Thứ hai, 13/11/2023 14:54

Phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học

Nhằm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức hội thảo khoa học “Phổ biến, quán triệt, triển khai và định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, chia sẻ định hướng nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành y, dược và công nghệ sinh học trong thời gian tới; đồng thời giới thiệu 3 khung chương trình KH&CN quốc gia: KC.10/2021-2030, KC.11/2021-2030 và KC.12/2021-2030.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại hội thảo.

Phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: với mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; xây dựng ngành công nghệ sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước, Bộ KH&CN được giao xây dựng và đã được Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Sau khi Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ “Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW”, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Bộ trưởng đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW và tin tưởng rằng, đây là động lực và là nguồn lực quan trọng để triển khai thắng lợi Nghị quyết 36-NQ/TW. Thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học, trong đó, trọng tâm là 3 chương trình quốc gia: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe” (KC.10/2021-2030); “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm” (KC.11/2021-2030); và “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học” (KC.12/2021-2030).

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia tích cực thảo luận về các hướng ứng dụng công nghệ sinh học trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng thời, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN nghiêm túc lắng nghe các ý kiến để tổ chức triển khai thật hiệu quả 3 chương trình KH&CN cấp quốc gia trong giai đoạn tới, trong đó lưu ý việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc điều phối các nhiệm vụ cụ thể trong từng chương trình nhằm bảo đảm không trùng về nội dung nghiên cứu, đồng thời tạo cơ chế để các chương trình thường xuyên trao đổi các kết quả nghiên cứu. Các Ban chủ nhiệm chương trình cần chủ động phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định về quản lý các nhiệm vụ KH&CN, gửi các đơn vị chức năng của Bộ, để không ngừng hoàn thiện pháp luật về KH&CN, tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế chia sẻ: tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch nhằm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, nhằm thay đổi căn bản trong các ngành sản xuất, đặc biệt các ngành, tỉnh có thế mạnh như nông nghiệp, y - dược, đóng góp 5-7% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế phấn đấu trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại khu vực miền Trung có cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, nhân lực đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ sinh học mới, công nghệ nông nghiệp công nghệ cao, đóng góp 7-10% vào GRDP toàn tỉnh. Trong thời gian tới, Đại học Huế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương để phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, cũng như phát triển Trường đại học Y - Dược thành Trường - Viện tiêu biểu của Việt Nam, có trình độ quốc tế và khu vực, phát triển Viện Công nghệ sinh học thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Bộ KH&CN đã luôn ủng hộ, hỗ trợ lĩnh vực KH&CN của ngành y tế, nhờ đó KH&CN trong lĩnh vực y tế đã có những thay đổi tích cực, đưa nền khoa học y học của Việt Nam tiếp cận với thế giới, cũng như mang lại những hiệu quả kinh tế, ý nghĩa xã hội sâu sắc: sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm 11/12 loại vắc xin tiêm chủng, hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng là một trong số ít quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu với chi phí chỉ bằng 1/2-1/3 nước ngoài, y học hạt nhân, trị liệu tế bào... Đồng thời, TS Nguyễn Ngô Quang cho biết: Bộ Y tế chia sẻ những vướng mắc liên quan đến quy chế, quy định, tài chính cho KH&CN, đồng thời khẳng định, cơ quan tham mưu của Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ KH&CN báo cáo Chính phủ để tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học tiếp tục cố gắng, cống hiến cho nền khoa học nước nhà. TS Quang cho biết, trong thời gian tới, định hướng phát triển KH&CN ngành y tế sẽ tập trung vào: công nghệ sinh học y học cá thể hóa, công nghệ giải mã gen, y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo trong chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm, nghiên cứu và phát triển vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh từ xa...

Bên cạnh những thành tựu đã và đang đạt được trong ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại như việc đào tạo nguồn nhân lực, hành lang pháp lý, tính bảo hộ trong công nghệ sinh học... Từ đó, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy đề xuất hình thành các quỹ hỗ trợ cán bộ KH&CN, hợp tác quốc tế, tham dự đào ngắn hạn, đào tạo nâng cao tại các phòng thí nghiệm quốc tế về công nghệ sinh học; xây dựng các nhóm nhiệm vụ có hợp tác song phương, đa phương về công nghệ sinh học/cơ chế đặc thù; hình thành đề tài nghiên cứu có đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, có nguồn lực để mua các bản quyền về công nghệ sinh học/hợp tác chia sẻ theo nguyên lý/cơ chế đặc thù.

GS Lê Huy Hàm - Chủ nhiệm Chương trình KC.12/2021-2030 nhận định: so với kinh phí đầu tư thì có thể tự tin rằng, thành tựu của công nghệ sinh học Việt Nam là vượt trội. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ sinh học là chưa tương xứng với tiềm năng, sự tham gia của doanh nghiệp vẫn chủ yếu nhắm tới tận dụng vốn của các chương trình, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng. Đặc biệt, cơ chế, nhân lực, nguồn kinh phí vẫn luôn là vấn đề lớn của KH&CN nói chung và công nghệ sinh học nói riêng.

PGS Lê Hữu Song - thành viên Ban chủ nhiệm chương trình KC.10/21-30 hy vọng, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông KH&CN, sao cho các thông tin được truyền tải một cách đầy đủ, kịp thời, qua đó góp phần cổ vũ, động viên các nhà khoa học tích cực tham gia hơn nữa vào các chương trình, đề tài.

Đề cập đến những khó khăn, vướng mắc trong xử lý hồ sơ, chứng từ, GS Tạ Thành Văn - Chủ nhiệm Chương trình KC.10/21-30 đã có những chia sẻ rất cụ thể từ thực tế triển khai tại Trường Đại học Y Hà Nội. Cụ thể, ban chủ nhiệm các đề tài đã thành lập một văn phòng chuyên trách mảng hồ sơ, được tham gia đào tạo bài bản trong và ngoài nước, bộ phận này sẽ phụ trách tư vấn, lên danh mục dự trù, thực hiện các công việc liên quan đến đăng ký bản quyền, hồ sơ, giấy tờ... để các nhà khoa học tập trung làm công tác chuyên môn. GS Tạ Thành Văn cũng mong muốn, các nhà khoa học trước khi nộp đề tài, cần nghiên cứu kỹ các tiêu chí để chuẩn bị đề cương phù hợp. Đồng thời, trao đổi với lãnh đạo viện, trường, hợp tác với doanh nghiệp, tránh các đề xuất lẻ tẻ. Ban chủ nhiệm các chương trình sẽ lựa chọn các chương trình “xứng tầm” quốc gia, trải đều ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị, cần thu hút sự tham gia của địa phương thông qua đặt hàng các nhà khoa học đối với các chương trình, đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh/thành phố; đưa quy trình ISO vào quản lý đề tài, nhiệm vụ; ứng dụng chuyển đổi số trong đăng ký hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học có thể thuận tiện tra cứu và theo dõi tiến độ; nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý phù hợp với thời gian, quy trình thực hiện thực tế, từ đó, hỗ trợ tối đa cho các nhà khoa học đăng ký và thực hiện đề tài, nhiệm vụ.

BL

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)