Chiến lược là sự thử thách và cam kết trách nhiệm
Phát biểu khai mạc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường khẳng định, Chiến lược phát triển UET đến năm 2035, tầm nhìn năm 2045 có ý nghĩa lịch sử đối với tiến trình xây dựng và phát triển của Trường. Năm nay, VNU đã công bố chiến lược phát triển mới, trong đó đề ra mục tiêu là đến năm 2035, VNU vào top 300, đến năm 2045 phải vào top 200 trong các bảng xếp hạng thế giới. Xếp hạng phải phụ thuộc vào các trường thành viên, các trường phải đồng hành và UET tiên phong công bố chiến lược của mình, điều này thể hiện sự đồng hành với VNU. Ngay từ những ngày đầu thành lập, UET mục tiêu và sứ mệnh phát triển đã được xác định và tuyên bố, đến năm 2019, Trường đã ban hành và điều chỉnh Chiến lược phát triển, tầm nhìn đến năm 2035. Trong 5 năm qua, Trường phát triển vượt bậc từ quy mô tuyển sinh từ 600 lên đến 1.850, một số lĩnh vực của Nhà trường được xếp hạng thế giới. Đặc biệt, lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ xếp hạng 386 thế giới trong bảng xếp hạng QS.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường (bên trái) trao Nghị quyết ban hành Chiến lược cho GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Nhà trường.
Chiến lược phát triển UET đến năm 2035, tầm nhìn 2045 là niềm tin, trách nhiệm và sự đồng hành của Hội đồng Trường gửi gắm đến lãnh đạo Nhà trường. Chiến lược lần này tuy là sự thử thách, nhưng cũng là sự cam kết trách nhiệm, đồng hành của Nhà trường với VNU và xã hội. Điểm nổi bật trong Chiến lược lần này là về quy mô đào tạo, phát triển các lĩnh vực để hoàn thiện cơ cấu đào tạo phù hợp với thời đại mới, xác định Trường sẽ vươn lên thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tiên tiến của châu Á và một số lĩnh vực sẽ vào top 300 trên bảng xếp hạng thế giới năm 2035 và top 200 trên bảng xếp hạng thế giới vào năm 2045.
GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày kế hoạch, lộ trình và các giải pháp triển khai Chiến lược phát triển Trường đến năm 2035, tầm nhìn năm 2045. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, Chiến lược phát triển của Nhà trường đến năm 2035, tầm nhìn năm 2045 với sứ mệnh, khẩu hiệu hành động và các định hướng thể hiện hoài bão, ý chí của tập thể viên chức và người lao động Nhà trường quyết tâm, đồng lòng thực hiện các mục tiêu chiến lược, tiếp tục xây dựng và phát triển UET là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài của đất nước, khu vực và thế giới.
Có thể nói, Chiến lược phát triển UET đến năm 2035, tầm nhìn 2045 vừa là mục tiêu, là thách thức nhưng cũng là động lực để Trường sẽ phát triển vượt bậc với các giá trị cốt lõi là uy tín, chất lượng cao - trình độ cao; trụ cột, tinh hoa và nhân văn; gắn đào tạo và nghiên cứu với thực tiễn và doanh nghiệp - với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và khởi nghiệp, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin của phụ huynh và sinh viên của VNU và các thế hệ cha anh, với xã hội và đất nước. Thông qua Chiến lược Trường sẽ “thoát thai” hoàn toàn từ cái áo “College of Technology” thuở ban đầu, thực sự trở thành “University of Engineering and Technology” - Trường đại học kỹ thuật công nghệ.
Những điểm cơ bản của Chiến lược
Về đào tạo, bên cạnh các ngành, khoa như hiện nay, Trường sẽ phát triển thêm những lĩnh vực then chốt về yêu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) như: (1) Cơ khí chế tạo máy; (2) Các khối ngành quản lý, quản trị kỹ thuật, công nghệ (quản lý năng lượng, kinh tế xây dựng, quản trị hệ thống công nghiệp, quản trị hệ thống thông tin, quản trị công nghệ…); (3) Các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ là vệ tinh của các công nghệ lõi mà xã hội đang rất cần và UET cũng như VNU có thế mạnh nền tảng như Fintech, Logistics, Thiết kế công nghiệp và đồ họa, công nghệ bán dẫn, thiết kế chip và vi mạch…
Theo Chiến lược phát triển, đến 2035, quy mô của UET có thể lên đến 20.000 sinh viên, với hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Đến năm 2045, quy mô của Trường lên 30.000 sinh viên với 1.800 cán bộ, giảng viên. Tỷ lệ kỹ sư và sau đại học sẽ chiếm tỷ lệ 35% trong tổng quy mô đào tạo của nhà trường. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp để gắn với thực tiễn và các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để thúc đẩy trao đổi sinh viên và học giả quốc tế. Sinh viên của Trường phải giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ, đẹp về trí tuệ, thể hình - có kỹ năng sống, nghị lực, hiểu và hành được minh triết và giàu tính nhân văn.
Về khoa học và công nghệ, Chiến lược nêu rõ: (1) Thúc đẩy mạnh mẽ và ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao để có các sản phẩm quốc gia; (2) Tập trung xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh trong Thiết kế chip và vi mạch, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo, Cơ điện tử, Viễn thông, Công nghệ bán dẫn, Robotic, Vật liệu và kết cấu tiên tiến, Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng - Giao thông…; (3) Thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Nhà trường để có nguồn lực đầu tư cho tiềm lực khoa học và công nghệ, con người; (4) Xây dựng tạp chí khoa học và công nghệ của Trường lọt vào danh mục Web of Science của quốc tế. Công bố quốc tế trong danh mục các tạp chí quốc tế Web of Science có uy tín dự kiến sẽ đạt tối thiểu 700 bài Web of Science năm vào năm 2035 và 1.000 bài Web of Science vào năm 2045.
Về cơ sở vật chất, Chiến lược lần trước đề ra ở mức làm tốt công tác chuẩn bị lên Hòa Lạc, nhưng lần này đã điều chỉnh thành nhiệm vụ bắt tay ngay vào việc triển khai xây dựng các phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của Nhà trường trên Hòa Lạc, nhanh chóng biến Hòa Lạc thành tương lai và cơ hội phát triển mới của Nhà trường, đồng hành cùng VNU khai thác tối đa Hòa Lạc phục vụ cho phát triển trong giai đoạn mới.
Tuyết Nga