Thứ ba, 12/12/2023 14:19

Tính cách của người sáng lập ảnh hưởng thế nào tới thành công của các công ty khởi nghiệp?

Nguyễn Minh Trí

Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP Hồ Chí Minh

Các công ty khởi nghiệp đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng khi tham gia giải quyết hiệu quả nhiều thách thức lớn của thời đại, như phát triển vắc-xin hoặc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của các công ty khởi nghiệp thường rất ít ỏi. Kết quả nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Scientific Reports cho thấy, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới sự thành công của các công ty khởi nghiệp là đặc điểm tâm lý của người sáng lập.

Mô hình đặc điểm 5 tính cách

Jr.P.T. Costa và R.R. McCrae (1992) [1] đã đề xuất mô hình Big - Five để mô tả 5 đặc điểm tâm lý chính là: 1) cởi mở sẵn sàng trải nghiệm, 2) tận tâm, 3) hướng ngoại, 4) dễ chịu, 5) nhạy cảm (ổn định về cảm xúc). Trên thế giới, mô hình này được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực kinh doanh, đầu tư tài chính, chứng khoán cũng như xem xét mối quan hệ dẫn đến hành vi, quyết định của cá nhân với yếu tố tâm lý của con người [1]. Mô hình Big - Five xây dựng 5 đặc điểm tính cách của mỗi cá nhân như sau:

Tính cởi mở sẵn sàng trải nghiệm: các cá nhân có tính cách này là người có trí tưởng tượng, sáng tạo, để ý và khôn khéo. Theo R. Durand và cộng sự (2013) [2] đây là những người suy nghĩ sâu sắc, có huynh hướng chấp nhận rủi ro cao và ít có khả năng đa dạng hóa các hình thức đầu tư, kinh doanh. Do đó, có thể thấy rằng, nhà sáng lập các công ty startup có tính càng cởi mở, sẵn sàng trải nghiệm thì họ sẽ nhận thức sự rủi ro càng tốt.

Tính tận tâm, người có tính tận tâm được xem là người có kỷ luật, trách nhiệm, họ thường có cách tiếp cận theo mục tiêu và tích cực trong việc quản lý cuộc sống. Những người có tính tận tâm cao thường ít chấp nhận rủi ro vì họ tập trung vào kiểm soát, bản thân có tính kỷ luật. Theo R. Durand và cộng sự (2013) [2], những cá nhân có tính tận tâm cao sẽ thể hiện trách nhiệm trong đầu tư, kinh doanh và thường bỏ qua các cơ hội gia tăng lợi ích. Do vậy, có thể thấy rằng nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp có tính cách càng tận tâm thì nhận thức sự rủi ro càng cao và thận trọng.

Tính hướng ngoại, đây là những người năng động, hòa đồng, nhiệt tình, thích phiêu lưu và quyết đoán. Những người hướng ngoại thường rất tự tin và ít phản ứng thái quá với thông tin tích cực hoặc tiêu cực trong việc kinh doanh [2]. Những nhà sáng lập công ty khởi nghiệp càng hướng ngoại thì nhận thức rủi ro càng tốt.

Tính dễ chịu, các cá nhân có tính dễ chịu là người lịch sự, thân thiện và đáng tin cậy. Họ cũng ngại rủi ro, không quá tự tin hay phản ứng thái quá gây ảnh hưởng đến công việc. Như vậy, có thể nhìn nhận là nhà sáng lập công ty khởi nghiệp càng dễ chịu thì nhận thức rủi ro càng cao và ngược lại.

Tính nhạy cảm, người có tính nhạy cảm thường hay lo lắng, giận dữ, sợ hãi và trầm cảm. Chính vì vậy, những người có tính cách này khi tham gia khởi nghiệp trong những lĩnh vực mang tính rủi ro, thường sẽ có mức độ chấp nhận rủi ro và nhận thức về rủi ro thấp hơn những người có đặc tính khác. Do vậy, nhà sáng lập càng nhạy cảm thì mức độ chấp nhận rủi ro cũng như nhận thức rủi ro của họ sẽ càng thấp.

