Thứ ba, 09/01/2024 11:11

Nghị quyết số: 02/NQ-CP và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số: 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết 02). Nghị quyết đã đánh giá tình hình trong thời gian qua và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Một năm với nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Nhìn lại trong thời gian qua, Nghị quyết 02 nhận định, từ nửa cuối năm 2022 và kéo dài sang tới năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt đối với nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Đáng chú ý là tình hình doanh nghiệp năm 2023 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn so với các năm trước. Tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành. Xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi. Các gói kích cầu như giảm thuế giá trị gia tăng đã được triển khai, nhưng tiêu dùng trong nước tăng chậm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Thực tế này phần nào phản ánh sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh; thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của doanh nghiệp.

Ngoài những rủi ro do các yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những bất cập nội tại trong nước, khiến chi phí kinh doanh cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Năng lực cạnh tranh về hạ tầng (từ hạ tầng cứng đến các dịch vụ tài chính, logistics...) chưa cao, cùng với chi phí vốn vay làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến doanh nghiệp đối mặt với những rủi ro. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tuy giảm hình thức về số lượng, nhưng nội hàm mở rộng và bao trùm hơn.

Khơi thông các điểm nghẽn thể chế

Về nguyên nhân của những khó khăn nêu trên, Nghị quyết khẳng định, bên cạnh nguyên nhân khách quan từ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những biến động khó lường trên thị trường thế giới, còn có nguyên nhân nội tại trong nước thể hiện qua những bất cập, rào cản về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý là một số giải pháp như: (i) tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; (ii) khơi thông thị trường trái phiếu; (iii) hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; (iv) đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; (v) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng; (vi) ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất...; (vii) thành lập 05 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, 26 tổ công tác do thành viên Chính phủ đến các địa phương nắm tình hình góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương....

Nhờ sự điều tiết kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực. Kết quả này tạo đà phục hồi và phát triển cho khu vực tư nhân, đồng thời xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hiệu quả thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế của Quỹ di sản văn hóa) tăng hạng đáng kể, từ thứ hạng 105 (năm 2020) lên thứ hạng 90 (năm 2021), 84 (năm 2022) và đạt thứ hạng 72 (năm 2023). Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) theo xếp hạng của Liên hợp quốc tăng điểm liên tục qua các năm, hiện xếp thứ 55 (năm 2022). Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2023 ở vị trí thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Hiệu quả logistics của nước ta cũng được ghi nhận cải thiện về chất lượng.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ KH&CN

Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Để cải cách môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển, thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; nỗ lực thực chất để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế pháp lý và thực thi cho doanh nghiệp.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc so với năm 2022.

Bộ KH&CN là Bộ đầu mối theo dõi về năng lực đổi mới sáng tạo/chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Nghị quyết 02 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, chỉ số này tăng ít nhất 3 bậc. Cụ thể năm 2024: 1) Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 3 bậc; 2) Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường lên ít nhất 10 bậc; 3) Nâng xếp hạng chỉ số Xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông lên ít nhất 5 bậc.

Để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết 02 đã đề ra nhiệm vụ/giải pháp hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Đối với Bộ KH&CN, cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

Một là, triển khai và công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hàng năm.

Hai là, tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ba là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục để xác định cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc Luật Đầu tư và/hoặc Nghị định của Chính phủ hướng dẫn luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, nghiên cứu và góp ý hoàn thiện chính sách thuế, đất đai, đầu tư, tín dụng đối với doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Năm là, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thí điểm mô hình doanh nghiệp KH&CN trong các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu. Xây dựng chương trình ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung nhằm khuyến khích doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ và tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng quy hoạch phát triển doanh nghiệp KH&CN toàn quốc.

VVH

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)