Thứ năm, 21/12/2023 15:25

Năm học thành công trong công tác đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội

Riêng năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tuyển sinh đại học chính quy được 14.945 chỉ tiêu với 143 ngành/CTĐT thuộc các lĩnh vực. Con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm học 2022-2023 của ĐHQGHN tổ chức ngày 20/12/2023. Hội nghị đã thống nhất chủ đề năm học 2023-2024 là “Tiếp tục chú trọng và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên tài năng, chất lượng cao theo Quy chế đào tạo mới”.

11% quy mô tuyển sinh thuộc các chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao, tài năng

Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm học 2022-2023 là năm học thành công trong công tác đào tạo ở ĐHQGHN, với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm và đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong các hoạt động đào tạo. Theo đó, kết quả tuyển sinh đại học các ngành của ĐHQGHN có sự phân tầng rõ rệt. Qua đó thấy được sức hút của các ngành theo nhu cầu xã hội, kết quả tuyển sinh của các ngành khoa học cơ bản đã thực sự khởi sắc.

Năm 2023, ĐHQGHN tuyển sinh đại học chính quy 14.950 chỉ tiêu với 143 ngành/CTĐT thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế - quản lý, luật, đào tạo giáo viên và sức khỏe, trong đó có 6 ngành mới, đạt 100% so với chỉ tiêu, trong đó có 1.703 thí sinh thuộc các CTĐT chất lượng cao, tài năng (chiếm 11% quy mô tuyển sinh năm 2023). Năm 2023, lần đầu tiên ĐHQGHN tuyển sinh các ngành thuộc khối ngành II (nghệ thuật), do đó quy mô tuyển sinh mới đạt 1%. Đặc biệt, năm 2023 là năm thứ 2, ĐHQGHN có 4.148 sinh viên khóa QH.2023 tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc, nâng quy mô học tập tại cơ sở Hòa lạc là 6.000 học sinh, sinh viên. Phần lớn các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh được giao.

Khai mở mới và điều chỉnh nhiều CTĐT phù hợp với xu thế thị trường lao động của đất nước. Mở mới các CTĐT liên ngành, liên lĩnh vực nhằm phát huy thế mạnh tổng hợp của ĐHQGHN, đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Mở mới các chương trình thuộc lĩnh vực sức khỏe, trong đó có CTĐT mang tính tiên phong trong hệ thống các ngành, chuyên ngành đào tạo về sức khỏe tại Việt Nam, góp phần mở rộng và vững chắc cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN. Đề án đào tạo mở mới chương trình được xây dựng mềm dẻo, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu xã hội như cho phép các Đề án mở CTĐT trình độ sỹ sư/cử nhân kết hợp thạc sỹ.

Đánh giá vào thành công chung của công tác đào tạo tại ĐHQGHN phải kể đến kỳ thi đánh giá năng lực. Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực THPT của ĐHQGHN được tổ chức 8 đợt tại 16 địa điểm thi tại Hà Nội và số lượt thí sinh dự thi là 87.095/90.045 lượt đăng ký, đạt tỷ lệ dự thi là 96,7%, với hơn 70 trường đại học, học viện trong cả nước sử dụng kết quả kỳ thi của ĐHQGHN để làm phương thức xét tuyển. Năm 2024, ĐHQGHN tiếp tục giữ ổn định kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2023 và dự kiến sẽ thông tin tới thí sinh vào tháng 1/2024.

Tồn tại và hướng tới

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Đào tạo Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong năm học tới, đó là: việc chuyển đổi các CTĐT chất lượng cao sang các CTĐT chuẩn theo định mức kinh tế - kỹ thuật đang làm giảm dần quy mô tuyển sinh và đào tạo chất lượng cao; các ngành khoa học cơ bản còn chậm đổi mới; quy mô đào tạo đại học tăng nhanh trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; tỷ lệ tốt nghiệp trung bình mới chỉ đạt 65% và năng lực ngoại ngữ vẫn còn là điểm yếu của nhiều sinh viên; tốc độ kiểm định các CTĐT còn chậm…

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã nêu ra các vấn đề còn vướng mắc và kến nghị đề xuất một số vấn đề như: cần xây dựng mới mô hình đào tạo A+B; có phương án đổi mới cho CTĐT tài năng để thu hút tài năng xuất sắc về học tập và làm việc tại ĐHQGHN, đồng thời có chính sách liên thông để người học được tiếp cận các tín chỉ đào tạo cấp học cao hơn; vấn đề quy hoạch CTĐT cần phù hợp và tăng tính tự chủ cho đơn vị; kiến nghị Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ THPT để phục vụ công tác tuyển sinh đại học cho toàn quốc; có giải pháp tối ưu để áp dụng công nghệ số vào phần mềm trực tuyến; mở rộng quy mô đào tạo vừa học vừa làm...

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, cùng với khối ngành khoa học cơ bản, bám sát thực tiễn nền giáo dục đại học đang thay đổi, ĐHQGHN sẽ quan tâm đến các ngành nghề mới nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng tốt, có việc làm tốt, thu nhập cao, đáp ứng các đòi hỏi của thị trường lao động. Giám đốc đề nghị các đơn vị cần đổi mới cách thức thu hút người học, đẩy mạnh công tác liên thông, xây dựng các CTĐT mang tính ứng dụng, liên ngành…, đổi mới cơ cấu ngành nghề, thay đổi cách tiếp cận về các CTĐT khác để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Giám đốc Lê Quân yêu cầu, mỗi đơn vị trong ĐHQGHN cần có bước đi mới, tập trung thay đổi về phương thức quản lý để ĐHQGHN tiếp tục là đơn vị đóng vai trò kiến tạo, định hướng và dẫn dắt trong công tác triển khai cơ chế, quy chế, chính sách của nền giáo dục nước nhà. Hành trình của ĐHQGHN sắp tới là sự kế thừa và tiếp nối của sự kiên trì đổi mới, phấn đấu phát triển vượt bậc, trở thành đại học hàng đầu, tiên phong của giáo dục đại học Việt Nam.

Hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 đó là: 1)Tập trung xây dựng Đề án đào tạo tiến sỹ các ngành khoa học cơ bản theo chuẩn quốc tế tại ĐHQGHN; 2)Tiếp tục triển khai Đề án tổ chức các kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN và Đề án thu hút sinh viên khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ tại ĐHQGHN; 3)Tăng cường rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng ở các đơn vị đào tạo; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ; 4) Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên các CTĐT tài năng, chất lượng cao; 5) tăng quy mô tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN; tăng quy mô các ngành công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, đổi mới sáng tạo; 6) Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin quản lý của ĐHQGHN; hoàn thiện mô hình, phương thức đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng.

Dương Toản

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)