Thực trạng môi trường tại các xã đảo hiện nay
Trong quá trình nghiên cứu từ năm 2017-2023, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã tiến hành thực hiện đánh giá và phân tích môi trường tại các khu vực ven biển và hải đảo như: đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (khu vực miền Bắc), đảo Cù Lao Xanh (miền Trung), quần đảo Nam Du (miền Nam) và tiếp tục triển khai nhiều đảo tiềm năng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa… Nhóm nghiên cứu nhận thấy, các xã vùng biển và hải đảo đang phải đối mặt với ô nhiễm nước biển khu vực bến bãi, ô nhiễm chất thải rắn từ hoạt động sinh hoạt của người dân sinh sống tại địa bàn và rác thải ngoại sinh, trôi dạt từ các bãi biển vào. Nước thải của người dân tại địa bàn thường không được xử lý mà thải trực tiếp vào môi trường. Các bến bãi thường bị ô nhiễm bởi nước thải chứa các chất hữu cơ, mùi hôi tanh từ các hoạt động vận chuyển thủy hải sản, ô nhiễm bởi dầu từ hoạt động vận tải và chất thải nhựa, phao, xốp trôi nổi khắp nơi do ý thức của người ngư dân chưa tốt.
Các huyện đảo xa xôi như Bạch Long Vĩ thì rác thải rắn trôi dạt vào các bãi tắm, bãi biển, rác thải có nguồn gốc từ Việt Nam và nước ngoài. Để nhận biết nguồn gốc rác thải ngoại sinh, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy thành phần rác thải chủ yếu là nhựa chiếm đến 95%, bên cạnh đó là thủy tinh, kim loại và nhiều thành phần khác.
Mặc dù các địa phương có biển đảo đã tích cực triển khai đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường nhưng với những xã đảo đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 (Quyết định số 135/QĐ-TTG ngày 31/07/1998 về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa), kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, các xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung, không có khu xử lý rác thải sinh hoạt… nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
Áp dụng thí điểm mô hình kinh tế xanh tại xã đảo Việt Hải (Hải Phòng)
Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tập huấn cho người dân tại xã đảo Việt Hải phân loại rác, tiến hành ủ phân hữu cơ tại nhà; tập huấn phân loại pin thải, thu gom pin để chuyển vào đất liền xử lý; tuyên truyền về các sản phẩm có thể phân hủy sinh học thay vì các sản phẩm nhựa dùng một lần như: ống hút bằng bột gạo, ống hút cỏ, túi phân hủy sinh học, cốc giấy… Các hoạt động hướng đến triển khai các mô hình kinh tế tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, từ đó góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng đảo như: phát triển mô hình du lịch ngắm san hô bằng thuyền đáy kính để bảo hệ sinh thái san hô; mô hình massage cá nhằm bảo vệ đàn cá suối Garra Rufa. Các mô hình này đều giúp phát triển kinh tế cho người dân và có ý nghĩa gắn với các hoạt động bảo vệ các hệ sinh thái biển để người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn vốn tự nhiên phục vụ phát triển bền vững.
Bao quanh xã Việt Hải là bốn bề rừng biển và những dãy núi đá vôi trập trùng.
Trong quá trình triển khai mô hình ở xã Việt Hải, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số thuận lợi và khó khăn:
Ý thức biến thành hành động của cấp chính quyền xã đã giúp phong trào bảo vệ môi trường, thu gom rác thải được duy trì thường xuyên, huy động cả cộng đồng tham gia. Các mâu thuẫn phát sinh được giải quyết với sự đồng thuận của các nhà khoa học, chính quyền và người dân. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương ngày càng thúc đẩy các hoạt động môi trường sát với thực tiễn.
Khó khăn chủ yếu do khoảng cách địa lý, di chuyển xa, ý thức người dân chưa cao dẫn đến công tác bảo vệ môi trường nếu không sâu sát sẽ bị buông lỏng. Ví dụ như hoạt động phân loại rác sinh hoạt quy mô gia đình, nếu làm tốt thì sẽ giảm lượng rác thải quá tải ở các bãi rác. Hiện tượng đốt rác tự phát tại các bãi rác làm ô nhiễm không khí của cả xã (vì xã nằm trong một thung lũng cho nên khói sinh ra từ việc đốt rác không được phát tán mà tích tụ trong môi trường không khí). Mâu thuẫn lợi ích giữa sinh kế của người dân như người chăn nuôi để trâu bò vệ sinh bừa bãi, ăn hoa màu của người dân làm du lịch…
Những khó khăn và đề xuất giải pháp
Rác thải rắn từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất như: khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, hay dịch vụ du lịch phát sinh mỗi ngày và là một bài toán cần có lời giải cho các xã đảo xa đất liền. Theo phân tích, cần có hoạt động phân loại rác triệt để tại các xã đảo xa đất liền. Có như vậy, các lò đốt rác mới đạt hiệu quả cao. Có cơ chế hỗ trợ chuyển rác tái chế về đất liền vì chi phí vận chuyển quá cao khó thu hút người dân tham gia quá trình này.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất là khoảng cách của các xã đảo xa nên kinh phí đầu tư, nguồn vốn cũng cao hơn từ 1,5-2 lần so với trong đất liền. Các công nghệ đầu tư chưa phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu, ăn mòn hóa học từ biển. Thêm vào đó, nguồn nhân lực quản lý có trình độ chưa cao, khó thu hút người giỏi tham gia công tác tại các cấp chính quyền tại các xã đảo. Chính vì lẽ đó, phải có cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho các xã đảo.
Trong thời gian tới, để triển khai mô hình phát triển kinh tế xanh tại các xã đảo có hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp sau:
Thứ nhất, đối với kinh tế: mô hình kinh tế bền vững sẽ khắc phục các hoạt động kinh tế hiện nay là dựa vào khai thác tài nguyên, các hoạt động kinh tế mang tính tự cấp, tự phát.
Thứ hai, đối với môi trường: giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà các xã đảo đang phải đối mặt như chất thải rắn, nước thải.
Thứ ba, đối với xã hội: đưa ra mô hình kinh tế phù hợp cho cộng đồng dân cư các xã đảo quan trọng để nâng cao điều kiện sống, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tập trung nguồn lực để cộng đồng được tiếp xúc với các điều kiện y tế, giáo dục và các lợi ích xã hội khác cao hơn.
Cuối cùng, với đặc thù tại các xã biển đảo nằm xa đất liền còn nhiều khó khăn, ngoài sự nỗ lực của địa phương, rất cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, với các xã đảo diện tích nhỏ hẹp, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí sẽ không đảm bảo nên cần có hướng dẫn đặc thù của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương.