Những thách thức đối nổi bật
Vùng Tây Nam Bộ với 13 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là khu vực đa dạng về dân tộc, tôn giáo, bản sắc văn hoá. Nơi đây cũng chịu tác động trực tiếp và lệ thuộc vào dòng chảy và sự điều tiết của các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông, qua đó đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn thức từ bên trong và ngoài đối với an ninh, trật tự khu vực; sự sinh tồn, sinh kế của gần 20 triệu dân với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Cụ thể:
Những thách thức từ bên trong bao gồm: i) mâu thuân giữa trình độ phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất (cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, băng thông rộng...) với những quan hệ sản xuất còn lạc hậu, thay đổi chậm chạp và cản trở; ii) năng lực, trình độ, nghiệp vụ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp ủy, chính sách, pháp luật, chưa đáp ứng hiệu quả nhiệm vụ trong tình hình mới; iii) các chế tài xử lý, kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thi hành, tuân thủ chính sách pháp luật còn chưa đồng bộ, hiệu quả...
Các thách thức từ bên ngoài có thể kể đến như: i) tình hình an ninh chính trị, địa chính trị khu vực và thế giới, đặc biệt là các cuộc xung đột, chiến tranh cục bộ; ii) khủng hoảng và suy thoái kinh tế do tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang leo thang ở một số quốc gia khu vực, khủng hoảng năng lượng và lương thực, sự đứt gẫy nguồn cung làm gia tăng lạm phát toàn cầu; iii) biến đổi khí hậu và sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên; iv) quá trình toàn cầu hoá kinh tế mạnh mẽ kéo theo toàn cầu hoá văn hoá, làm mòn các giá trị bản sắc dân tộc và truyền thống…
Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của vùng Tây Nam Bộ
Từ những thách thức trên, các tác giả đã sử dụng ma trận SWOT để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của vùng Tây Nam Bộ. Qua đó nhận thấy Tây Nam Bộ có những cơ hội nhất định trong phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm: 1) vùng đất màu mỡ, trù phú, đa dạng về bản sắc văn hoá, dân tộc, tôn giáo và giàu tiềm năng, lợi thế về thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch; 2) sự quan tâm đặc biệt và lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên và quyết liệt của nhà nước đối với Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam Bộ; 3) nhiều hiệp định song phương và đa phương được ký kết, cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam nói chung và vùng Tây Nam Bộ nói riêng; 4) quy luật phát triển đang đặt ra nhu cầu phát triển, thời điểm cần và thích hợp để thực hiện cải cách toàn diện, tạo động lực cho sự phát triển bền vững; 5) nguồn nhân lực dồi dào và hệ thống đào tạo, bồi dưỡng nhân lực phong phú, đa dạng.
Trong ma trận SWOT của vùng Tây Nam Bộ có những thế mạnh đặc trưng so với các khu vực khác: i) tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với cả nước, là khu vực có thế mạnh và dẫn đầu trong xuất khẩu nông nghiệp, hải sản, lượng xuất khẩu luôn tăng qua các năm; ii) có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành vùng động lực (đặc khu kinh tế, vùng biển, ven biển) phát triển trong thời gian tới; iii) chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ đã được quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách quy hoạch, xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2050, đặc biệt là phát triển bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặc dù vậy, ma trận SWOT đã chỉ ra 4 điểm yếu lớn tại vùng Tây Nam Bộ: Thứ nhất, chưa có chiến lược riêng cho cho từng địa phương với từng ngành mang tính trọng điểm, chủ lực và có tính dài hạn; Thứ hai, nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng thiếu hiệu quả, có nguy cơ cạn kiệt, suy thoái; Thứ ba, hệ thống giao thông chưa phát triển đồng bộ, thiếu vắng các đô thị lớn và các đô thị chưa đạt được tầm vóc kinh tế để có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, đồng thời dẫn đến kém thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu đội ngũ công nhân lành nghề và chuyên gia.
Như vậy, khung phân tích SWOT đã chỉ ra rằng, yếu tố then chốt, quyết định vẫn là thể chế phát triển bền vững; nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; hoàn thiện đồng bộ cơ sở kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng số. Trong đó yếu tố quyết định là “thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Giải pháp phát triển trong bối cảnh mới
Để thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, vượt qua những khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, dựa trên phân tích của ma trận SWOT, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp đột phá, chiến lược cho vùng Tây Nam Bộ như sau:
Một là, đổi mới tư duy, nhận thức, cách tiếp cận và định hướng phát triển đột phá về bảo đảm an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế vùng riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế vùng trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế thị trường vào chính sách, dự án liên kết vùng; trong đó, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hàm lượng giá trị trong sản xuất kinh tế biển, nông nghiệp thông minh, sinh thái, tuần hoàn… Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở tất cả các ngành, lĩnh vực của vùng.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế vùng Tây Nam Bộ nói riêng cũng như vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, tăng cường kết nối chặt chẽ giữa các vùng trong xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự gắn với phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới. Sự phát triển của vùng Tây Nam Bộ luôn có mối liên hệ gắn bó mật thiết với các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Phát huy, tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng, nguồn lực sẵn có, cũng như những bài học kinh nghiệm phát triển, của mỗi vùng sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng Tây Nam Bộ.
Ba là, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Cần ưu tiên và lựa chọn chiến lược đầu tư giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thay vì dàn trải và lãng phí. Trong điều kiện vùng Tây Nam Bộ chưa có đủ điều kiện, khả năng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực thì cần tập trung cho những ngành, lĩnh vực trọng tâm, then chốt để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực. Cần tái cấu trúc và sắp xếp lại hệ thống giáo dục, chú trọng và ưu tiên đào tạo đội ngũ quản lý, lãnh đạo chiến lược vùng, đội ngũ kỹ sư và chuyên gia kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, kinh tế biển, kinh tế gắn với công nghiệp quốc phòng, an ninh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và chuyên gia đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Cụ thể, cần đẩy mạnh nghiên cứu về liên kết vùng và triển khai xây dựng khung chương trình đào tạo chuyên sâu về liên kết vùng, trước hết ở một số trường đại học trọng điểm như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang,…
Bốn là, chính quyền tại địa phương cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ Đảng trong việc giải quyết những thách thức và nắm bắt thời cơ, vận hội, đặc biệt là công tác bảo đảm an ninh, trật tự gắn với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh mới. Đồng thời, tăng cường năng lực thực thi chính sách và pháp luật của toàn hệ thống chính trị, trước hết là các cấp chính quyền dựa trên hệ thống đánh giá, đo lường về tính hiệu quả và hiệu lực theo các chỉ số như giá tiêu dùng (CPI), đo lường hiệu quả công việc (KPI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)...
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế chia sẻ tri thức, kinh nghiệm quản trị phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, ổn định chính trị, an ninh con người, hệ thống an ninh - xã hội phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, nâng cao và cải thiện thu nhập, mức sống, chất lượng sống của người dân thông qua việc tăng cường năng lực quản trị phát triển bền vững về môi trường, giáo dục, y tế, an sinh, xã hội; đồng thời cần tăng cường trao quyền và thụ hưởng quyền rộng rãi cho các chủ thể, nhất là các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân, trong việc tham gia xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương và vùng.