Kết nối và chia sẻ
Ông Ninnat Olanvoravuth - Tổng thư ký ASAIHL cho biết, ASAIHL là một trong những tổ chức có lịch sử lâu đời, được thành lập từ năm 1956 trong cuộc họp giữa lãnh đạo của 8 trường đại học đến từ 8 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của Hiệp hội là hỗ trợ các trường đại học phát triển, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế về giảng dạy, nghiên cứu và các dịch vụ công cộng. Trước sự phát triển của KH&CN, ASAHIL chính là cầu nối để các trường đại học trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát triển đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia và khu vực.
Với mục tiêu kết nối, chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu, từ đó xây dựng, phát triển các chương trình hợp tác, ASAIHL đồng ý để Trường Đại học KH&CN Hà Nội tổ chức hội nghị năm 2023 với chủ đề “Hợp tác quốc tế hướng tới chất lượng xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu”.
GS Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng chính Trường Đại học KH&CN Hà Nội cho biết, Trường Đại học KH&CN Hà Nội hay còn được gọi là Trường Đại học Việt - Pháp, là một trường đại học trẻ của Việt Nam, được thành lập năm 2009 theo Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp. Với số lượng sinh viên tăng mạnh trong những năm gần đây, Trường Đại học KH&CN Hà Nội đang trở thành một trường đại học có uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&CN, với các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh theo mô hình của các trường đại học châu Âu. Đặc biệt, nguồn nhân lực do Trường đào tạo có năng lực khoa học, kiến thức, kỹ năng chuyên môn vững vàng và có khả năng trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo tương lai.
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Liên minh Các trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp (USTH Consortium), Trường Đại học KH&CN Hà Nội đã bước đầu thành lập các khoa chuyên môn, điều phối các chương trình giảng dạy ở trình độ thạc sỹ, đồng thời xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh ở Trường.
GS Jean-Marc Lavest cho rằng, giống như nhiều quốc gia đang phát triển, Việt Nam sẽ khó có những bước tiến bền vững nếu không đầu tư phát triển KH&CN. Việc đào tạo trình độ cao trong nghiên cứu, cũng như đào tạo đội ngũ lãnh đạo trong các doanh nghiệp là tiền đề thiết yếu cho sự phát triển của Việt Nam, bởi nếu thiếu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đầu tư cho công nghệ sẽ không thể có sự thay đổi trong bảng xếp hạng của các quốc gia phát triển, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Hợp tác hướng tới chất lượng xuất sắc
GS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học KH&CN Hà Nội cho biết, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đồng thời hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Mục tiêu trên chỉ có thể đạt được khi các trường đại học Việt Nam tích cực tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các nhà lãnh đạo tương lai - những người có khả năng giải quyết những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy chất lượng đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam. Đến nay, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức nghiên cứu như: Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Viện Nghiên cứu khoa học vật liệu quốc gia Nhật Bản, Viện KH&CN Hàn Quốc và các trường đại học lớn tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... nhằm học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin nghiên cứu tới cộng đồng quốc tế.
GS.TS Chu Hoàng Hà cho rằng, về nghiên cứu, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt với những thách thức chung như thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo... Vì vậy, cộng đồng khoa học nên cùng chung tay, hợp tác chia sẻ chuyên môn, tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực để có thể phát triển nền KH&CN nhanh hơn và xa hơn.
Tại hội thảo, đại diện các thành viên của ASAIHL và chuyên gia quốc tế đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các đối tác trong khu vực Đông Nam Á, giữa các đối tác trong khu vực và các đối tác từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn phát triển hiện nay của khu vực Đông Nam Á, với nguồn lực còn nhiều hạn chế, hợp tác quốc tế được xem là cách làm hiệu quả để cùng nhau hướng tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu xuất sắc.
Phong Vũ