Thứ ba, 03/10/2023 10:15

Đổi mới quản lý khoa học và công nghệ: Vì sao chưa “tới”

PGS.TS Vương Hữu Tấn

Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Với tâm huyết “góp một tiếng nói” góp phần mang lại những thay đổi tích cực trong hoạt động quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN), tác giả bài viết nêu ý kiến chủ quan về một số bất cập trong quản lý KH&CN hiện tại; đồng thời mong muốn nhận được các ý kiến phản biện để làm sáng tỏ và thống nhất hơn về những đổi mới cần thiết trong hoạt động quản lý KH&CN thời gian tới.

Gần đây chúng ta đã nói nhiều về đổi mới quản lý KH&CN, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố phải tăng cường đầu tư cho KH&CN và có cơ chế tài chính thuận tiện trong giải ngân cho nhà khoa học. Trên thực tế, cơ chế tài chính có phức tạp, có khó khăn cho các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng nó không phải là rào cản để chúng ta chưa có được các kết quả khoa học có giá trị mang tầm thế giới. Vậy các vấn đề bất cập trong quản lý KH&CN nằm ở đâu?

Yếu tố con người là then chốt

Khó khăn chính khiến chúng ta chưa có nhiều kết quả khoa học tầm cỡ thế giới nằm ở yếu tố con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Vậy có kết quả KH&CN tầm cỡ thế giới thì phải có các nhà khoa học tầm cỡ thế giới. Việt Nam có được bao nhiêu nhà khoa học tầm cỡ thế giới? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần có các tiêu chí cụ thể để xác định đâu là nhà khoa học “tầm thế giới và tầm quốc gia” để có thể giao chủ trì hay cố vấn trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN tương xứng. Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN khác so với các hoạt động sản xuất thông thường của người nông dân, người công nhân… ở chỗ phải có người chủ trì chịu trách nhiệm thiết kế toàn bộ nhiệm vụ nghiên cứu, bao gồm: mục tiêu, nội dung, sản phẩm, các bước trong quá trình nghiên cứu và chịu trách nhiệm về kết quả nghiên cứu. Do đó, việc chọn đúng nhà khoa học để giao chủ trì và thực hiện nhiệm vụ KH&CN đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, trách nhiệm của hội đồng xét duyệt nhiệm vụ KH&CN cũng cần được quan tâm đặc biệt. Cần phải có quy định về trách nhiệm của các thành viên hội đồng xét duyệt nhiệm vụ KH&CN, kèm theo đó là quyền lợi về vật chất cho họ. Thông thường hiện nay các thành viên Hội đồng được trả thù lao rất thấp cho một buổi họp Hội đồng, trong khi họ lại đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có kinh phí nhiều tỷ đồng, thậm chí nhiều chục tỷ đồng. Với thù lao thấp như vậy, khó yêu cầu họ có trách nhiệm cao trong xem xét, đánh giá nghiêm túc nhiệm vụ KH&CN. Ngoài ra, thời gian qua vẫn còn có nhiều người được gọi là “chuyên gia” song không có chuyên ngành phù hợp, vẫn ngồi vào các hội đồng xét duyệt nhiệm vụ KH&CN. Do đó cũng cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của chuyên gia tham gia hội đồng.

Cuối cùng là đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN các cấp, từ cấp ra quyết định đến những người thực thi nhiệm vụ quản lý theo quy định của pháp luật về KH&CN. Các chính sách về quản lý KH&CN được đội ngũ này xây dựng và quyết định cũng như tổ chức thực hiện. Do đó, nếu chất lượng của đội ngũ này có vấn đề thì các chính sách họ đưa ra và việc tổ chức thực thi các chính sách sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó tránh khỏi những sự việc đáng tiếc.

Tóm lại, 3 loại hình nhân sự quan trọng cần được quan tâm để bảo đảm chất lượng trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, chất lượng trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, công tâm trong quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, bao gồm: 1) Người chủ trì và thành viên tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN; 2) Thành viên hội đồng xét duyệt nhiệm vụ KH&CN (về nguyên tắc hội đồng xét duyệt cũng nên là hội đồng nghiệm thu); 3) Cán bộ quản lý KH&CN các cấp. Do đó, Bộ KH&CN cần có chính sách để tuyển chọn đúng 3 loại hình nhân sự nêu trên và cần thiết xây dựng bộ quy tắc ứng xử hay các quy định về đạo đức nghề nghiệp để các cán bộ KH&CN tuân thủ khi thực thi nhiệm vụ công vụ.

