Thứ hai, 04/12/2023 15:02

Phân tích bằng sáng chế giúp phát hiện “khoảng trắng” về công nghệ và thúc đẩy phát triển kinh tế như thế nào?

Đơn xin cấp bằng sáng chế chứa rất nhiều thông tin: ai nộp đơn? khi nào? ở đâu? ai là nhà sáng chế?... Việc phân tích thông tin này có thể mang lại những hiểu biết hữu ích, bao gồm cả về tiến bộ chung trong một lĩnh vực công nghệ cụ thể. Bằng cách chia nhỏ dữ liệu sáng chế theo nhiều cách khác nhau, các chuyên gia có thể thấy những lĩnh vực mà hoạt động cấp bằng sáng chế tương đối thấp hơn. Đó chính là “khoảng trắng” - nơi có thể tìm ra hướng đi mới để tăng thêm giá trị cho nguồn tài nguyên của mỗi quốc gia.

Phân tích dữ liệu sáng chế có thể tiết lộ những hiểu biết hữu ích về xu hướng đổi mới cũng như các cơ hội. Ảnh: Urupong / iStock Getty Images.

Nhóm chuyên gia từ Cơ quan Đổi mới quốc gia (NIA), Sri Lanka đã đặt câu hỏi cho Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về cách họ có thể tăng thêm giá trị cho nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của đất nước mình. Để trả lời cho câu hỏi này, Phòng Hỗ trợ công nghệ và Đổi mới của WIPO đã phân tích sâu dữ liệu về bằng sáng chế.

Thăm dò dữ liệu bằng sáng chế để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế quốc gia

Vindya Wijesinghe - Giám đốc Đổi mới cấp cao của NIA cho biết: “Sri Lanka rất giàu khoáng sản và có than chì tinh khiết nhất thế giới, được coi như ‘vàng đen’, tuy nhiên, vấn đề là chúng tôi chỉ xuất khẩu phần lớn dưới dạng nguyên liệu thô. Việc chỉ xuất khẩu quặng khoáng sản sẽ không mang lại lợi nhuận bằng việc chuyển đổi nó thành các sản phẩm hữu ích và bán các sản phẩm này ra thị trường quốc tế. Nhưng, sản phẩm đó là sản phẩm gì thì câu trả lời lại không đơn giản”.

Để trả lời cho câu hỏi này, Phòng Hỗ trợ công nghệ và Đổi mới của WIPO đã tìm cách đào sâu dữ liệu về bằng sáng chế để xem xét kỹ hơn các bằng sáng chế liên quan đến than chì, với mục đích xác định được các lĩnh vực công nghệ chưa bão hòa trong cơ sở dữ liệu bằng sáng chế. Các bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ cho thấy rất nhiều cải tiến mang tính đột phá đã được thực hiện. Trong những trường hợp như vậy, bất kỳ sự đổi mới nào tiếp theo đều có thể sẽ mang tính gia tăng, không còn nhiều cơ hội để nắm bắt tài sản trí tuệ. Hơn nữa, nhiều công nghệ nền tảng có thể đã được cấp bằng sáng chế. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai muốn sử dụng những công nghệ này có thể cần phải đầu tư rất nhiều công sức, tài chính để có được quyền sử dụng chúng.

Một cách để vượt qua những thách thức nêu trên là tìm ra những công nghệ chưa được các bằng sáng chế quan tâm. Để tìm ra “khoảng trắng” này từ dữ liệu bằng sáng chế, các chuyên gia của WIPO đã lập một danh sách phân loại các sản phẩm than chì và ứng dụng của chúng. Sau đó, các chuyên gia đếm số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế trong mỗi loại này để đo lường cường độ đổi mới. Họ ghi lại năm đơn đăng ký được nộp để đo lường “số lần đăng ký gần đây”. Số lần truy cập gần đây càng cao thì bằng sáng chế càng mới. Nếu chúng ta vẽ biểu đồ cường độ đổi mới so với mức độ gần đây trên biểu đồ cho từng danh mục, chúng ta sẽ biết được khoảng trắng ở đâu.

