Thanh toán thẻ - xu hướng tất yếu
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán đang được áp dụng như: công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh, thanh toán trực tuyến, xác thực sinh trắc học, phát hành thẻ kép (tích hợp đồng thời cả tính năng thẻ ghi nợ lẫn thẻ tín dụng trên cùng con chíp thẻ ngân hàng)... đã trở thành phương thức thanh toán mới được các ngân hàng triển khai đến người dân. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn thông tin người sử dụng, các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh phát hành thẻ ngân hàng vật lý và phi vật lý bằng phương thức điện tử thông qua định danh điện tử (eKYC), giúp ngưởi dùng tiếp cận dịch vụ nhanh chóng, an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả chi phí quản lý. Theo số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 7/2023, cả nước đã có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử eKYC đang lưu hành.
Chia sẻ về những lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết thêm, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây. Số liệu thống kê qua hệ thống cho thấy, đến hết quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với đến hết quý II/2022. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý II/2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2022. Số liệu cho thấy, xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.
Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, để đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực ngân hàng, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần quan trọng trong việc phát triển thanh toán thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nghiên cứu, ban hành và trình ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán, tăng cường chuẩn hóa, liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả nhằm thiết lập hệ sinh thái số an toàn và hiện đại. Các ngân hàng thường xuyên nghiên cứu, phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, nhiều tiện ích, đảm bảo an toàn bảo mật, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Có thể thấy, những chính sách, quy định kịp thời, phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử đã khuyến khích các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán điện tử ngày càng trở lên quen thuộc, phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, để phát triển và hội nhập, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai Chiến lược nêu trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ chip nội địa, QR Code nhằm tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông, tạo thuận lợi phát triển hệ sinh thái số an toàn; quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát hành và thanh toán thẻ một cách thuận lợi, an toàn, khách hàng không cần phải đến các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng cũng có thể phát hành và sử dụng thẻ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục tổ chức triển khai tích cực Kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời thực hiện tốt công tác giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ…, việc truyền thông giáo dục tài chính cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Nguyễn Trọng Tài