Thương mại điện tử và kinh tế số - xu hướng tất yếu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn giảm mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội. Thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, kéo theo thương mại toàn cầu cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn chính trị, tình trạng lạm phát cao, dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt và thị trường tài chính bấp bênh, Tổ chức Thương mại thế giới dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 tăng 1,7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm trước. Nhiều ngành, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trên GDP ghi nhận mức tăng trưởng âm trong một vài năm gần đây đã kéo mức tăng trưởng của nhiều ngành, dịch vụ xuống mức thấp. Tương tự, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: sự suy giảm đơn hàng, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạn kiệt nguồn vốn.
Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company công bố ngày 01/11/2023, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á (2 năm liên tiếp là 2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Nhiều chuyên gia đánh giá, thương mại điện tử, kinh tế số là lĩnh vực mới, song đây cũng là lĩnh vực phát triển rất nhanh tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Hiện Việt Nam đã trở thành một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, chuyển đổi số đã mang lại cho các doanh nghiệp những hiệu quả không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ còn đem đến các cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời đại mới.
Tuy nhiên, việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quá trình chuyển đổi số để tiến tới sản xuất thông minh là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam. Nếu như lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử đang có sự chuyển mình mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội, đẩy nhanh quá trình phát triển trong xu hướng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì trong khu vực sản xuất vẫn là những bước đi có phần chậm chạp; phần lớn các hoạt động tại doanh nghiệp hiện nay mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi trong lĩnh vực quản trị hoặc cục bộ ở một số mảng sản xuất như: quản lý, bảo trì thiết bị, quản lý hiệu quả năng lượng, quản lý kho…
Giải pháp chuyển đổi số
Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số ngành công thương đến năm 2030, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của thế giới và đây được coi là nguồn tài nguyên vô cùng lớn từ tư duy và trí tuệ. Chính vì vậy, Bộ Công Thương coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành công thương đến năm 2030. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới cần chú trọng chuyển đổi các phương thức tác nghiệp quản lý điều hành đơn vị trong bộ. Bên cạnh đó là đổi mới phương thức để phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Để chuyển đổi số thành công, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh cần tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ về thương mại điện từ và kỹ năng số, đào tạo nhân lực số cho các trường đại học, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên các sàn thương mại điện tử. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội tổ chức chuyển đổi số và các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Trần Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và từng bước phát triển sản xuất thông minh, các giải pháp đưa ra cần giải quyết được những thách thức nội tại của doanh nghiệp, đồng thời phải tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ. Phó Vụ trưởng Trần Minh thông tin thêm, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã giao các đơn vị chức năng như Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Dầu khí và Than, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số… chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh.
Nguyễn Thị Hà