Thứ hai, 13/05/2024 16:06

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Hành trình từ bản tin đến tạp chí quốc gia uy tín

Tháng 03/1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ 3 tháng sau đó, tờ Tin tức Hoạt động Khoa học (tiền thân của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã xuất bản số đầu tiên. Đây là minh chứng cho thấy sự quan tâm của những người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với công tác thông tin, truyền thông KH&CN. Hòa mình cùng lịch sử 65 năm xây dựng và phát triển của Bộ KH&CN, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã từng bước trưởng thành, từ một bản tin trở thành một tạp chí với nhiều ấn phẩm đa dạng, thực hiện vai trò là kênh thông tin, tuyên truyền tin cậy phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN; đồng thời là địa chỉ uy tín đăng tải các công bố khoa học trong và ngoài nước.

Từ bản tin trở thành tạp chí

Ngày 04/03/1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chỉ 3 tháng sau đó (tháng 06/1959), tờ Tin tức Hoạt động Khoa học đã xuất bản số đầu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu phổ biến tin tức cho các độc giả quan tâm đến công tác khoa học và kỹ thuật của nước nhà.

Trong bối cảnh cả dân tộc đang dồn sức cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tờ Tin tức Hoạt động Khoa học là một trong những mặt trận tuyên truyền quan trọng, phản ánh đầy đủ những hoạt động chính của Uỷ ban Khoa học Nhà nước, các ban trực thuộc Ủy ban, các viện nghiên cứu, trường đại học, phổ biến thông tin khoa học và kỹ thuật; những kinh nghiệm hay, cách làm mới trong hoạt động khoa học. Tờ báo thường xuyên đăng tải các bài viết của những nhà khoa học, nhà quản lý mà tên tuổi đã đi vào lịch sử dân tộc như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm... Đặc biệt, tờ Tin tức Hoạt động Khoa học luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Ủy ban Khoa học Nhà nước, được sự phụ trách trực tiếp của những người đứng đầu Ủy ban.

Từ số tháng 01/1971, tờ Tin tức Hoạt động Khoa học đã chính thức trở thành Tạp chí Hoạt động Khoa học. Khi đất nước hoàn toàn độc lập, Tạp chí Hoạt động Khoa học tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Giai đoạn từ tháng 01/1980 đến tháng 02/1987, KS Lê Tâm lúc đó là Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Hoạt động Khoa học. Từ tháng 02/1988 đến tháng 09/1988, Tạp chí do ông Hoàng Đình Phu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước làm Tổng biên tập. Giai đoạn tháng 06/1990 đến tháng 04/1996, Tạp chí do ông Lê Quý An - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước, sau này là Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Tổng biên tập. Tiếp đó là các ông: Ngô Văn Lộ, Ngô Đặng Nhân, Đặng Ngọc Bảo (Tổng biên tập), Nghiêm Phú Ninh (Phó Tổng biên tập Phụ trách). Từ tháng 07/2022 đến nay, Tạp chí có nữ Tổng biên tập đầu tiên và cũng là Tổng biên tập thứ bảy của Tạp chí - TS.BS Nguyễn Thị Hương Giang.

Trở thành địa chỉ công bố khoa học uy tín

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, trở thành tạp chí khoa học uy tín của đất nước, năm 2013, Tạp chí Hoạt động Khoa học đổi tên thành Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam; tăng tần suất xuất bản từ 01 số/tháng lên 02 số/tháng. Đặc biệt, Tạp chí đã xây dựng Hội đồng biên tập và Hội đồng tư vấn, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học uy tín ở các lĩnh vực KH&CN. Chủ tịch Hội đồng biên tập khi đó là GS.VS Nguyễn Văn Hiệu. Đây là bước đệm quan trọng chuẩn bị cho những bước đi lâu dài và đột phá sau này của Tạp chí.

Từ năm 2015, Tạp chí tách thành các bản khác nhau: (1) Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản A (mỗi tháng 01 số) phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ KH&CN; (2) Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản B (mỗi tháng 01 số) đăng tải các bài báo khoa học bằng tiếng Việt trong 5 lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y - dược; Khoa học nông nghiệp; Khoa học xã hội và nhân văn. Các bài báo khoa học của bản B được xử lý theo quy trình chuẩn quốc tế, có phản biện kín, gắn DOI và có hàm lượng khoa học cao.