Nhiều học giả xem mô hình Big - Five như là cơ sở lý luận nền tảng để khám phá những đặc tính về sự khác biệt của tính cách từng cá nhân đứng đầu tổ chức; đồng thời, xem xét các quyết định, kinh doanh, đầu tư cũng như những thành công hay thất bại của những người đứng đầu các công ty hay tập đoàn lớn trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu mới cho thấy điều gì?

Dựa trên mô hình Big-Five, trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Scientific Reports, tác giả P.X. McCarthy và cộng sự (2023) [3] cho rằng những người sáng lập công ty khởi nghiệp thành công thường sở hữu 6 loại tính cách then chốt là: Chiến binh (fighter), Nhà điều hành (operator), Người hoàn thành (accomplisher), Nhà lãnh đạo (leader), Kỹ sư (engineer) và Nhà phát triển (developer) - hình 1. Đây là những kiểu tính cách ít thấy trong cộng đồng nói chung.

Hình 1. 6 kiểu tính cách của nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Nguồn: P.X. McCarthy và cộng sự (2023) [3].

Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy, với những nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp sở hữu 6 kiểu tính cách nêu trên sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với các thước đo truyền thống mà giới kinh doanh hay sử dụng như tuổi của nhà sáng lập hoặc ngành kinh doanh (hình 2). Cụ thể: tỷ lệ dự báo thành công hơn của 6 kiểu tính cách trên được cho là cao hơn gấp 5 lần so với tiêu chuẩn thước đo về ngành/lĩnh vực khởi nghiệp, và gấp 2 lần so với chỉ số về tuổi của nhà sáng lập.

Hình 2. Sự kết hợp tính cách chung của những người sáng lập. Nguồn: P.X. McCarthy và cộng sự (2023) [3].

Để đưa ra các kết luận này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp dự đoán dựa trên đặc điểm tính cách của hơn 21.000 người sáng lập các công ty khởi nghiệp bằng công cụ máy học (Machine learning) để dò tìm các bài đăng trên Twitter; đồng thời dựa trên nguồn dữ liệu về việc gọi vốn, sáp nhập và mua lại của các công ty khởi nghiệp cũng như IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường) để đo lường xem các công ty trên thực tế có thành công hay không.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, kiểu hình của người sáng lập dựa trên 6 kiểu tính cách nêu trên đều có dấu ấn cá tính riêng biệt. Ngoài ra, yếu tố tuổi tác dường như tiệm cận với chỉ số về tính cách hơn là ngành, vì có một thực tế rằng tuổi của nhà sáng lập cũng phần nào phản ánh tính cách của họ. Ở mỗi độ tuổi con người sẽ có những nét tính cách chung nhất, hay nói cách khác, tính cách sẽ có sự thay đổi ít hay nhiều theo thời gian.

Liên hệ thực tế trên thế giới và ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy rằng ở độ tuổi trung niên thì tính cách con người có xu hướng điềm đạm hơn, có nghĩa là có sự tương quan cao giữa tính cách và tuổi tác. Mặt khác, theo thực tế đánh giá thì yếu tố ngành phần lớn mang tính khách quan, cho nên nó gần như khác biệt với chỉ số tính cách là điều dễ thấy trong thực tế.

Sự đa dạng hóa tính cách là nhân tố quan trọng

Một khám phá có tính mới của nghiên cứu do P.X. McCarthy và cộng sự thực hiện là những đặc điểm tính cách của người sáng lập không cần phải tập trung vào một cá nhân, và công ty khởi nghiệp có từ 3 người sáng lập trở lên sẽ có khả năng thành công cao hơn gấp 2 lần so với công ty do 1 người sáng lập và điều hành.

