Thứ tư, 10/01/2024 14:49

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Hoàng Xuân Long, Hoàng Lan Chi

Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

Hoạt động của con người thường dựa trên dự kiến về mục tiêu, định hướng được xác lập từ trước. Các dự kiến dẫn dắt hoạt động và là căn cứ đánh giá các hoạt động đã diễn ra. Kết quả thực tế có thể thống nhất hoặc sai lệch so với dự kiến bắt đầu. Trường hợp sai lệch, đặc biệt là theo chiều tiêu cực, được coi là rủi ro gặp phải khi tiến hành các hoạt động.

Rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Về cơ bản, rủi ro gắn với mở rộng phạm vi hoạt động được tiến hành và mức độ chi tiết cụ thể, rõ ràng của dự kiến bắt đầu. Nếu phạm vi hoạt động giới hạn trong khuôn khổ hiểu biết thấu đáo các điều kiện ảnh hưởng tới hoạt động, rủi ro sẽ không xuất hiện. Nếu các dự kiến không chi tiết cụ thể, không rõ ràng thì rủi ro sẽ ở mức độ thấp và không rõ ràng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học có những đặc thù và rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học (gọi tắt là RRNC) cũng có nét riêng so với rủi ro trong các hoạt động khác. Nét riêng của RRNC được định hình bởi:

Một là, hoạt động nghiên cứu nhằm vào việc khám phá những điều mới lạ, bí ẩn còn nằm ngoài hiểu biết của con người. Phạm vi vượt ngoài hiểu biết của hoạt động nghiên cứu có thể là về khái niệm, cách tiếp cận nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kĩ thuật phân tích, logic phân tích, dữ liệu, nhận định…

Hai là, dự kiến kế hoạch trong nghiên cứu thiếu cụ thể, rõ ràng và chắc chắn hơn nhiều so với hoạt động kinh tế thông thường như: chưa mô tả rõ ràng các đặc điểm cụ thể của sản phẩm nghiên cứu cần được tạo ra; không chắc chắn về thời điểm khám phá ra bản chất mới và thời điểm áp dụng được kết quả nghiên cứu vào cuộc sống…

Những điểm cơ bản nêu trên là cơ sở để phân tích một số vấn đề nổi bật liên quan tới RRNC.

Rủi ro là căn cứ để xác định và đánh giá dự án, đề tài nghiên cứu khoa học

Có thể thấy, sự hiện diện của các phần liên quan tới rủi ro tồn tại trong việc xác định và đánh giá dự án, đề tài nghiên cứu (gọi tắt là đề tài). Phạm vi vượt quá hiểu biết hiện tại của hoạt động nghiên cứu được thể hiện ở yêu cầu về tổng quan nghiên cứu đã có và về tính mới của đề tài. Dự kiến kế hoạch được thể hiện ở mục tiêu nghiên cứu, phương pháp, nội dung nghiên cứu, trình tự nghiên cứu… Thông qua các phần có liên quan, rủi ro đã được chú ý trong việc xác định và đánh giá đề tài. Đồng thời, rủi ro cũng được đặt trong mối quan hệ hài hòa với một số yêu cầu khác như:

Thứ nhất, đề tài cần tập trung vào những vấn đề cấp bách và phù hợp với năng lực hiện có. Những vấn đề cấp bách và phù hợp với năng lực nghiên cứu không chỉ giới hạn trong hiểu biết hiện có, mà có thể mở rộng phạm vi này.

Thứ hai, việc dự kiến kế hoạch để tiến hành đề tài cần chú ý đáp ứng yêu cầu nhằm tạo sự chủ động tối đa cho hoạt động nghiên cứu, bao gồm cả công đoạn chuẩn bị nguồn lực, thể hiện sự sẵn sàng cao, tính khả thi của phương án được lựa chọn. Đó là các căn cứ hướng tới tăng cường tính cụ thể, rõ ràng, chắc chắn trong kế hoạch và ngược với yêu cầu giảm RRNC.

Thực tế, ở Việt Nam đang thiếu các kết quả nghiên cứu tạo nên sự phát triển mang tính đột phá và có không ít kết quả nghiên cứu đã nghiệm thu nhưng không được áp dụng… Điều này phần nào liên quan tới giảm RRNC. Nhằm vào các nghiên cứu thuộc phạm vi không quá cách biệt với hiểu biết hiện tại có tác dụng giảm rủi ro nhưng cũng dễ dàng loại bỏ những nghiên cứu có khả năng tạo nên sự chuyển biến cơ bản cho phát triển đất nước. Chia nhỏ, phân tán nguồn lực cho nghiên cứu có ý nghĩa giảm bớt rủi ro nhưng lại cản trở tập trung nguồn lực cho một số đề tài lớn. Các nội dung thiếu cụ thể và mang tính đối phó (về tài chính) cùng với đánh giá thiếu nghiêm túc của hội đồng nghiệm thu đã dẫn tới các hoạt động nghiên cứu diễn ra không chệch dự kiến nhưng cũng không mang lại kết quả ứng dụng trên thực tế. Thậm chí, ở đây rủi ro tồn tại nhưng bị che giấu và không được bộc lộ.