Trong thời gian này, Tạp chí tiếp tục kiện toàn, bổ sung Hội đồng biên tập với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành như: GS Phạm Gia Khánh, GS Vũ Minh Giang, GS Hồ Tú Bảo… Hiện nay, Tạp chí bản B được 24 Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 18 Hội đồng ngành/liên ngành tính từ 0,75 đến 1,25 điểm; đồng thời nằm trong Danh mục các tạp chí khoa học quốc gia uy tín, do Quỹ Nafosted quy định, các ngành: Vật lý, Hóa học, Sinh học - Nông nghiệp, Y sinh - Dược học.

Hội nhập và mục tiêu vươn tầm quốc tế

Năm 2017, với sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, sự hỗ trợ đầy nhiệt huyết của Chủ tịch Hội đồng biên tập GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, sự quyết tâm của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên…, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam bản C - Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering (VJSTE) - xuất bản hoàn toàn bằng tiếng Anh đã ra đời. Tạp chí bản C đăng tải các bài báo khoa học theo chuẩn quốc tế, gắn DOI, được phản biện kín 2 chiều trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật (03 tháng/số). VJSTE đã có mặt trong các cơ sở dữ liệu quốc tế: OAJI, CABI, DOAJ… Số bài báo có địa chỉ nước ngoài đăng trên Tạp chí chiếm khoảng 40%. Điều này cho thấy sự hội nhập quốc tế của VJSTE đang ngày càng rõ nét, là tiền đề quan trọng để tham gia vào các cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế uy tín như Scopus, Web of Science trong thời gian tới.

Sự đóng góp, chung tay của Hội đồng biên tập và các nhà khoa học là nhân tố quan trọng giúp Tạp chí phát triển.

Đầu năm 2022, kế tục trọng trách Chủ tịch Hội đồng biên tập của Tạp chí là một trong những học trò xuất sắc của cố GS.VS Nguyễn Văn Hiệu - GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Năm 2023, VJSTE được 16 Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành tính điểm công trình khoa học, trong đó có 13 Hội đồng tính từ 1 đến 1,25 điểm. Tạp chí nằm trong Danh mục các tạp chí khoa học quốc gia uy tín, do Quỹ Nafosted quy định, các ngành: Vật lý, Cơ học.

Với mục tiêu tăng cường hội nhập trong các lĩnh vực khoa học, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn, tháng 04/2022, Tạp chí bản D - VMOST Journal of Social Sciences and Humanities (VMOST JOSSH) đã được xuất bản số đầu tiên. Đây là ấn phẩm đăng tải các bài báo khoa học bằng tiếng Anh, có phản biện kín 2 chiều, theo chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (04 tháng/số). Đến nay, Tạp chí bản D tuy chỉ mới xuất bản được 07 số, song với cách làm bài bản, chuyên nghiệp, Tạp chí đã được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế ghi nhận, tỷ lệ tác giả có địa chỉ ở nước ngoài (Anh, Trung Quốc, Úc, New Zealand…) ngày càng tăng. Tạp chí bản D đã được 5 Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tính điểm công trình khoa học, gồm: Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học; Triết học - Xã hội học - Chính trị học; Kinh tế; Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao; Giáo dục học. Tạp chí bản D do GS.TS Đặng Nguyên Anh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng biên tập.

Được sự ủng hộ và quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, từ năm 2023, Tạp chí bản C (VJSTE) và Tạp chí bản D (VMOST JOSSH) đã thực hiện quy trình xuất bản bằng phần mềm ScholarOne Manuscripts. Đây là phần mềm quốc tế chuyên nghiệp của Clarivate, được nhiều tạp chí khoa học uy tín thế giới sử dụng. Với việc mạnh dạn sử dụng phần mềm này, Tạp chí đang nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà khoa học, chuyên gia phản biện trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng bài báo khoa học và quốc tế hóa tác giả, cộng tác viên cho Tạp chí.

