Nhiều tín hiệu khởi sắc
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho biết, Tổng Công ty Đường sắt được Nhà nước giao quản lý tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với 3.143 km đường sắt và 297 khu ga, cùng nhiều tài sản có giá trị khác. Năm 2023, mặc dù còn nhiều dư âm của đại dịch Covid-19 nhưng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, vướng mắc, đạt được một số thành tựu quan trọng. Doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty đạt 101,7% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 115% kế hoạch, thu nhập bình quân người lao động đạt 105,2% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 150% kế hoạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí, đóng góp quan trọng vào công tác quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt đã giảm trên cả 3 tiêu chí với 205 số vụ tai nạn (giảm 11 vụ), 81 người chết (giảm 5 người ), bị thương 119 người (giảm 7 người) so với 2022. Năm 2023, ngành đường sắt đã rào đóng được 1.205 lối đi tự mở băng qua đường sắt…
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ, thời gian qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành nhiều giải pháp quan trọng: chuyển đổi toàn bộ các quy trình nghiệp vụ của các khối sản xuất từ việc cập nhập dữ liệu thủ công sang dữ liệu số; ứng dụng có hiệu quả các phần mềm như: lõi quản trị hàng hóa; hệ thống quản lý văn bản và điều hành Eoffice; áp dụng cơ báo điện tử; mở rộng và gia tăng các dịch vụ tiện ích; tăng cường việc mở rộng việc quảng bá, truyền thông, tương tác với khách hàng trên các nền tảng số như: website, ứng dụng di động, mạng xã hội: Zalo, Facebook, Youtube….; nghiên cứu phát triển các phần mềm, tiện tích giá trị gia tăng trên các nền tảng dịch vụ của Tổng công ty như: nghiên cứu và thử nghiệm thành công ki-ốt bán vé tự động; ứng dụng mua sắm đặc sản vùng miền trên các đoàn tàu khách thông qua mã QRCode… Hiện tại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tập trung vào việc nghiên cứu giải pháp xây dựng hệ thống mạng LAN nội bộ trên tàu nhằm tạo nền tảng cơ sở hạ tầng mạng cho các hệ thống, phần mềm dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn còn nhiều bất cập hiện hữu. Sự ra đời của ngành đường cách đây hơn 140 năm cùng hạ tầng đường sắt hơn 3.143 km đã lạc hậu, nhiều đầu máy, toa xe xuống cấp, khu ga/nhà ga chưa được nâng cấp và sửa chữa, còn tồn tại nhiều lối mở tự phát, tiềm ẩn rủi ro an toàn đường sắt…
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo kết quả đã đạt được.
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ chạy tàu, đầu tư trang thiết bị hiện đại…, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực xây dựng và trình các phương án chuẩn bị cho đầu tư đường sắt tốc độ cao để trình Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư xây dựng và vận hành trong tương lai…
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đạt được. Đặc biệt, Thủ tướng rất ấn tượng khi chất lượng dịch vụ, nỗ lực đổi mới cơ sở vật chất nhà ga, toa xe… đã có sự đầu tư phát triển và hiện đại hơn. Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, Tổng công ty đã cơ cấu lại tài sản, thay đổi cách làm và đã có sự đổi khác quan trọng. Những thay đổi của ngành đường sắt cho thấy, điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, vấn đề tồn đọng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng cho rằng, để ngành đường sắt phát triển và hội nhập, bên cạnh việc nâng cao chất lượng các loại hình đường sắt hiện có, việc phát triển đường sắt tốc độ cao không làm không được, phải quyết tâm làm và sẽ làm được. Bởi ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động và phát triển, với phương châm "đi sau nhưng về trước". Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan có liên quan cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tham khảo xây dựng đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao trong thời gian sớm nhất.
Đối với các khó khăn và vướng mắc của ngành đường sắt về vốn, công nghệ… Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế thời đại, công nghệ hiện đại. Thủ tướng gợi ý, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, do đó phải huy động hợp tác công - tư, tham khảo kinh nghiệm các nước, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn nhân lực của ngành đường sắt, nguồn lực đất đai, tiềm năng du lịch của cung đường sắt đẹp nhất thế giới…
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, là lĩnh vực “xương sống” của đất nước, ngành đường sắt cần có sự phát triển đột phá. Để làm được điều đó, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải có tư tưởng mới, quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới và phải có thắng lợi mới. Với một mục tiêu phải xây dựng và hình thành được hệ thống đường sắt tốc độ cao và đưa vào khai thác, vận hành trong thời gian sớm nhất, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quá trình quản lý, sản xuất, kinh doanh… đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.
Hoàng Thạch - Phong Vũ