Như vậy cần chấp nhận tăng RRNC ở các mặt cụ thể:

Một là, chú ý đến những vấn đề có độ khó cao nhưng có khả năng mang lại phát triển vượt bậc cho đất nước.

Hai là, tập trung thích đáng nguồn lực cho một số đề tài trọng điểm có ý nghĩa quan trọng.

Ba là, yêu cầu các nội dung chuyên môn trong dự kiến kế hoạch phải đủ cụ thể, rõ ràng. Mặt khác, khắc phục quan niệm lẫn lộn giữa quá trình nghiên cứu và kết quả nghiên cứu. Đòi hỏi nghiên cứu diễn ra như một quá trình “tất yếu” là đặt kết quả trước tìm kiếm kết quả.

Bốn là, đổi mới cơ chế tài chính cho nghiên cứu bao gồm định mức hợp lý, dự toán trung thực, kiểm tra nghiêm túc.

Năm là, đánh giá nghiêm túc hoạt động của các đề tài.

Rủi ro sẽ tăng lên và bộc lộ rõ hơn, cùng với đó là thúc đẩy phân hóa giữa nghiên cứu mang lại ý nghĩa đột phá với các nghiên cứu khác, giữa nghiên cứu mang lại kết quả theo dự kiến và nghiên cứu không đạt kết quả kỳ vọng…

Rủi ro là đối tượng trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học

Quản lý RRNC tạo nên thay đổi trên nhiều mặt:

Một là, quản lý RRNC cho phép chuyển từ chỉ tập trung phòng ngừa rủi ro sang xử lý một phần rủi ro, từ nỗ lực không để rủi ro xảy ra sang chủ động để rủi ro bộc lộ và tận dụng khai thác phần rủi ro đã xuất hiện.

Hai là, phần rủi ro được quản lý làm giảm áp lực và cho phép mở rộng hơn phạm vi vượt ngoài hiểu biết hiện tại và cụ thể hơn nội dung trong dự kiến kế hoạch.

Ba là, trong nội dung dự kiến kế hoạch, bên cạnh phần dữ liệu được cho là khá chắc chắn, có thêm phần dữ liệu chưa chắc chắn. Mức độ cụ thể, rõ ràng của nội dung dự kiến kế hoạch tăng lên nhằm giúp cho nhận biết rủi ro xuất hiện trên thực tế.

Bốn là, vai trò của đánh giá giữa kỳ được nâng cao. Có thể nói một phần gánh nặng về rủi ro của dự kiến kế hoạch được chia sẻ sang đánh giá giữa kỳ, đánh giá giữa kỳ cũng đảm nhiệm một phần công việc của nghiệm thu kết quả cuối cùng.

Năm là, đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu cuối cùng trở nên đơn giản hơn bởi thừa kế kết quả từ đánh giá giữa kỳ.

Ở Việt Nam đã tiến hành đánh giá giữa kỳ các đề tài nhưng còn rất đơn giản và mang tính hình thức. Đánh giá giữa kỳ cơ bản nhằm vào duy trì những gì đã nêu trong dự kiến kế hoạch và ít chú ý tới xử lý các vấn đề mới phát sinh. Những rủi ro đã bộc lộ và chưa được chú ý đã gây nên nhiều hậu quả đáng kể như: gây lãng phí về kinh phí, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, năng lực nghiên cứu, năng lực quản lý ở những đề tài lẽ ra có thể kết thúc sớm qua đánh giá giữa kỳ; bỏ qua cơ hội điều chỉnh trên cơ sở xử lý các rủi ro để nâng cao chất lượng nghiên cứu đối với những đề tài tiếp tục được duy trì cơ bản theo dự kiến kế hoạch; để lọt vào khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng những đề tài cần bị loại bỏ và làm lẫn lộn các kết quả nghiên cứu có chất lượng khác nhau.

Như vậy, chúng ta cần chấp nhận rủi ro như một tín hiệu có ích, chấp nhận rủi ro là đối tượng quản lý hoạt động nghiên cứu.

Trách nhiệm của nhà khoa học

Những hậu quả tiêu cực của nghiên cứu có phần khách quan bởi tính hai mặt của khám phá khoa học. Nếu đòi hỏi mọi nghiên cứu đều mang lại kết quả tích cực và quy mọi hậu quả tiêu cực vào trách nhiệm cá nhân, sẽ đẩy các nhà khoa học vào tình thế khó khăn và triệt tiêu động lực nghiên cứu.