Bên cạnh các bản tạp chí giấy, Tạp chí còn có bản điện tử vjst.vn. Mỗi năm Tạp chí điện tử Khoa học và Công nghệ Việt Nam đăng tải gần 1.000 tin/bài, với khoảng 1.600.000 lượt xem/tháng.

Trong hơn sáu thập kỷ qua, Tạp chí đã được Đảng, Nhà nước, Bộ KH&CN tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Bộ KH&CN...

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Tạp chí cần khẳng định vai trò đầu tàu, góp phần phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước đạt trình độ quốc tế

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam có bề dày lịch sử, gắn liền với sự phát triển của ngành KH&CN từ những ngày đầu thành lập. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, với sứ mệnh ban đầu là tờ báo phổ biến tin tức hoạt động khoa học kỹ thuật nước nhà, đến nay đã trở thành tạp chí uy tín của quốc gia.

Tạp chí không chỉ làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận, lý luận phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ KH&CN, mà còn góp phần quan trọng trong việc công bố các kết quả nghiên cứu KH&CN của Việt Nam. Gần đây, việc xuất bản các ấn phẩm tạp chí bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn đã cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của Tạp chí, khẳng định vị thế là tạp chí khoa học đa ngành, liên ngành, uy tín quốc gia, hội nhập quốc tế.

Với cách làm bài bản và nghiêm túc, sự chung tay góp sức của các nhà khoa học trong và ngoài nước, tôi tin tưởng rằng Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới. Tạp chí bản C (Vietnam Journal of Science, Technology and Engineering) và bản D (VMOST Journal of Social Sciences and Humanities) sẽ sớm gia nhập các cơ sở khoa học uy tín của thế giới như: Scopus, Web of Science…, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế về KH&CN của Việt Nam. Đồng thời, khẳng định vai trò là tạp chí đầu tàu của Bộ KH&CN trong việc góp phần phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước đạt trình độ quốc tế.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ, tôi ghi nhận, biểu dương các kết quả mà Tạp chí đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng thời gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới các thành viên của Hội đồng biên tập của Tạp chí, cũng như các nhà khoa học đã, đang tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của ngành KH&CN Việt Nam nói chung và Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng. Mong rằng các thành viên Hội đồng biên tập, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục cộng tác, hỗ trợ để Tạp chí sớm đạt được mục tiêu của mình, trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

(Trích phát biểu tại cuộc Họp Hội đồng biên tập và Gặp mặt các nhà khoa học do Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Tạp chí ra số đầu tiên - Hà Nội, 14/06/2023).

 

GS.VS Châu Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam các bản A, B, C): Nhiều thách thức đang chờ Tạp chí ở phía trước

 

Trước tiên, tôi xin chúc mừng những thành tựu mà Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Tạp chí đã không ngừng phát triển và có đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của ngành KH&CN nói chung. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, còn nhiều thách thức đang chờ Tạp chí ở phía trước.

Để bắt kịp xu thế và đạt được những mục tiêu xa hơn là có mặt trong các cơ sở dữ liệu uy tín của thế giới, theo tôi, trong thời gian tới Tạp chí cần quan tâm tới một số vấn đề trọng tâm sau: Một là, đảm bảo chất lượng các công bố: Đây là yếu tố quan trọng nhất để tạp chí của chúng ta được công nhận và có mặt trong các cơ sở dữ liệu uy tín như Scopus, Web of Science. Chúng ta cần đảm bảo các bài viết được đăng tải trên Tạp chí đạt chất lượng và có đóng góp ý nghĩa cho lĩnh vực nghiên cứu. Hai là, quy trình biên tập phải công khai, minh bạch và chuyên nghiệp, lựa chọn được phản biện có tâm, có tầm. Ba là, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cộng đồng khoa học trong và ngoài nước để mang lại cơ hội hợp tác, nghiên cứu, trao đổi, tăng cường độ phủ của Tạp chí trong hoạt động nghiên cứu. Bốn là, xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn, cụ thể và ổn định để đáp ứng được những thay đổi trong lĩnh vực xuất bản và nhu cầu của cộng đồng nghiên cứu. Để làm được những điều này cần sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ phía Lãnh đạo Bộ KH&CN.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thành viên trong Hội đồng biên tập. Sự đóng góp, kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học là rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Tạp chí. Tôi tin rằng với sự nỗ lực và tinh thần hợp tác, chúng ta sẽ đạt được những thành tựu mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tạp chí cũng như cộng đồng nghiên cứu trong nước và thế giới.

