Thứ ba, 02/07/2024 15:15

Nhiệt độ ban đêm tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ

Nhiệt độ ban đêm tăng cao là nguyên nhân làm gia tăng đáng kể nguy cơ bị đột quỵ, đây là kết luận của một nghiên cứu mới đăng trên Neuroscience. Nhóm nghiên cứu cho biết, với những phát hiện này mọi người có thể bảo vệ mình tốt hơn.

Nhiệt độ ban đêm tăng cao có thể là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 và gây tàn tật đứng thứ 3 trên toàn cầu, đây là một tình trạng phổ biến xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ như huyết áp cao, tiểu đường, rượu bia và cholesterol cao, nhưng bên cạnh đó còn có một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này đó là nhiệt độ của môi trường. Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu về Sức khỏe Helmholtz Munich (Đức) và Bệnh viện Đại học Augsburg (Đức) đã tiến hành nghiên cứu để khám phá mối liên hệ giữa nhiệt độ ban đêm tăng cao và tỷ lệ đột quỵ.

Alexandra Schneider - Trưởng nhóm Rủi ro môi trường tại Trung tâm Nghiên cứu về Sức khỏe Helmholtz Munich và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, mục đích của nhóm nghiên cứu là tìm hiểu mức độ mà nhiệt độ ban đêm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Điều này rất quan trọng vì biến đổi khí hậu đang khiến nhiệt độ ban đêm tăng nhanh hơn nhiều so với nhiệt độ ban ngày. Theo một nghiên cứu năm 2020, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã làm nhiệt độ ban đêm tăng cao hơn nhiệt độ ban ngày ở hầu hết các khu vực trên thế giới từ năm 1985 đến năm 2017. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng, điều này là do sự gia tăng của mây, từ giới hạn nhiệt độ ban ngày và ngăn cản nhiệt độ ban ngày thoát ra vào ban đêm.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 11.037 bệnh nhân nhập viện tại Khoa Thần kinh của Bệnh viện Đại học Augsburg với chẩn đoán đột quỵ từ năm 2006 đến năm 2020. Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 71. Nhóm nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối và áp suất khí quyển hàng giờ từ trạm khí tượng địa phương Augsburg.

Các đêm cực nóng được phân loại bằng cách sử dụng chỉ số “hot night excess” (HNE) để đo mức độ nhiệt độ ban đêm tăng trên một ngưỡng nhất định. Cụ thể, ngưỡng này được định nghĩa là 5% (phân vị thứ 95) của nhiệt độ tối thiểu hàng ngày trong suốt giai đoạn nghiên cứu 15 năm là 14.6oC. Nếu nhiệt độ tăng trên giá trị này thì đêm đó được coi là cực nóng.

Nhóm nghiên cứu đã chia giai đoạn nghiên cứu thành hai giai đoạn (2006-2012 và 2013-2020). Nhiệt độ trung bình hàng ngày trong giai đoạn ấm (từ tháng 5 đến tháng 10) tăng từ 14,5oC trong giai đoạn trước lên 14,8oC trong giai đoạn sau - một sự gia tăng không đáng kể về mặt thống kê. Nhiệt độ tối đa hàng ngày cũng tăng nhẹ từ 19,6 lên 20,3oC. Mặc dù sự gia tăng nhiệt độ là nhẹ, nhưng chỉ số HNE trung bình tăng đáng kể trong giai đoạn gần đây, và số ngày có nhiệt độ ban đêm cao tăng từ 79 ngày (trong giai đoạn trước) lên 82 ngày (trong giai đoạn sau).

Phân tích mối quan hệ tiềm năng giữa nhiệt độ tăng cao ban đêm và sự xuất hiện đột quỵ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, nhiệt độ tăng cao ban đêm làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 7%. Nguy cơ này cũng tăng đáng kể trong giai đoạn gần đây so với giai đoạn trước. Từ năm 2006 đến 2012, có thêm 2 trường hợp đột quỵ mỗi năm và từ năm 2013 đến 2020 có thêm 33 trường hợp.

Người cao tuổi và phụ nữ đặc biệt có nguy cơ mắc cao, chủ yếu các ca đột quỵ với triệu chứng nhẹ được chẩn đoán tại các phòng khám sau những đêm nóng. Cheng He, tác giả liên hệ của nghiên cứu cho biết, kết quả của nhóm nghiên cứu đã làm rõ rằng điều chỉnh quy hoạch đô thị và hệ thống chăm sóc sức khỏe là cực kỳ quan trọng để giảm rủi ro do nhiệt độ ban đêm tăng. Nhiệt độ có thể gây chết người, đặc biệt là đối với người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người có tình trạng sức khỏe yếu. Ở các khu vực đô thị, bê tông và nhựa đường nóng lên vào ban ngày và chỉ thải nhiệt dần vào ban đêm (hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”). Điều này, cùng với nỗi sợ mở cửa sổ vào ban đêm vì lý do an toàn, chính là nguyên nhân khiến nhà ở có thể nhanh chóng trở nên rất nóng.

Năm 2003, ước tính có 70.000 người chết khi đợt nắng nóng kéo dài 3 tuần tấn công châu Âu. Ở Mỹ, trong tất cả các thảm họa tự nhiên - bao gồm lũ lụt, bão và lốc xoáy - nhiệt độ gây ra số lượng tử vong lớn nhất.

Theo nhóm tác giả, nghiên cứu hiện tại tuy vẫn có những hạn chế do dữ liệu khí tượng chỉ được thu thập từ 1 trạm giám sát ngoài trời, có thể không phản ánh chính xác nhiệt độ ở các khu vực khác nhau trong khu vực nghiên cứu. Ngoài ra, nhiệt độ trong nhà có thể khác với nhiệt độ ngoài trời. Kết quả của của nghiên cứu này đã bổ sung thêm được một khả năng dẫn đến tình trạng đột quỵ và mở ra cơ hội để hạn chế tình trạng này trong tương lai.

Xuân Bình (theo Newatlas)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)