Một số tạp chí khoa học hoạt động chưa đúng tôn chỉ, mục đích
Theo Khoản 2 Điều 14 Luật Báo chí 2016, các tổ chức được thành lập tạp chí khoa học bao gồm: “Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật KH&CN; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học”. Theo Báo cáo Đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, cơ quan quản lý đã cấp phép cho tổng cộng 318 tạp chí khoa học theo quy định trên. Tuy nhiên, một số tạp chí trong số này hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, hoạt động như những cơ quan báo/tạp chí thông tin thông thường, có rất ít hoặc không có tính khoa học.
Báo cáo của Bộ TT&TT nêu rõ: một số tạp chí khoa học còn cử nhà báo, phóng viên tác nghiệp vượt quá thẩm quyền/lạm quyền, thậm chí có trường hợp tác nghiệp như cơ quan điều tra; còn tồn tại tình trạng đội ngũ phóng viên non kém về đạo đức, nghiệp vụ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đến phỏng vấn, tìm hiểu, xác minh thông tin xa rời tính chất của tạp chí khoa học là thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, công bố/đăng tải các nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan tạp chí khoa học đúng nghĩa nói riêng và các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật; gây bức xúc trong dư luận xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Theo Bộ TT&TT, hầu hết các trường hợp vi phạm trong thời gian qua đều đến từ các tạp chí khoa học có cơ quan chủ quản là các viện nghiên cứu không phải đơn vị sự nghiệp công. Nguyên nhân của tình trạng này là quy trình, điều kiện thành lập các viện này theo quy định tại Luật KH&CN còn tương đối đơn giản, không có giới hạn số lượng viện được thành lập... Ví dụ, mỗi hội khoa học đều có thể thành lập số lượng viện không hạn chế, và mỗi viện lại có thể xuất bản một tạp chí khoa học theo Khoản 2 Điều 14 Luật Báo chí, dẫn đến sự tràn lan trong việc xuất bản tạp chí khoa học.
Năng lực hội nhập quốc tế còn yếu
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 khẳng định: “Phát triển hệ thống tạp chí KH&CN trong nước đạt trình độ quốc tế. Đầu tư thỏa đáng hệ thống tạp chí trong nước trên cơ sở cân đối giữa các lĩnh vực KH&CN, các đối tượng phục vụ, khuyến khích áp dụng công nghệ số, liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín trên thế giới. Nâng cao trình độ của đội ngũ biên tập, tăng tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập; thu hút, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng tải các bài báo có chất lượng ở tạp chí trong nước. Có các quy định bắt buộc các đề tài từ ngân sách nhà nước phải có công bố trên các tạp chí trong nước”. Như vậy, hội nhập quốc tế vừa là động lực, vừa là mục tiêu, là yếu tố quyết định về chất lượng của các tạp chí khoa học.
Hội nhập quốc tế vừa là động lực, vừa là mục tiêu, là yếu tố quyết định về chất lượng của các tạp chí khoa học.
