Thứ ba, 14/05/2024 09:33

Đề xuất thí điểm thành lập trường đại học số

Ngày 13/05/2024, Hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” do Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 150 điểm cầu.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, các bên liên quan trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác CĐS trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tạo cơ hội học tập bình đẳng của người dân ở các vùng miền, thúc đẩy học tập suốt đời của cả xã hội và các cá nhân. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhìn nhận các vấn đề, thực trạng, các yêu cầu từ thực tiễn để làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tạo cơ hội bình đẳng và học tập suốt đời

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, CĐS trong giáo dục đã và đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tăng cường áp dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập, từng bước nâng cao chất lượng GD&ĐT, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.

Mặc dù, trong thời gian vừa qua, ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực trong CĐS, nhưng Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, cần nhìn nhận một cách thấu đáo, đánh giá đúng hiện trạng để đề xuất các giải pháp đem lại kết quả thiết thực, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, cung cấp nhân lực với đầy đủ năng lực, kỹ năng, thái độ đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, xã hội số.

Đặc biệt, trong đó có các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí để được công nhận là đại học thông minh, đại học số; cơ chế phối hợp xây dựng, tích hợp, đảm bảo chất lượng, chia sẻ, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, các khóa học trực tuyến đại chúng mở của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; chính sách ghi nhận, công nhận kết quả tự học từ các nền tảng số và truyền thông... Những vấn đề này cần được làm sáng tỏ trong thời gian tới.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị cần có sự vào cuộc của nhiều bên liên quan. Các cơ sở giáo dục cần chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ số trong tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Các cấp quản lý cần có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hệ thống việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong GD&ĐT trong tổng thể Chương trình CĐS quốc gia. Cùng với đó, không thể thiếu sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội, bởi lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu để đánh giá mức độ thành công của công cuộc CĐS trong GD&ĐT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi người lao động phải có năng lực số và nhà trường chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu đó. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thực hiện CĐS và ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, thường xuyên và các thiết chế văn hóa khác.

Đề xuất thí điểm thành lập các trường đại học số

Tại Việt Nam, việc ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT đã được chú trọng và đẩy mạnh ở các cấp bậc khác nhau. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng CĐS và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã ban hành bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS cơ sở giáo dục đại học.

Theo mục tiêu đến năm 2030 được xác định trong Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 131/QĐ-TTg, “giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỷ trọng 30% quy mô; 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến”. Trên cơ sở pháp lý, cùng với xu hướng phát triển và ứng dụng các thành tựu của CNTT vào quá trình GD&ĐT cũng như sức ép về lợi thế cạnh tranh nội tại giữa các trường trong nước và với các trường nước ngoài có các chương trình đào tạo trực tuyến uy tín, việc ứng dụng CNTT vào hệ sinh thái GD&ĐT đã trở thành bắt buộc hơn là một lựa chọn đối với các trường đại học.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm nhấn mạnh: Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, chúng ta có thể tin tưởng vào việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập thông qua giáo dục mở với ứng dụng công nghệ số, qua đó khắc phục được nhiều hạn chế của giáo dục mở trước đây.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Phan Tâm đề cập đến các vấn đề cần giải quyết như: phát triển giải pháp công nghệ cho các bên liên quan đến giáo dục mở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với giáo dục mở, phát triển tài nguyên giáo dục mở, ứng dụng công nghệ số để nâng cao và đảm bảo chất lượng sư phạm trong giáo dục, lựa chọn mô hình CĐS giáo dục phù hợp, hoàn thiện thể chế để xã hội công nhận và thừa nhận rộng rãi giáo dục mở hơn nữa.

Với thực tiễn tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã đề xuất xây dựng Khung kiến trúc công nghệ cho đại học số. Trong đó, có các cấu phần cụ thể để gợi ý cho các trường đại học khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong đơn vị có thể tham khảo... Đồng thời, Bộ TT&TT đang chỉ đạo các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ số lớn tham gia phát triển các giải pháp hỗ trợ cho giáo dục, trong đó có giáo dục số. Các trường đại học có nhu cầu, Bộ TT&TT cũng sẵn sàng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị tham mưu trong việc hỗ trợ trong việc lựa chọn các giải pháp công nghệ, mô hình chuyển đổi...

Thứ trưởng Phan Tâm mong muốn được sự ủng hộ, phối hợp của Bộ GD&ĐT trong việc đề xuất Chính phủ cho phép thí điểm thành lập các trường đại học số, qua đó thúc đẩy một cách thực chất giáo dục số và giải quyết bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe chia sẻ về vai trò của các trường đại học mở trong giáo dục mở hiện đại và vai trò của kỹ năng số trong thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam; các vấn đề liên quan đến CĐS trong giáo dục và tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở… Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác CĐS trong GD&ĐT, tạo cơ hội học tập bình đẳng của người dân ở các vùng miền, thúc đẩy học tập suốt đời của xã hội và cá nhân.

PT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)