Do đó khi liên hệ thức tế cho thấy rằng, sự kết hợp tính cách chung của những người sáng lập có liên quan đáng kể đến cơ hội thành công cao hơn (hình 3). Đó là bởi vì cần có nhiều hơn một người sáng lập để thể hiện tất cả những đặc điểm tính cách có lợi nhằm tạo nên thành công. Điều này có thể thấy được tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều doanh nghiệp thành công dựa trên tập hợp các tính cách chung của những nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hình 3. Mô hình đa yếu tố, sự kết hợp đa dạng và cụ thể giữa các loại hình người sáng lập có tỷ lệ thành công cao hơn đáng kể. Nguồn: P.X. McCarthy và cộng sự (2023) [3].

Nếu xét về ở mức độ lớn hơn, việc thành lập một công ty khởi nghiệp cần sự phối hợp của các đồng đội. Do đó, sự đa dạng và bổ sung của các tính cách đóng vai trò quan trọng trong nhóm người nền tảng. Như vậy, sẽ tạo thành một sức mạnh có tác động to lớn đến khả năng thành công của công ty. Mặc dù tất cả các công ty khởi nghiệp đều có rủi ro cao nhưng rủi ro sẽ trở nên thấp hơn khi có nhiều người sáng lập hơn, đặc biệt nếu họ có những đặc điểm tính cách riêng biệt. Điều này được xem là sự đa dạng hóa rủi ro, phân tán rủi ro nhằm giúp doanh nghiệp khởi nghiệp dễ thành công hơn.

Kết luận

Dựa trên mô hình Big - Five với đặc điểm 5 tính cách, nhóm nghiên cứu P.X. McCarthy và cộng sự (2023) [3] đã nghiên cứu khám phá 6 đặc điểm tính cách. Đây là một khám phá mới góp phần vào khung lý thuyết nghiên cứu về xu hướng hành vi cũng như xem xét yếu tố tâm lý dựa trên đặc điểm tính cách liên quan tới kết quả đầu tư, kinh doanh. Về mặt thực tiễn có thể thấy rằng, phần lớn các công ty khởi nghiệp thành công trên thế giới cũng như tại Việt Nam, khi phân tích đặc điểm của những người sáng lập, là những người sáng lập giỏi có một số khía cạnh đặc biệt trong tính cách của họ không phổ biến lắm. Chúng bao gồm động lực tìm kiếm sự đa dạng và mới lạ, cởi mở với sự phiêu lưu, ít khiêm tốn hơn và mức năng lượng cao hơn. Ngoài ra, có thể thấy rằng càng có nhiều đặc điểm này ở một công ty thì tỷ lệ thành công của công ty đó càng cao và ngược lại.

Một trong những bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức thuộc mọi loại hình về tầm quan trọng của việc có sự đa dạng về các loại tính cách trong tập hợp nhóm sáng lập. Một dự báo dựa trên số liệu ước tính có đến 8% người dân trên toàn thế giới có thể có những đặc điểm tính cách mà có thể giúp họ trở thành những người sáng lập thành công, hiện tại có nhiều người chưa tham gia vào lĩnh vực kinh doanh. Đây là con số dự báo khá lớn tiềm năng đóng góp vào sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Jr.P.T. Costa, R.R. McCrae (1992), “Four ways five factors are basic”, Personality and Individual Differences, 13(6), pp.653-665, DOI: 10.1016/0191-8869(92)90236-I.

[2] R. Durand, R. Newby, K. Tant, S. Trepongkaruna (2013), “Overconfidence, overreaction and personality”, Review of Behavioral Finance, 5(2), pp.104-133, DOI: 10.1108/RBF-07-2012-0011.

[3] P.X. McCarthy, X. Gong, F. Braesemann, F. Stephany, M.A. Rizoiu, M.L. Kern (2023), “The impact of founder personalities on startup success”, Scientific Reports, 13(1), DOI: 10.1038/s41598-023-41980-y.

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)