Giải pháp ở đây là tách bạch giữa hậu quả tiêu cực do sai lầm chủ quan của nhà khoa học và hậu quả tiêu cực khác. Căn cứ thường được sử dụng là các quy định đã có: nếu để xảy ra hậu quả tiêu cực trong khi vi phạm các quy định thì quy trách nhiệm cho cá nhân; mặc dù tuân thủ theo các quy trình nhưng vẫn có hậu quả tiêu cực thì được miễn trừ trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, quy định đã có được hình thành trên cơ sở hiểu biết hiện tại, trong khi nghiên cứu là tạo ra hiểu biết mới. Nghiên cứu có thể thay đổi hiểu biết hiện tại và vượt quá giới hạn quy định đã có về phương thức nghiên cứu, phương thức sử dụng kết quả nghiên cứu… Không thể vạch ra ranh giới nhất thành bất biến giữa kết quả tích cực và hậu quả tiêu cực trong nghiên cứu; trái lại, cần chấp nhận và cho phép có độ lệch nhất định giữa thực tế với quy định đã có về hậu quả tiêu cực trong nghiên cứu.

Ở Việt Nam đã có quy định về miễn trừ trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học như nội dung tại Điều 25 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017... Các quy định hiện hành tạo nhiều thuận lợi cho các nhà khoa học mạnh dạn tiến hành nghiên cứu khám phá và đề xuất các kiến thức mới, giải pháp mới. Đồng thời, cũng có thể tiếp tục điều chỉnh, bổ sung về một số điểm sau:

Thứ nhất, bám sát sự thay đổi trong khoa học để kịp thời điều chỉnh phạm vi chấp nhận rủi ro đối với hậu quả tiêu cực trong hoạt động nghiên cứu.

Thứ hai, chủ động hạn chế hậu quả tiêu cực trong nghiên cứu. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao năng lực hiểu biết các quy định pháp luật và đạo đức của người nghiên cứu nhằm hạn chế những sai lầm chủ quan dẫn tới hậu quả tiêu cực.

Thứ ba, khắc phục tình trạng các nhà nghiên cứu bóp méo thông tin để đạt được những kết quả có vẻ hợp lý thông qua kiểm soát, đánh giá sản phẩm thông tin mà họ cung cấp.

Thứ tư, tích cực khắc phục hậu quả tiêu cực của nghiên cứu. Trong các dự kiến kế hoạch cần nêu rõ các cảnh báo về rủi ro gắn với hậu quả tiêu cực và các giải pháp khắc phục.

Rủi ro nghiên cứu trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất

Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu sản xuất là một xu hướng ngày càng được thể hiện rõ. Trong mối quan hệ chặt chẽ với sản xuất, hoạt động nghiên cứu có những thay đổi nhất định và cùng với đó là những thay đổi của RRNC. Bên cạnh những chủ đề cách xa phạm vi hiểu biết hiện tại về khoa học có cả chủ đề cách xa hiểu biết hiện tại về sản xuất do đi vào những ngành kinh tế mới đang trong quá trình hình thành và phát triển. Trong dự kiến kế hoạch, các nội dung khoa học gắn chặt với nội dung kinh tế. Góc độ kinh tế cho phép và đòi hỏi dự kiến kế hoạch nghiên cứu cụ thể, gần thực tế và có độ chắc chắn hơn... Những điều này đòi hỏi thay đổi thái độ đối với RRNC gắn với sản xuất theo hướng tăng tính thận trọng lựa chọn vấn đề được tập trung, khẩn trương và quyết liệt trong xử lý rủi ro đã xuất hiện.

Hiện nay, một phần khác biệt giữa các ý kiến về RRNC có liên quan tới thay đổi của nghiên cứu trong gắn kết chặt chẽ với sản xuất. Những ý kiến đề cao chấp nhận RRNC dường như không chú ý đến đặc điểm mới của gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất. Những ý kiến coi RRNC giống như rủi ro kinh tế đã coi nhẹ đặc điểm cố hữu của nghiên cứu vốn luôn tồn tại dù có sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất. Cả hai loại ý kiến này đều bỏ qua sự phân hóa trong RRNC - khác biệt giữa lĩnh vực khoa học mới, tiên tiến và ngành kinh tế mới, hiện đại với các lĩnh vực khoa học và kinh tế truyền thống.

Trong quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, cần có sự chấp nhận mới về nội dung, góc nhìn, thái độ đối với RRNC. Đặc biệt là chấp nhận nâng cao mức chắc chắn về sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng, thời gian hoàn thành trong các dự kiến kế hoạch. Cần chấp nhận mở rộng RRNC trong hoạt động kinh tế - cũng là hình thành loại rủi ro mang tính tích hợp giữa rủi ro do kinh tế. Cần chấp nhận các loại RRNC riêng ứng với hoạt động nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học mới, tiên tiến gắn với sản xuất ở ngành kinh tế mới, hiện đại./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. D. Fanelli (2013), “Redefine misconduct as distorted reporting”, Nature, 494(7436), DOI: 10.1038/494149a.

2. J.M. Oakes (2002), “Risks and wrongs in social science research”, Evaluation Review, 26(5), pp.443-479, DOI: 10.1177/019384102236520.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)