Kinh nghiệm quốc tế
Giảm phát thải các bon là mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, được nhắc đến trong Thỏa thuận Paris tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015 (COP21) và Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) nhằm thực hiện các cam kết giảm mức phát thải ròng về bằng “0”. Trong công cuộc này, 2 lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất là năng lượng và công nghiệp nguyên vật liệu như sắt, thép, nhôm,…
Phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng để giảm lượng phát thải các bon ra môi trường, năng lượng tái tạo được tạo ra từ các nguồn hình thành liên tục và vô hạn, sẽ dần thay thế nguồn năng lượng từ tài nguyên thiên nhiên trong tương lai, bao gồm các loại: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh học, năng lượng chất thải rắn, năng lượng thủy triều, nhiên liệu đốt hydrogen và pin nhiên liệu hydro. Bên cạnh đó, hầu hết quốc gia có sự triển khai trong hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ trong ngăn ngừa ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải, đặc biệt là công nghệ số. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2022, các giải pháp kỹ thuật số có thể giúp giảm tới 20% lượng phát thải các bon toàn cầu. Thông qua việc chia sẻ dữ liệu giữa các bên đối với quá trình kinh doanh tuần hoàn, các công nghệ cảm biến và điều khiển tự động sẽ thiết lập các tiêu chuẩn thực hiện phù hợp, mang lại giá trị tối ưu trong cân bằng lợi ích giữa tăng trưởng kinh tế (lợi nhuận doanh nghiệp) và bảo vệ môi trường (giảm phát thải các bon).
Ngoài ra, công cụ tài chính xanh cũng có tác động tích cực đến giảm phát thải các bon. Sự phát triển của tài chính xanh sẽ góp phần giảm phát thải các bon, tài chính xanh không chỉ giảm lượng khí thải các bon của khu vực địa phương mà còn hạn chế tác động đến khu vực lân cận; gián tiếp dẫn đến giảm lượng khí thải các bon thông qua cắt giảm các hạn chế về tài chính và tăng cường thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh. Cắt giảm các hạn chế về tài chính bao gồm: i) nới lỏng tỷ trọng tín dụng xanh, ii) thắt chặt dần nguồn vốn cho các ngành phát thải cao, iii) tăng đầu tư cho các quỹ tín dụng bảo vệ môi trường và công nghiệp xanh, iv) tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm xanh.
Tại Hoa Kỳ, chính quyền liên bang Mỹ đã xây dựng riêng biệt một chính sách khí hậu về giảm phát thải các bon. Chính sách khí hậu liên bang đặt ra quy định về 3 công cụ tiếp cận và kiểm soát: định giá các bon; trợ cấp công nghệ và đổi mới; các tiêu chuẩn thực hiện.
Bảng 1. Mục tiêu và phương thức giảm phát thải các bon của Hoa Kỳ.
Công cụ
|
Mục tiêu
|
Phương thức
|
Định giá các bon
|
Cung cấp động lực tài chính trực tiếp để giảm lượng khí thải.
|
Thu thuế các bon
Thu phí các bon
Thiết lập hệ thống mua bán trần dựa trên thị trường.
|
Trợ cấp công nghệ và đổi mới
|
Cung cấp các khuyến khích cho việc triển khai và đổi mới công nghệ phát thải thấp.
|
Các khoản tín dụng thuế.
Tài trợ công trực tiếp.
|
Tiêu chuẩn thực hiện
|
Cung cấp các tiêu chí mang tính ràng buộc như: tiêu chuẩn năng lượng sạch, tiêu chuẩn nhiên liệu sinh học…
|
Yêu cầu sản phẩm hoặc/và quy trình phải đáp ứng các mức hiệu suất kỹ thuật tối thiểu.
|
Chính phủ Hoa kỳ đã tiến hành tài trợ cho các nghiên cứu và phát triển cũng như các dự án triển khai năng lượng sạch như Dự án công nghệ lưu trữ năng lượng, các dự án về hydrogen hay biện pháp thu hồi các bon hiệu quả. Những khoản trợ cấp triển khai công nghệ ở Hoa Kỳ đều ở dạng tín dụng thuế, các cách tiếp cận khác bao gồm thanh toán trực tiếp, bảo lãnh khoản vay, đấu giá ngược.
Tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), họ đã ban hành một số chính sách về cả giảm phát thải các bon, trong đó bao gồm các lĩnh vực: giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, lâm nghiệp. Cụ thể:
Lĩnh vực
|
Khía cạnh
|
Mục tiêu
|
Giải pháp
|
Giao thông vận tải
|
Vận tải hàng hải
|
Cắt giảm 2% lượng khí thải nhà kính từ tàu vào năm 2025, 14,5% vào năm 2035 và 80% vào năm 2050.
|
Vận tải hàng hải cũng sẽ được đưa vào hệ thống mua bán khí thải.
|
Hàng không dân dụng
|
Tỷ lệ nhiên liệu hàng không bền vững tối thiểu đạt 2% vào năm 2025; 34% vào năm 2040 và 70% vào năm 2050.
|
Tiêu chuẩn hóa các nguồn năng lượng tái tạo mới như hydrogen, nhiên liệu tái tạo từ nguồn gốc sinh học và phi sinh học như amoniac xanh cho ngành hàng không dân dụng.
|
Vận tải đường bộ
|
Giảm phát thải trung bình 55% đối với ô tô và 50% đối với xe tải vào năm 2030. Không thải khí CO2 đối với ô tô và xe tải vào năm 2035.
|
Cấm bán xe ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel tại EU từ năm 2035, hướng tới phát triển thị trường hoàn toàn bằng xe điện.
|
Năng lượng
|
Giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng ít nhất 11,7% ở cấp độ EU vào năm 2030.
Tất cả các tòa nhà tại EU sẽ không phát thải kể từ năm 2028.
|
Các nước EU phải tiết kiệm năng lượng trung bình 1,5%/năm.
Các tòa nhà tự sản xuất năng lượng thông qua công nghệ năng lượng mặt trời (đảm bảo giấy phép lắp đặt thiết bị).
|
Công nghiệp
|
Cắt giảm 40% lượng phát thải vào năm 2030.
|
Thiết lập cơ chế định giá các bon đối với hàng hóa nhập khẩu.
|
Lâm nghiệp
|
Sử dụng rừng để thu khí thải, trong đó, tăng lượng các-bon hấp thụ của EU lên 15% vào năm 2030.
|
Yêu cầu doanh nghiệp xác minh về nguồn gốc của các sản phẩm được bán trên thị trường châu Âu “không góp phần vào nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng ở bất kỳ đâu trên thế giới”.
|
Bài học cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm của quốc tế, để hoàn thiện giải pháp giảm phát thải các bon, trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, ngoài việc thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch hay quy trình sản xuất liên quan đến các mặt hàng như sắt, thép, nhôm, xi măng và hóa chất, vốn rất khó để khử các bon bằng các giải pháp ít hoặc không có phát thải các bon, Chính phủ Việt Nam nên khuyến nghị doanh nghiệp đầu tư, chú trọng vào các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh trong hoạt động sản xuất, chủ động giảm phát thải các bon thông qua chính sách hỗ trợ đổi mới của Quỹ Đổi mới quốc gia. Để giảm thiểu thành công biến đổi khí hậu, chính sách quốc gia cần phải cân bằng nhu cầu giữa các ngành nghề kinh doanh và lợi ích cộng đồng, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư thúc đẩy đổi mới công nghệ vào các giải pháp phát thải các bon.
Hai là, quy định bắt buộc về việc công bố thông tin đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động trong các lĩnh vực có lượng khí thải các bon cao. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ cho thấy, việc yêu cầu công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu như: lượng khí thải cốt lõi, cơ sở vật chất chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản và danh sách các nhà cung cấp nguyên nhiên liệu hàng đầu sẽ giúp doanh nghiệp và các đối tác nắm được tình hình tài chính xanh của nhau, hỗ trợ cơ quan nhà nước trong hoạt động giám sát doanh nghiệp và tạo cơ sở cho các nhà đầu tư đưa ra lựa chọn.
Ba là, sớm hoàn thiện cơ chế giao dịch tín chỉ các bon. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình xây dựng và thiết lập định giá các bon, đặc biệt là xác định quy trình thị trường hoạt động và cơ chế giá giao dịch. Thông qua giao dịch bù trừ trên thị trường các bon toàn cầu, Chính phủ Việt Nam có thể tìm ra cách tốt nhất để tích hợp các biện pháp bù đắp, thiết lập chính sách khí hậu quốc gia phù hợp. Việt Nam có thể xây dựng công cụ định lượng phát thải theo thuế các bon và điều chỉnh thuế tự động dựa trên sự tham khảo cơ chế của Hoa Kỳ và quy định cơ chế điều chỉnh biên giới các bon của EU.
Bốn là, thiết lập quy định về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Trong đó, tham khảo quy định của EU trong việc xác minh nguồn gốc của các sản phẩm được bán trên thị trường với tiêu chuẩn không góp phần vào nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Giảm phát thải các bon đóng vai trò quan trọng trong tương lai, đóng góp trực tiếp đến vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Việc giảm phát thải các bon giúp giảm lượng khí nhà kính trong không khí, từ đó giảm nguy cơ tăng nhiệt đới và các hiện tượng khí hậu cực đoan.