó, 84% là người chưa tiêm vắc-xin hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng; 11% đã tiêm 1 liều vắc-xin và 5% đã tiêm 2 liều. Gần một nửa (46%) các trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ không đối mặt với sự tái bùng phát này một mình. Theo thống kê năm 2023, trên toàn cầu, tổng số các trường hợp mắc bệnh sởi đã tăng 79% so với năm trước. Lý do khiến các trường hợp sởi tăng là do tỷ lệ tiêm vắc-xin giảm, đe dọa đến miễn dịch cộng đồng.

Để cải thiện tình hình, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia (Hoa kỳ) và Viện Miễn dịch học La Jolla (Hoa Kỳ) đã tiến hành nghiên cứu và tìm được giải pháp mới để giải quyết sự tái bùng phát bệnh sởi toàn cầu. Phương pháp của họ không dựa vào việc sử dụng virus sống, nhờ đó phương pháp này có thể bảo vệ cả những người có hệ miễn dịch yếu.

GS  Matteo Porotto - Đại học Columbia - đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, những thông tin sai lệch về vắc-xin đã dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều khu vực trên thế giới. Với số lượng người bị suy giảm miễn dịch ngày càng tăng, điều này đồng nghĩa với việc không thể tiêm vắc-xin với virus sống, từ đó bệnh sởi có nhiều cơ hội lây lan nhanh hơn. Vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR) hiện tại đang được sử dụng bằng cách đưa virus sống vào cơ thể và để cơ thể tự miễn dịch, tuy nhiên phương pháp này không phù hợp cho những người có hệ miễn dịch yếu.

Hình ảnh 3D của tế bào nhiễm virus sởi.

Là một trong những loại virus dễ lây lan nhất trên thế giới, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, nếu một người bị sởi, có tới 9/10 người xung quanh sẽ có khả năng bị lây nhiễm nếu họ không được bảo vệ. Biện pháp bảo vệ tốt nhất là vắc-xin MMR - có khả năng cung cấp sự bảo vệ lâu dài. Theo CDC Hoa Kỳ, 1 liều vắc-xin có khoảng 93% hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh sởi; 2 liều có khoảng 97% hiệu quả. Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết, tỷ lệ bao phủ với liều vắc-xin MMR đầu tiên ở Hoa Kỳ đã trên 90% trong nhiều năm, cho đến khi giảm xuống 87% vào năm 2019 và giảm tiếp xuống 85% vào năm 2022.

Bệnh sởi không chỉ bệnh có triệu chứng phát ban và sốt, có thể khỏi trong vài ngày mà còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng (mù lòa, viêm phổi, viêm não). Trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng, phụ nữ mang thai và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu đặc biệt có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Những người bị suy giảm miễn dịch không thể tiêm vắc-xin hiện tại, vì nó chứa virus sởi sống. Chính vì vậy, họ đang ở trong tình huống tiến thoái lưỡng nan: bị suy giảm miễn dịch tăng nguy cơ mắc sởi, nhưng họ không thể tiêm vắc-xin vì hệ miễn dịch bị suy yếu.

Để giải quyết điều này và vấn đề lớn hơn là sự tái bùng phát bệnh sởi, các nhà nghiên cứu đã xem xét các phương pháp thay thế cho việc sử dụng virus sống. Virus sởi hoạt động dựa vào 2 loại protein: hemagglutinin - giúp gắn vào các tế bào khác và protein hợp nhất - giúp hợp nhất với tế bào để gây nhiễm trùng. Trong khi vắc-xin hiện tại chủ yếu khiến cơ thể tạo ra kháng thể chống lại hemagglutinin, nhóm nghiên cứu tập trung vào tiểu đơn vị virus quan trọng khác, tạo ra một kháng thể nhắm vào protein hợp nhất và ngăn nó kết hợp với màng tế bào.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã xem xét các cách điều trị biến chứng viêm não do sởi gây tử vong, hoặc viêm não. Họ nhận thấy rằng, tình trạng này có đặc trưng bởi các dạng biến đổi của virus sởi với các protein hợp nhất đã bị thay đổi. Sử dụng kính hiển vi điện tử đông lạnh (cryo-EM), các nhà nghiên cứu đã thu được một loạt hình ảnh của kháng thể tương tác với virus. GS Matteo Porotto cho biết, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, kháng thể liên kết với trạng thái trước hợp nhất của protein, nhưng nó không hoàn toàn ngăn protein hoạt động. Sau khi kháng thể gắn vào protein, protein đã biến đổi thành trạng thái trung gian và bắt đầu hợp nhất virus với màng tế bào. Nhưng, nếu quá trình này không hoàn thành, có nghĩa là nhiễm trùng đã được ngăn chặn. Nhờ việc hiểu rõ cơ chế hoạt động ở trạng thái trung gian này, nhóm tác giả đã phát triển phương pháp tạo kháng thể cực kỳ hiệu quả, nhờ đó mở ra “con đường” cho các loại vắc-xin và thuốc kháng virus mới. Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm hiệu quả và an toàn của 1 bộ protein hợp nhất bệnh sởi ổn định mới như một loại vắc-xin tiểu đơn vị dành cho những người bị suy giảm miễn dịch và những người đã tiêm vắc-xin nhưng khả năng miễn dịch đã suy giảm.

Xuân Bình (theo Newatlat)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)