Hội nghị do Công ty Cổ phần FECON, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản, Viện Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Thủy lợi phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 14-15/12/2023. Sự kiện đã quy tụ gần 1000 khách mời là các nhà khoa học, nhà tư vấn thiết kế, nhà quản lý trong nước và quốc tế về các vấn đề xây dựng nói chung và địa kỹ thuật, nền móng, công trình ngầm, hạ tầng nói riêng.
Hướng tới phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, xanh và bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; là quốc gia có điều kiện địa hình, địa chất tự nhiên rất đa dạng. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với các vấn đề sạt trượt tại các khu vực miền núi; ngập lụt, sụt lún tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển, Việt Nam đang trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển hạ tầng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Việt Nam cũng lựa chọn chuyển đổi theo mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam đang chú trọng nghiên cứu địa kỹ thuật để tối ưu hóa trong sử dụng tài nguyên, vật liệu; phát triển không gian ngầm tại các đô thị; xây dựng bản đồ tai biến địa chất tại khu vực miền núi; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, cô lập và khoáng hóa/cất giữ carbon trong các cấu trúc địa chất quy mô lớn đáng tin cậy, xác định; địa chất biển cho phát triển các trang trại gió ngoài khơi; xây dựng công trình đê, đập chắn sóng và hệ thống công trình để kiểm soát dòng chảy giảm xói lở bờ sông, bờ biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại GEOTEC Hanoi 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, khoa học địa kỹ thuật - một lĩnh vực nghiên cứu của khoa học Trái đất và khoa học công trình bao gồm các môn khoa học cụ thể như: cơ học đất, địa chất, địa mạo, địa động học, thủy văn, môi trường, cơ học kết cấu, nền móng, công trình ngầm, không gian ngầm… Các nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về địa kỹ thuật sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng cho xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, phát triển đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tuần hoàn nước; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mở ra không gian phát triển mới trên cơ sở phát triển công trình ngầm, khai thác không gian biển. Đặc biệt, những nghiên cứu về cấu trúc, quá trình tiến hóa địa chất diễn ra trong lịch sử và khảo sát đánh giá về cơ học đất, địa chất, địa mạo, địa động học, thủy văn, môi trường, cơ học kết cấu, nền móng cùng với các mô hình toán sẽ giúp dự báo trước được các tác động, nguy cơ về tai biến địa chất, thiên tai có thể xảy ra trong tương lai để có các giải pháp công trình đủ sức chống chịu, đảm bảo yếu tố bền vững.
Phó Thủ tướng mong muốn, GEOTEC Hanoi 2023 sẽ có những đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ trong xây dựng chính sách, chiến lược và các giải pháp để góp phần hoàn thành một trong các nhiệm đột phá chiến lược phát triển của Việt Nam đó là phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, xanh và bền vững.
Kết nối để phát triển và hội nhập
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FECON, Trưởng ban Tổ chức GEOTEC Hanoi 2023 cho biết, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến việc phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình, nhất là các công trình ngầm, hầm... Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà khoa học, nhà làm chuyên môn là tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, ứng dụng công nghệ phù hợp để mỗi công trình đảm bảo các tiêu chí (an toàn, bền vững, thân thiện môi trường và giá thành thấp nhất). Một trong những mong muốn khi tổ chức hội nghị là góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học và công nghệ trong ngành địa kỹ thuật giữa Việt Nam và các nước phát triển, đồng thời tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học trong nước và quốc tế kết nối với nhau, có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau, cùng nhau khai thác ứng dụng các thành tựu khoa học đã đạt được trên thế giới để tiếp tục phát triển và hội nhập.
TS Phùng Đức Long - Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam (đồng Trưởng ban Tổ chức GEOTEC Hanoi 2023) cho biết thêm, bên cạnh các chủ đề thường gặp và nhận được nhiều quan tâm của các nhà khoa học qua 4 kỳ hội nghị trước, GEOTEC Hanoi 2023 sẽ có thêm chủ đề “nóng” trong phát triển bền vững đó là năng lượng tái tạo - năng lượng gió ngoài khơi. Như vậy, các báo cáo tại hội nghị năm nay sẽ tập trung vào 06 chuyên đề lớn của địa kỹ thuật gồm: móng sâu, thi công hầm và không gian ngầm, cải tạo nền đất yếu, mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật, trượt lở và xói mòn, năng lượng gió ngoài khơi và địa kỹ thuật bờ biển.
GEOTEC Hanoi 2023 quy tụ đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học tham dự.
Tại Hội nghị, một số tham luận chuyên sâu được trình bày bởi các nhà khoa học hàng đầu thế giới như: GS Alessandro Mandolini (Ý), GS Giulia M.B. Viggiani (Vương quốc Anh), GS Rainer Massarsch (Thụy Điển), GS Antonio Gens (Tây Ban Nha), GS Mitsu Okamura (Nhật Bản), GS Richard Jardine (Vương quốc Anh), TS Marc Ballouz (Mỹ)…
Phong Vũ