Theo kết quả khảo sát của một nghiên cứu năm 2021-2022 do Tạp chí KH&CN Việt Nam thực hiện*, sự đánh giá về định hướng hội nhập quốc tế của tạp chí khoa học khá phù hợp với những tiêu chí chung của một tạp chí chuẩn quốc tế. Cụ thể là: có tên trong các cơ sở dữ liệu uy tín của thế giới (65,5% số người trả lời); phải là tạp chí chuyên
ngành (79,5% số người trả lời); tiếng Anh là ngôn ngữ xuất bản (78,5% số người trả lời); có sự đa dạng của các tác giả, trong đó tác giả ở nước ngoài là chủ yếu (66,5% số người trả lời); cần thiết phải công khai quy trình biên tập (89,5% số người trả lời); quy trình biên tập gồm nhiều bước (tác giả hoặc biên tập viên của tạp chí cần chuẩn định dạng bài báo theo quy định của Tạp chí: 99,5%; sơ duyệt về nội dung, hình thức: 93,0%; kiểm tra sự trùng lặp: 95,5%; gửi phản biện: 95,0%; tác giả sửa lại theo yêu cầu của phản biện: 95,0%...); cần thiết phải công khai quy trình gửi bài (92,5% số người trả lời); cần thiết phải có hội đồng biên tập (94,0% số người trả lời); thành viên hội đồng biên tập là những nhà khoa học thuộc nhiều quốc tịch khác nhau (82,5% số người trả lời); cần thiết phải công khai lý lịch khoa học của các thành viên hội đồng biên tập (76,0% số người trả lời); cần thiết phải kiểm tra sự trùng lặp (98,5% số người trả lời); tỷ lệ % trùng lặp được chấp nhận ở mức trung bình là 13,6%; bài báo cần được phản biện bởi các chuyên gia (100% số người trả lời); nên phản biện qua hệ thống/công cụ/phần mềm trực tuyến của tạp chí (70,0% số người trả lời); chuyên gia phản biện phải bao gồm cả các chuyên gia nước ngoài (86,5% số người trả lời); cần thiết phải đo lường mức độ trích dẫn (96,0% số người trả lời)...
Nghiên cứu này đã khảo sát sự đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học về chất lượng và mức độ hội nhập quốc tế đối với các tạp chí khoa học Việt Nam hiện nay bằng cách cho điểm (điểm được cho từ 1 đến 5 với các mức đánh giá khác nhau: 1 tương đương với mức “Rất tốt”, 2 tương đương với mức “Khá”, 3 tương đương với mức “Trung bình”, 4 tương đương với mức “Kém”, 5 tương đương với mức “Rất kém”). Kết quả thu được cho thấy, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá các tạp chí khoa học hiện nay ở mức trung bình khá (bảng 1).
Bảng 1. Đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học về chất lượng và mức độ hội nhập quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam.
Tiêu chí đánh giá
|
Điểm trung bình cho các tiêu chí
|
Đánh giá và cho điểm chung về chất lượng các tạp chí
|
2,34
|
Đánh giá và cho điểm về sự đa dạng của các tác giả (bao gồm cả tác giả trong và ngoài nước
|
2,49
|
Đánh giá và cho điểm về quy trình biên tập
|
2,43
|
Đánh giá và cho điểm về hội đồng biên tập
|
2,27
|
Đánh giá và cho điểm về công tác phản biện
|
2,48
|
Đánh giá và cho điểm về website của tạp chí
|
2,36
|
Đánh giá và cho điểm về phần mềm trực tuyến hỗ trợ xuất bản
|
2,73
|
Đánh giá và cho điểm về mức độ trích dẫn
|
2,65
|
Đánh giá và cho điểm về tính thường xuyên (có sự chậm trễ trong xuất bản không)
|
2,46
|
Nguồn: Tổng hợp từ đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế về KH&CN hiện nay”.
Một số bất cập về chính sách
Hiện nay, việc thẩm định nội dung các bài báo khoa học trong các tạp chí khoa học hoàn toàn được chủ động thực hiện bởi tòa soạn, cơ quan báo chí dưới 2 hình thức: 1) không có phản biện của các chuyên gia bên ngoài cơ quan báo chí; 2) có phản biện của các chuyên gia bên ngoài cơ quan báo chí. Như vậy, có thể khẳng định, việc thẩm định, quản lý về nội dung các tạp chí khoa học hiện nay vẫn còn là một khoảng trống, cần được nghiên cứu để bổ sung, lấp đầy trong những văn bản pháp lý có liên quan.
Một bất cập nữa là việc đánh đồng chính sách tài chính đối với tạp chí khoa học như với hệ thống báo chí nói chung. Cụ thể là ở 2 văn bản: Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/03/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; và Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/03/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí nêu rõ: “Nghị định này quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật xuất bản; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm”. Nghị định này áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.
