Thứ hai, 13/05/2024 20:21

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ động hỗ trợ Đề án thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam

Ngày 13/05/2024, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Nam nhằm định hướng, chỉ đạo về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên địa bàn tỉnh Hà Nam và thống nhất nội dung Đề án thành lập Khu Công nghệ cao (CNC) Hà Nam.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ khảo sát thực tế tại khu vực quy hoạch thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam.

Tham dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng;  Bùi Thế Duy - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng;  Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ.

Về phía tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Anh Chức - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở/ngành có liên quan trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Trước đó, đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại khu vực quy hoạch thành lập khu CNC Hà Nam.

Khẩn trương chuẩn bị thủ tục pháp lý về xây dựng Khu Công nghệ cao Hà Nam

Đại diện Lãnh đạo tỉnh Hà Nam báo cáo về tiến độ xây dựng Khu Công nghệ cao Hà Nam.

Ngày 14/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2098/QĐ-TTg bổ sung Khu CNC Hà Nam vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Khu CNC Hà Nam được dự kiến xây dựng tại huyện Lý Nhân trên quy mô 663 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 8.800 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư gồm 2 nguồn, đó là vốn ngân sách dùng để lập quy hoạch và giải phóng mặt bằng; vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Lĩnh vực hoạt động và nhiều loại sản phẩm CNC được định hướng rõ ràng, trong đó có trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, điện tử - bán dẫn. Định hướng này đã trở thành nhiệm vụ trong Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 30); Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 (Nghị quyết 14).

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích đất phục vụ xây dựng Khu CNC Hà Nam là 663 ha. Hiện tại, Hà Nam mới được phân bổ 208 ha đất hạng mục này, phần diện tích còn lại sẽ được bổ sung tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của Quốc hội. Các điều kiện và thủ tục thành lập Khu CNC Hà Nam cơ bản đầy đủ. Ngày 29/03/2024, UBND tỉnh Hà Nam có Tờ trình 511/TTr-UBND về việc đề nghị thành lập Khu CNC Hà Nam.

Cùng với quá trình chuẩn bị thủ tục pháp lý, tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu CNC Hà Nam. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm đã gửi đề nghị quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng và các dự án phát triển CNC trong Khu CNC Hà Nam.

Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ địa phương

Về hoạt động KH,CN&ĐMST của tỉnh Hà Nam những năm qua có nhiều kết quả vượt bậc, toàn diện, Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) năm 2023 xếp thứ 22 toàn quốc. Các nhiệm vụ đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực; hoạt động chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực công chế biến, chế tạo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30; Bộ KH&CN cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 14.

Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 14 của Chính phủ đã chỉ rõ: xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam…, trong đó phát triển Khu CNC Hà Nam tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.

Đối với nội dung liên quan đến Khu CNC Hà Nam, Bộ trưởng có ý kiến như sau: giao Vụ Công nghệ cao chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ và của tỉnh Hà Nam khẩn trương rà soát, tháo gỡ các vướng mắc liên quan; thống nhất cần có giải pháp xử lý để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu CNC Hà Nam, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý II năm 2024.

Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng thống nhất chủ trương ủng hộ thực hiện; giao các đồng chí lãnh đạo các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp với các sở/ngành của tỉnh Hà Nam để hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xử lý kịp thời.

Hà Nam cần thực hiện 5 trọng tâm liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhân buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Lãnh đạo tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa đối với hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh để tập trung triển khai một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST trong thời gian tới, tập trung bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm của địa phương.

Hai là, tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường; tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển KH&CN trong những ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam; thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.

Bốn là, tiếp tục đầu tư nâng cao tiềm lực, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí biên chế cho Sở KH&CN Hà Nam theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp CNC; thu hút chuyên gia, hợp tác quốc tế trong hoạt động KH,CN&ĐMST.

Năm là, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực KH&CN trên địa bàn như: tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ; đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường, doanh nghiệp KH&CN; thanh tra; thông tin, thống kê KH&CN… Duy trì, giữ vững thương hiệu sản phẩm của tỉnh Hà Nam đã được bảo hộ; tăng cường khai thác, phát huy giá trị tài sản trí tuệ đã được hình thành tại thị trường trong và ngoài nước.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Tổng kết đánh giá những kinh nghiệm, cách làm hay để triển khai với các địa phương khác. Đề xuất và triển khai những nhiệm vụ KH&CN nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam như: kinh tế biển, văn hóa du lịch, giáo dục và đào tạo...

Lê Hạnh

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)