Sri Lanka có một số mỏ than chì tinh khiết nhất thế giới. Việc phân tích dữ liệu sáng chế có thể tiết lộ các cơ hội gia tăng giá trị cho nguồn tài nguyên quý giá này. Ảnh: RHJ/iStock/Getty Images Plus.

Một lĩnh vực ứng dụng có nhiều bằng sáng chế cũ hơn (hoặc số lượng cường độ đổi mới cao) và số lượng đăng ký gần đây thấp, gợi ý một lĩnh vực công nghệ đang trưởng thành. Ngược lại, những lĩnh vực có ít bằng sáng chế mới, gợi ý một lĩnh vực có không gian tiềm năng để đổi mới.

Tìm kiếm cơ hội đổi mới

Đối với than chì, các chuyên gia của WIPO nhận thấy rằng, việc sử dụng nó trong ngành hàng không vũ trụ và đóng gói có thể là những lĩnh vực mới nổi đầy tiềm năng. Một lĩnh vực ứng dụng thú vị khác mà gần đây có ít bằng sáng chế được nộp hơn là mực dẫn điện.

Theo truyền thống, mực dẫn điện - loại mực có thể được in và sử dụng trong các thiết bị điện tử dẻo, chẳng hạn như điện thoại di động có thể gập lại - được làm từ các hạt kim loại dẫn điện rất nhỏ như bạc và vàng phân tán trong chất lỏng. Than chì cũng là chất dẫn điện và nhiệt tốt. Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng than chì trong mực dẫn điện là lĩnh vực có hoạt động cấp bằng sáng chế thấp. Mực dẫn điện làm từ than chì chiếm khoảng 5% tổng số hồ sơ bằng sáng chế trong lĩnh vực mực dẫn điện trong 10 năm qua. Các tổ chức nghiên cứu nhỏ hơn nộp nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế hơn các tập đoàn lớn như Samsung và HP (những công ty thống trị thị trường mực dẫn điện truyền thống).

Phân tích của các chuyên gia về thông tin bằng sáng chế cho thấy khả năng có không gian để đổi mới loại mực dẫn điện dựa trên than chì.

Điểm khởi đầu tốt, nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện

Mặc dù việc phân tích các bằng sáng chế như thế này có thể cung cấp một dấu hiệu tốt về khoảng trắng, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là bằng sáng chế chỉ là một dấu hiệu của sự đổi mới. Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác có thể giải thích tại sao có những khoảng trống trong việc cấp bằng sáng chế hoặc đổi mới trong một lĩnh vực công nghệ cụ thể.

Lấy mực dẫn điện làm ví dụ, có thể có lý do kỹ thuật khiến số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế trong lĩnh vực này thấp. Những loại mực này có thể không dẫn điện, không tiện lợi như các loại mực thông thường, hoặc có thể cần nghiên cứu khoa học cơ bản hơn để hiểu được đặc tính dẫn điện của chúng. Cũng có thể nhu cầu thị trường hiện nay đối với các sản phẩm này còn thấp. Mặc dù thông tin sáng chế có thể tiết lộ những hiểu biết hữu ích và là điểm khởi đầu tốt, tuy nhiên những phân tích như vậy không thể vẽ ra một bức tranh hoàn chỉnh cho các quyết định đầu tư mà cần dựa trên sự phân tích toàn diện hơn về tất cả các yếu tố đang diễn ra.

Đây chính xác là những gì mà Wijesinghe và nhóm của bà tại NIA đang làm. Họ đang sử dụng những hiểu biết sâu sắc từ phân tích bằng sáng chế làm nền tảng để xây dựng và thúc đẩy hành trình đổi mới của mình. Wijesinghe khẳng định: “Những thông tin này là chất xúc tác để định hình lộ trình và chính sách khoáng sản ở Sri Lanka”.

Nhật Nam (theo WIPO)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)