Chế độ nhuận bút đã được quy định rõ đối với bài viết nghiên cứu tại điểm 1 của Điều 7 của Nghị định 18 với hệ số tối đa là 30. Tuy nhiên, đối với một công trình nghiên cứu để được công bố trên tạp chí khoa học còn đòi hỏi thù lao, chi phí đối với nhiều bên có liên quan như: kiểm tra sự trùng lặp, công biên tập, đọc duyệt, công cho chuyên gia phản biện, hiệu đính, gắn mã số định danh cho bài báo (DOI)… mà Nghị định 18 chưa đề cập đến.
Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 về định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử. Thông tư này đã ban hành định mức cụ thể cho một số nội dung sau: công tác xây dựng bản thảo và biên tập bản thảo tác phẩm báo chí; định mức công tác thiết kế, chế bản báo in; định mức công tác thiết kế, chế bản, đăng tải báo điện tử; định mức công tác in các loại ấn phẩm báo in. Như vậy, Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT cũng chỉ hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật chung cho hệ thống báo chí nói chung, khó và thậm chí không thể áp dụng đối với tạp chí khoa học.
Thay lời kết
Để tạo ra một môi trường tốt cho tạp chí khoa học phát triển lành mạnh, nghiêm túc, không bị biến tướng thành báo và tạp chí thông thường, Bộ TT&TT đang chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Trong đó có đưa ra 2 phương án đối với tạp chí khoa học: 1) Giữ nguyên hiện trạng, tức là giữ nguyên các đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học, đối tượng cấp thẻ nhà báo, mở văn phòng đại diện của cơ quan báo chí như quy định tại Luật Báo chí hiện hành; 2) Thu hẹp đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học (không có các viện nghiên cứu và bệnh viện ngoài công lập), thu hẹp đối tượng cấp thẻ nhà báo (không có tạp chí khoa học) và tạp chí khoa học không mở văn phòng đại diện tại các địa phương. Theo đánh giá của một số chuyên gia, nhà khoa học từ kết quả phỏng vấn sâu của Tạp chí KH&CN Việt Nam cơ quan quản lý nhà nước nên giữ nguyên hiện trạng (các đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học như Luật Báo chí hiện hành), nhưng hạn chế cấp thẻ nhà báo đối với biên tập viên trong các tạp chí khoa học.
Uy tín của tạp chí khoa học khác với báo/tạp chí thông thường. Nếu như báo/tạp chí thông thường khẳng định được uy tín thông qua lượng độc giả, lượt truy cập, lượt xem/đọc thì uy tín của tạp chí khoa học lại được khẳng định bằng chất lượng các công bố khoa học và số lượt trích dẫn, sự quan tâm, đánh giá cao của các nhà khoa học
trong lĩnh vực xuất bản của tạp chí. Chính vì vậy, để khẳng định được uy tín của mình, các tạp chí khoa học của Việt Nam cần hòa mình vào “sân chơi” quốc tế, lấy các tiêu chuẩn chung của quốc tế làm định hướng phát triển.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù đối với các tạp chí khoa học, đặc biệt là chính sách tài chính, nhằm đảm bảo nguồn lực cho phát triển và hội nhập quốc tế.
Uy tín của tạp chí khoa học khác với báo/tạp chí thông thường. Nếu như báo/tạp chí thông thường khẳng định được uy tín thông qua lượng độc giả, lượt truy cập thì uy tín của tạp chí khoa học lại được khẳng định bằng chất lượng các công bố khoa học và số lượt trích dẫn, sự quan tâm, đánh giá cao của các nhà khoa học trong lĩnh vực xuất bản của tạp chí. Chính vì vậy, để khẳng định được uy tín của mình, các tạp chí khoa học của Việt Nam cần hòa mình vào “sân chơi” quốc tế, lấy các tiêu chuẩn chung của quốc tế làm định hướng phát triển cho mình. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù đối với tạp chí khoa học, đặc biệt là chính sách tài chính nhằm đảm bảo nguồn lực cho phát triển và hội nhập quốc tế.
*Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học Việt Nam hướng tới chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế về KH&CN hiện nay”.
Vũ Hưng