Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường bộ cao tốc
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hệ thống đường cao tốc Việt Nam là một mạng lưới các đường cao tốc kéo dài từ Bắc đến Nam ở Việt Nam và thuộc hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam được xây dựng từ cuối năm 1998 đến nay. Theo tính toán đến năm 2023, hệ thống đường cao tốc Việt Nam có quãng đường khoảng 1.832 km. Hiện nay, nhiều đoạn cao tốc đã được xây dựng và đang được vận hành như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoặc đang xây dựng như đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường cao tốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc và tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với các bộ/ngành và địa phương triển khai quyết liệt các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo khí thế, niềm tin và sự phấn khởi trong nhân dân. Trong đó, đã đưa vào sử dụng 08/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822 km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; khởi công xây dựng nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…
Mặc dù việc phát triển đường cao tốc ở Việt Nam đã được triển khai từ lâu nhưng vẫn còn một số tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế; một số tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe; việc bố trí, đầu tư xây dựng các nút giao thông, nhất là chiều rộng và kết nối đường cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương để vào các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ còn chưa hợp lý; giải pháp xử lý nền đất yếu; việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng còn chưa đáp ứng tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm...
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến nhà khoa học
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, lĩnh vực giao thông vận tải đã được Đảng và Nhà nước xác định là khâu quan trọng nhất của hạ tầng, là một trong 3 khâu đột phá phải “đi trước một bước” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó đường cao tốc được ưu tiên phát triển trước hết. Theo chiến lược phát triển, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Điều này đặt ra nhiều thách thức về mặt kiểm soát chất lượng công trình trong giai đoạn thi công, vật liệu, khảo sát, thiết kế, xây dựng cũng như quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì hệ thống đường cao tốc... Do đó, việc trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm của Nhật Bản để từ đó rút ra bài học cho việc xây dựng, quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc ở Việt Nam là rất cần thiết.
Ông Kenshiro Sakata - Công ty TNHH Kỹ thuật đường cao tốc Central Nippon Tokyo (Nhật Bản) cho biết, mạng lưới cao tốc của Nhật Bản có tổng chiều dài khoảng 9.145 km, kết nối hầu hết các khu vực, đô thị lớn trên toàn đất nước Nhật Bản. Trong khai thác quản lý đường cao tốc, điều quan trọng nhất là đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho các phương tiện. Do các phương tiện lưu thông với tốc độ rất cao nên dù chỉ một chênh lệch nhỏ về cao độ hoặc có chướng ngại vật trên đường cũng có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. Vì vậy, việc quản lý, khai thác đường cao tốc đòi hỏi sự chú ý cao độ và cần nhiều biện pháp đảm bảo an toàn hơn so với đường bộ thông thường.
Để phát hiện những phương tiện gặp sự cố hoặc tai nạn, đơn vị quản lý vận hành cao tốc lắp đặt các camera giám sát và tổ chức tuần tra trên tuyến với tần suất cao, có thể lên đến hơn 10 lần/ngày. Khi phát hiện sự cố thì lập tức cử xe xử lý sự cố đến hiện trường, tiến hành hạn chế giao thông, hợp tác với cảnh sát giao thông để giải quyết trong thời gian ngắn nhất. Trường hợp camera giám sát, người đi đường hoặc đội tuần đường phát hiện có vật rơi trên đường, đơn vị quản lý phải lập tức thu hồi nhanh chóng. Để cảnh báo các phương tiện trong trường hợp đoạn đường đang xử lý sự cố hoặc sửa chữa, các công ty quản lý đường cao tốc Nhật Bản đã sáng chế ra những thiết bị ngăn chặn các xe đi vào khu vực đang tác nghiệp và sáng chế ra cả những xe tác nghiệp mà bản thân chiếc xe đó có thể trở thành vành đai bảo vệ cho nhân viên tác nghiệp trên đường.
Chia sẻ về phương pháp khảo sát bảo trì và quản lý cầu đường cao tốc ở Nhật Bản, ông Tomohiro Iwasaki - Phòng Kỹ thuật Xây dựng thuộc Ban Quản lý Dự án Công ty TNHH Kỹ thuật đường cao tốc Central Nippon Tokyo đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như công nghệ mới, hiệu quả cao vào việc bảo trì cầu trên đường cao tốc như ứng dụng kết cấu thép trong cơ sở hạ tầng đường bộ, cáp dự ứng lực độ bền cao, phương pháp sửa chữa vết nứt, phương pháp giám sát vết nứt từ xa....
Tại tọa đàm, bà Hoàng Thị Hương Giang và ông Vũ Ngọc Quang - Khoa Công trình (Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải) cũng đã chia sẻ kết quả nghiên cứu thực nghiệm và mô phỏng các chỉ tiêu cơ lý của bê tông nhựa sử dụng phụ gia nano graphen oxit; ứng dụng giải pháp Mobile Lidar trong khảo sát, đánh giá tình trạng bề mặt đường đường cao tốc
Tùng Vũ