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải

Thống kê cho thấy, hiện nay số lượng các tổ chức KH&CN ở Trung ương, các bộ/ngành và địa phương là rất lớn so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nếu cứ đầu tư nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN theo kiểu bình quân, dàn trải thì sẽ không tới ngưỡng cho phát triển của bất cứ lĩnh vực KH&CN nào. Vì vậy, cần đầu tư cho các lĩnh vực KH&CN trọng điểm, phục vụ cho các định hướng ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Để khắc phục tình trạng trên, tôi cho rằng Bộ KH&CN cần phải xác định các định hướng ưu tiên đầu tư trong các kế hoạch 5 năm, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua.

“Cần có cơ chế đặc thù cho KH&CN và đội ngũ nhân lực làm KH&CN” - Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với Bộ KH&CN, ngày 11/7/2023.

Hiện nay, đầu tư cho các nhiệm vụ R&D ở Trung ương do Bộ KH&CN và các bộ/ngành quản lý, còn ở địa phương do UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, còn lại ở hầu hết các tỉnh/thành phố khác, tiềm lực của các viện/trung tâm R&D và các trường đại học còn hạn chế. Do đó, nên chăng đầu tư cho thực hiện các nhiệm vụ R&D của địa phương cần tập trung về một mối là Bộ KH&CN. Các địa phương có nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sẽ trình lên Bộ KH&CN, để Bộ tổng hợp và phê duyệt cũng như tổ chức tuyển chọn hay chỉ định các tổ chức đủ điều kiện tham gia. Bộ KH&CN phối hợp với địa phương tổ chức quản lý các nhiệm vụ KH&CN của địa phương để bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Vụ Phát triển KH&CN Địa phương sẽ giúp Bộ KH&CN thực hiện nhiệm vụ này.

Các nhiệm vụ KH&CN đột xuất của các địa phương không nằm trong kế hoạch sẽ chuyển lên Bộ KH&CN khi có nhu cầu đột xuất, để được cho phép thực hiện theo quy chế của các quỹ phát triển KH&CN liên quan mà Bộ KH&CN quản lý. Các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ do các bộ, ngành quản lý đều phải được công khai trên trang thông tin của Bộ KH&CN với đầy đủ thông tin để các nhà khoa học biết, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng và tạo điều kiện cho các nhà khoa học có ý kiến phản biện.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN, trong thời gian tới, cần cân nhắc và xem xét đến việc giảm các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở để đầu tư tập trung hơn vào các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và cấp bộ.

Thay lời kết

Đổi mới quản lý KH&CN, cũng như đổi mới quản lý nhiều lĩnh vực khác ở nước ta, hiện đang như một “trào lưu” sau các thành công của đổi mới quản lý kinh tế. Tuy nhiên, do nóng vội nên nhiều lĩnh vực quản lý chưa được nghiên cứu thấu đáo đã đưa ra các cơ chế, chính sách mới nên thiếu hiệu quả, gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước và nhân dân. Ví dụ như việc đổi mới sách giáo khoa ở các trường phổ thông. Trên thế giới, một số nước đi sau đã có cách tiếp cận khác mang lại hiệu quả cao mà chúng ta nên tham khảo. Điển hình là trường hợp của Hàn Quốc. Quốc gia này đã sao chép gần như toàn bộ chương trình đào tạo và tài liệu đào tạo của Nhật Bản cho các trường học phổ thông (trừ các môn học liên quan đến dân tộc và văn hóa như lịch sử, địa lý…). Hàn Quốc đã thành công và trở thành một quốc gia phát triển chỉ sau 20 năm. Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Hàn Quốc cũng sao chép nguyên mô hình của Nhật Bản và họ cũng đã rất thành công. Từ một nước nhập khẩu công nghệ hạt nhân, hiện nay họ đã trở thành nước xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng nghiên cứu, máy gia tốc và nhiều sản phẩm khác của ngành năng lượng nguyên tử...

Chúng ta đổi mới đã gần 40 năm rồi, nhưng nhiều lĩnh vực vẫn còn ở trình độ chưa cao so với thế giới, trong đó có lĩnh vực KH&CN. Một trong những nguyên nhân quan trọng là mô hình quản lý của ta chưa hiệu quả.

*

*                *

Với tâm huyết “góp một tiếng nói” cùng mang lại thay đổi tích cực trong hoạt động quản lý KH&CN của đất nước, tác giả đã đưa ra một số ý kiến cá nhân nêu trên. Đây hoàn toàn là quan điểm chủ quan của tác giả. Rất mong nhận được các ý kiến phản biện để chúng ta cùng nhau làm sáng tỏ và thống nhất hơn những đổi mới cần thiết trong hoạt động quản lý KH&CN, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong thực hiện nhiệm vụ, vừa góp phần nâng cao chất lượng các kết quả nghiên cứu KH&CN, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)