(Trích phát biểu tại cuộc Họp Hội đồng biên tập và Gặp mặt các nhà khoa học do Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Tạp chí ra số đầu tiên - Hà Nội, 14/06/2023).

 

GS.TS Đặng Nguyên Anh (Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí bản D - VMOST Journal of Social Sciences and Humanities): Kiên trì với mục tiêu đưa Tạp chí vào các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín của thế giới

Với 04 bản Tạp chí in, 01 tạp chí điện tử, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định được vai trò của một tạp chí hàng đầu về KH&CN ở Việt Nam. Tạp chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về KH&CN, cũng như góp phần phổ biến, công bố, truyền tải các kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước tới cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Trong số các ấn phẩm của Tạp chí, VMOST Journal of Social Sciences and Humanities có tuổi đời non trẻ nhất. Tuy nhiên, với cách làm bài bản và chuyên nghiệp, ấn phẩm này đã nhận được sự chú ý và ghi nhận của cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Hiện nay ở trong nước, Tạp chí đã được 05 hội đồng giáo sư ngành và liên ngành trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tính điểm công trình khoa học. Đáng chú ý hơn, từ năm 2022, Tạp chí bản D đã thực hiện quy trình xuất bản ứng dụng phần mềm ScholarOne Manuscripts rất chuyên nghiệp, khách quan và chính xác. Đây là phần mềm được nhiều tạp chí hàng đầu trên thế giới sử dụng. Với việc sử dụng phần mềm này, Tạp chí đã nhận được đánh giá cao của các nhà khoa học, chuyên gia phản biện trong nước và quốc tế; đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng các bài báo khoa học cũng như các số tạp chí.

Tuy nhiên, khoa học xã hội và nhân văn có những đặc thù, và Tạp chí bản D cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, Tạp chí bản D là tạp chí đa ngành, nhiều lĩnh vực, do đó sự phân tán, tính hỗn hợp khó so được với tạp chí chuyên ngành. Bên cạnh đó, tỷ lệ bài loại của Tạp chí khá cao và Tạp chí còn khó khăn trong việc mời chuyên gia phản biện… Tuy khó khăn là vậy, song Tạp chí bản D đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, phấn đấu tham gia vào các cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế của Việt Nam trên bản đồ KH&CN thế giới.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí bản D, tôi rất mong muốn và kỳ vọng rằng, Tạp chí sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Lãnh đạo Bộ; sự chung tay và cộng tác hơn nữa của các nhà khoa học trong Hội đồng biên tập nói riêng và cộng đồng khoa học nói chung. Mong lãnh đạo, biên tập viên của Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phát huy những thành tựu đã đạt được, kiên trì với mục tiêu đưa Tạp chí bản D vào các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín của thế giới.

(Trích phát biểu tại cuộc Họp Hội đồng biên tập và Gặp mặt các nhà khoa học do Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Tạp chí ra số đầu tiên - Hà Nội, 14/06/2023).

 

 

TS.BS Nguyễn Thị Hương Giang - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

“Với truyền thống lịch sử đáng tự hào, các cán bộ, nhân viên, biên tập viên của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về trọng trách gìn giữ và phát huy công lao của những thế hệ đi trước. Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Bộ KH&CN, sự chung tay của các nhà khoa học trong nước, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế - những người yêu mến đất nước và con người Việt Nam, cùng sự đồng lòng quyết tâm của cán bộ, nhân viên, biên tập viên, trong thời gian tới, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam không chỉ là tạp chí khoa học uy tín của quốc gia, của khu vực, mà còn sớm hội nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế lớn như Scopus, Web of Science…, góp phần nâng tầm vị thế của KH&CN Việt Nam trên bản đồ KH&CN thế giới”.

HG - MN - MH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)