Thứ ba, 09/01/2024 10:33

Ngành khoa học và công nghệ: Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 và các kiến nghị

Báo cáo kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2024. Báo cáo cũng đã đưa ra các kiến nghị đối với cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ liên quan đến lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Trong đó, cần tập trung triển khai: 1) Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; 2) Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/06/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; 3) Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/08/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Hội nghị lần thứ Tám (Khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Hai là, tăng cường xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST. Trong đó tập trung: i) Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV (tháng 05/2024); ii) Hoàn thiện 02 hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV; iii) Xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); iv) Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự thảo: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2024 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN; Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Đề án phát triển hệ thống khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2035. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Ba là, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Xác định rõ những công nghệ trọng điểm, công nghệ lõi, công nghệ cao cần ưu tiên phát triển dựa trên thế mạnh, thực tiễn của Việt Nam; đổi mới cách xác định và triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bốn là, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN nhằm thúc đẩy các tổ chức KH&CN có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Năm là, tiếp tục phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kết nối cung - cầu công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN công khai, minh bạch. Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Sáu là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; kiểm soát chặt chẽ dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao; xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên khi hết thời hạn hoạt động.

Bảy là, đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế. Tăng cường bảo hộ, thực thi quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai ứng dụng rộng rãi các giải pháp, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST; đổi mới công tác truyền thông KH,CN&ĐMST.

Tám là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu về dân cư và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Kiến nghị

Để KH,CN&ĐMST ngày càng đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân, Báo cáo của Bộ KH&CN đưa ra một số kiến nghị đối với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Cụ thể là:

Thứ nhất, kiến nghị các cơ quan của Đảng tiếp tục quan tâm, tham mưu trình Bộ Chính trị/Ban Bí thư/Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết/Chỉ thị về: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; Nghị quyết về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó nêu rõ chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu; nội hàm về đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH,CN&ĐMST; tạo điều kiện thí điểm một số chính sách pháp luật trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản trong hệ thống pháp luật, chính sách về tài chính, đầu tư, đấu thầu (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các luật thuế) theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng; xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, Báo cáo của Bộ KH&CN cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách KH,CN&ĐMST trong các Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của 06 vùng chiến lược; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng để giải quyết các vấn đề KH&CN, góp phần bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)