Thương mại điện tử - trào lưu mua sắm mới
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, trong xu thế phát triển và hội nhập, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể, dẫn đến các cơ sở sản xuất phải chuyển dịch hình thức kinh doanh. Thống kê cho thấy, gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm đã chuyển hình thức mua bán trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Mặc dù đây là hình thức mua bán thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Điều này cho thấy, thương mại điện tử có yếu tố trực tuyến, nên yêu cầu tính nghiệp vụ cực kỳ lớn. Do vậy, quá trình kiểm soát, xử lý... lực lượng gặp rất nhiều khó khăn bởi tính đặc thù như địa điểm mua bán không xác định được, người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, thời điểm giao kết hợp đồng rất khó để xác định và chứng cứ rất dễ thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết gặp khó. Điều này cũng đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Phương Minh - Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn. Từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng đặc biệt quan trọng như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu... Không chỉ riêng hàng hiệu mà hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín là bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm. Đặc biệt, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng và cả xã hội.
Hãy là người tiêu dùng “thông thái”
Nhiều chuyên gia cho rằng, để xử lý được vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử điều trước tiên cần thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân không mua hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở trí tuệ vì giá rẻ, vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu. Trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, người tiêu dùng phải thực sự là "mắt xích" quan trọng, phải trở thành người tiêu dùng “thông thái” để bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng, góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Trước vấn nạn hàng giả trên thương mại điện tử, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Phan Mạnh Hà - đại diện sàn thương mại điện tử Shopee khẳng định, Shopee luôn tôn trọng và cam kết bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam của các chủ thể quyền theo các quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ.
Thời gian qua, Shopee bảo vệ cả người mua lẫn người bán bằng cách giữ số tiền giao dịch giữa người mua và người bán cho đến khi đơn hàng hoàn tất. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được thanh toán cho người bán nếu: người mua hoàn toàn hài lòng với món hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào trong vòng 7 ngày (đối với Shop Mall) hoặc 3 ngày (đối với Shop không thuộc Mall) kể từ khi nhận được hàng, hoặc người mua đã nhận được hàng (đối với Shop không phải là Shopee Mall), hoặc khi người mua đã gửi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền và Shopee đã xử lý xong... Bên cạnh các giải pháp trên, Shopee cũng triển khai cơ chế tố cáo/báo cáo vi phạm và xử lý tố cáo. Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng tính năng tố cáo trên ứng dụng di động Shopee để gửi báo cáo về sản phẩm hoặc hành vi vi phạm hàng giả/nhái bất cứ lúc nào. Bộ phận kiểm duyệt sẽ tiếp nhận thông tin và có cơ chế xử lý nếu nội dung và bằng chứng tố cáo chính đáng.
Bà Vũ Thị Minh Tú - đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada cho biết, hiện tại Lazada đang chú trọng thực hiện chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tập huấn nhà bán hàng về chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng công nghệ quản trị sàn… Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng, chống hàng giả, Lazada đã hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và các thương hiệu. Trong đó, hợp tác và ký kết biên bản ghi nhớ với các cơ quan thực thi pháp luật (Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Philippines, Cơ quan Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KOIPA)… để xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó gắn trách nhiệm cho các gian hàng trên sàn. Đồng thời, Lazada cũng sẽ hướng dẫn điều kiện đổi hàng, trả hàng cùng cam kết bảo đảm hàng chính hãng và xử lý nghiêm những gian hàng bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Nguyễn Thị Thúy Hà