Thứ ba, 12/12/2023 08:54

“Cập nhật những kiến thức mới của chuyên ngành truyền nhiễm là rất cần thiết”

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm và 5 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt - Đức, ngày 11/12/023 tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức hội thảo khoa học “Bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi”. Sự kiện là diễn đàn cập nhật những kiến thức mới, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm nói chung và các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi nói riêng.

Tham dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS.TS Bùi Thế Duy; Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn; Phó trưởng Ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, TS Trần Huy Dụng; cùng các lãnh đạo và đại biểu từ các viện, trường đại học, cơ sở y tế, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm nói riêng và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói chung trong công tác khám chữa bệnh thời gian vừa qua. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ, trên thế giới, khu vực và Việt Nam, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới nổi, tái nổi. Chính vì vậy, việc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức Hội thảo về bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi là hết sức cần thiết. Đây là cơ hội tốt để các nhà khoa học trao đổi, học hỏi, cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng gửi lời cảm ơn sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ của các nước, để y học Việt Nam từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ trong khu vực và trên thế giới.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, những thập kỷ gần đây, thế giới chứng kiến sự đột biến đáng báo động của các căn bệnh truyền nhiễm mới như COVID-19, cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nặng như sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn gram âm, bệnh Whitmore... Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết nặng tăng cao với các triệu chứng tiểu cầu hạ nhanh, sốc xuất huyết, suy đa tạng. Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống miễn dịch con người thay đổi, bị suy giảm sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus luôn có xu hướng lẩn tránh hệ miễn dịch, kháng thuốc, khiến việc điều trị khó khăn, kéo dài, gây tốn kém, tăng nguy cơ tử vong.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 11 trên toàn cầu về tiêu thụ thuốc kháng sinh, 71% sử dụng cho vật nuôi, 28% cho người. Trong đó, 1/3 số kháng sinh sử dụng ở Việt Nam được cho là không phù hợp. Phần lớn thuốc kháng sinh ở nước ta được bán không có đơn của bác sĩ, nhiều trường hợp cảm lạnh thông thường tự mua kháng sinh về sử dụng. Theo một nghiên cứu về sử dụng kháng sinh không theo đơn trên toàn cầu, tỷ lệ tự mua thuốc kháng sinh tại cộng đồng ở Việt Nam là 62%, cao hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc 36%, Indonesia 17%, Ấn Độ 18%, Anh 3%. Đặc biệt, hiện nay việc nghiên cứu tìm ra kháng sinh mới rất khó khăn. Nhiều năm nay, các nhà khoa học trên thế giới mới chỉ tìm được một vài kháng sinh mới để phục vụ điều trị.

Trước tình hình này, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tập trung nghiên cứu tác nhân gây bệnh, sử dụng kỹ thuật hiện đại như sinh vật phân tử để xác định ADN của vi khuẩn, kỹ thuật cấy máu, định danh vi khuẩn, để phát hiện tác nhân. Từ đó, làm kháng sinh đồ, lựa chọn kháng sinh còn nhạy, có tác dụng tốt, để xây dựng phác đồ, điều trị hiệu quả. Mỗi năm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm khám bệnh, kê đơn và điều trị ngoại trú cho 60.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú khoảng 4.500 bệnh nhân. Đồng thời, Viện đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khó chẩn đoán, hiếm gặp, nguy hiểm, bệnh kết hợp với bệnh nền nội - ngoại khoa phức tạp.

Theo Thiếu tướng PGS.TS Lê Hữu Song, sau gần 23 năm liên tục, kế tục, phát triển hợp tác khoa học giữa Viện Y học nhiệt đới Tübingen, Đức và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đến nay, đã có 10 bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Học viện Quân y bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và hiện có 8 bác sỹ đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Tübingen, Đức. Đây là cơ sở để quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu y học Việt -  Đức, đánh dấu một bước phát triển đột phá trong quan hệ hợp tác khoa học giữa 2 đơn vị.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt Đức (VG-CARE), GS.TS Velavan - Đại học Tübingen, CHLB Đức, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định, những thành tựu của Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt Đức (VG-CARE) trong 5 năm qua là minh chứng cho sức mạnh hợp tác, trao đổi văn hóa và khoa học giữa 2 quốc gia.

Trong khuôn khổ sự kiện, Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thay mặt Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao tặng Bằng khen tới GS.TS Velavan vì đã có những thành tích xuất sắc trong hợp tác nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu y học Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tôn vinh các chuyên gia quốc tế có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt Đức.

Bắc Lê

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)