Chủ nhật, 24/09/2023 15:08

Chế biến và sử dụng khoáng sản gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Phát triển công nghệ chế biến sâu các loại khoáng sản trên cơ sở phát huy nội lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là yêu cầu của ngành khai khoáng Việt Nam trước bối cảnh phát triển và hội nhập. Đây cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị khoa học và công nghệ tuyển khoáng toàn quốc lần thứ 6 do Hội Tuyển khoáng Việt Nam và Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nhiều công nghệ khai thác, chế biến còn lạc hậu

TS Nguyễn Huy Hoàn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tuyển khoáng Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng khoáng sản khá phong phú với quy mô trữ lượng lớn, nhưng mức độ đầu tư thăm dò, khai thác, tuyển, chế biến còn khá hạn chế. Một số loại khoáng sản có quy mô trữ lượng khá lớn như than, bô xít, apatit, sa khoáng chứa ti tan, đồng có công nghệ và thiết bị tuyển, chế biến ở mức độ khá tiên tiến; trong khi một số loại khoáng sản như cao lanh, dolomit, fenspat, diatomit, mangan, cromit… có quy mô, trữ lượng không lớn nên công nghệ khai thác, chế biến còn chưa được quan tâm đúng mức và khá lạc hậu.

TS Nguyễn Huy Hoàn cho biết thêm, đối với khoáng sản than, hoạt động khai thác, sàng tuyển than ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở vùng Quảng Ninh. Đối với quặng apatit, hoạt động này tập trung chủ yếu trên địa bàn tỉnh Lào Cai với 3 nhà máy, cả 3 nhà máy đều đang tuyển quặng apatit loại 3, sử dụng công nghệ tuyển nổi với các loại thiết bị, công nghệ cơ bản tương tự nhau (thiết bị tuyển nổi là máy tuyển nổi cơ học truyền thống; thiết bị đập thô là máy đập hàm, đập trung và đập nhỏ, là máy đập con kết hợp sàng rung chấn động; thiết bị nghiền sử dụng máy nghiền bị thép kết hợp máy phân cấp ruột xoắn). Đối với quặng bô xít, ở Tây Nguyên hiện có 2 nhà máy tuyển bô xít lớn đang hoạt động để cung cấp nguyên liệu quặng tinh bô xít cho 2 nhà máy sản xuất alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) với công nghệ tuyển quặng là cơ bản giống nhau (tuyển rửa, đánh tơi và phân cấp, sàng phân loại để thu hồi quặng tinh…). Tuy nhiên, công nghệ tuyển ở 2 nhà máy này vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần xử lý để nâng cao hiệu quả sản xuất như đầu tư bổ sung thiết bị cô đặc để tăng khả năng loại nước, xây dựng hệ thống khử muối oxalat để nâng cao chất lượng và ổn định sản phẩm… Đối với quặng sa khoáng chứa titan, quặng này đã được khai thác ở một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Ninh Thuận… với công nghệ khá hợp lý, cho phép thu hồi triệt để các khoáng vật có ích trong quặng và nhận được các sản phẩm quặng tinh đạt yêu cầu. Đối với quặng đồng, chì, kẽm, các công nghệ tuyển cũng đã được đầu tư và nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng.

Hội nghị khoa học công nghệ tuyển khoáng toàn quốc lần thứ 6 năm 2023.

Đặc biệt, là quốc gia có trữ lượng quặng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), song ở Việt Nam vẫn chưa có cơ sở khai thác và chế biến quy mô lớn. Do đó, trong tương lai, việc áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản là một yêu cầu cấp thiết để hội nhập và phát triển.

Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh KHCN&ĐMST vào chế biến và sử dụng khoáng sản

Theo ông Nguyễn Minh Đường - Chủ tịch Hội Tuyển khoáng Việt Nam, KHCN&ĐMST đối với ngành chế biến và sử dụng khoáng sản bao hàm nhiều vấn đề như: bắt buộc các doanh nghiệp chế biến khoáng sản phải thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến hiện đại; giảm thiểu tối đa lượng nguyên - nhiên liệu bị tiêu hao; nâng cao tỷ lệ thu hồi khoáng sản có ích, thu hồi các khoáng sản đi kèm; đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong quá trình điều hành sản xuất... Để thực hiện được mục tiêu chế biến và sử dụng khoáng sản gắn với phát triển KHCN&ĐMST, việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ cũng như chuyên gia kỹ thuật đầu ngành, chuyên sâu nhằm đáp ứng được yêu cầu mới là rất cần thiết. Để làm được điều đó, cần phải cải tiến phương thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực của ngành chế biến khoáng sản để có khả năng tiếp cận với các thành tựu khoa học và công nghệ mới, làm chủ các trang thiết bị nghiên cứu, phương tiện sản xuất hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho rằng, phát triển KHCN&ĐMST là chiến lược phát triển của quốc gia, là con đường tất yếu để phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra sâu, rộng. Để tồn tại và phát triển, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng đó. Phát triển KHCN&ĐMST, chuyển đổi số phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi tổ chức, doanh nghiệp, trong đó các đơn vị làm nghiên cứu và phát triển phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình này.

Là viện nghiên cứu khoa học đầu ngành về lĩnh vực khai thác, tuyển khoáng luyện kim trong ngành công nghiệp mỏ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã và đang từng bước đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp quản lý, đổi mới công nghệ, thiết bị để từng bước chuyển đổi ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần chấm dứt khai thác các mỏ có trữ lượng thấp và công nghệ lạc hậu.

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST trong công nghệ tuyển, chế biến một số loại khoáng ở Việt Nam như: Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới. Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng…), nên giao cho các doanh nghiệp giấy phép khai thác mỏ có đủ năng lực và công nghệ hiện đại nhằm tận thu nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững. Hạn chế và tiến tới chấm đứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)