Trường Đại học Cần Thơ là một trường đại học đa ngành và có quy mô mô đào tạo lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Lĩnh vực nghiên cứu thế mạnh của Trường là nông nghiệp và thủy sản. Trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ và công nghệ thông tin cũng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, các nghiên cứu mang tính đa ngành cũng cho nhiều kết quả mang tính ứng dụng cao cho vùng. Bên cạnh đó, cũng giống như các đơn vị đào tạo khác, nhiệm vụ của Trường Đại học Cần Thơ là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được chuyển giao thành công cho các địa phương. Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ, nhiều kết quả chuyển giao đã được sử dụng chưa đúng mục đích. Để nâng cao hiệu quả quản lý các kết quả nghiên cứu, Trường Đại học Cần Thơ đã thử nghiệm thành lập mô hình doanh nghiệp spin-off. Việc hình thành doanh nghiệp spin-off đã bước đầu mang lại lợi ích cho Trường Đại học Cần Thơ, góp phần vào việc hội nhập quốc tế cũng như phát triển bền vững.
Thực tế có nhiều mô hình để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tuy nhiên đối với khu vực ĐBSCL thì cần 2 mô hình gồm: liên kết doanh nghiệp - viện/trường - cộng đồng/địa phương; liên kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng và thử nghiệm vào sản xuất.
Từ năm 2019, với Dự án AusforInnovation (A4I), Trường Đại học Cần Thơ đã tham gia và triển khai hợp phần 2: Thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong hợp phần này, hàng trăm giảng viên của Trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH&CN) Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN đã được đào tạo các kiến thức, kỹ năng về thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Kết quả của hợp phần này đã mang lại hiệu quả thiết thực là xây dựng được Sổ tay Hướng dẫn thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Sổ tay này có mục tiêu nâng cao tác động tích cực của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ qua con đường thương mại hóa. Bên cạnh đó, thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), một số trường hợp điển hình về ứng dụng các bước của quy trình thương mại hóa được triển khai thực hiện từ Trường Đại học Cần Thơ cụ thể là: công nghệ cảm biến tự động cho ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản; chế biến tinh dầu cho ngành công nghiệp thực phẩm; hệ thống thông tin giám sát chất lượng nước nhằm theo dõi các chất ô nhiễm và cung cấp cảnh báo cho các ngành sản xuất nông nghiệp và chính quyền địa phương… Đây là tiền đề quan trọng để có thể triển khai thành công các chính sách tạo động lực thương mại hóa tại các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Mô hình hệ thống quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ Blockchain, IoT, viễn thám và AI.
Thành công tiếp theo của việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu là mô hình hệ thống quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain), internet vạn vận (IoT), viễn thám và trí tuệ nhân tạo (AI) đã được xây dựng thành công tại Trường Đại học Cần Thơ. Hệ thống bao gồm 5 thành phần chính: (1) Trung tâm dữ liệu, được xem như là trái tim của hệ thống lưu trữ tất cả các thông tin thu thập được từ 4 hệ thống được liệt kê ở phần tiếp theo, và chia sẻ dữ liệu hữu ích cho các bên liên quan; (2) Hệ thống thu thập thông tin môi trường, được xây dựng dựa trên công nghệ mạng cảm biến, IoT và đa tác tử (hệ thống bao gồm các trạm cảm biến theo dõi môi trường đất, nước, không khí trong canh tác nông nghiệp, trạm cảm biến theo dõi nhiệt độ, ẩm độ sấy, bảo quản sản phẩm nông nghiệp trong kho sau thu hoạch; thiết bị bay không người lái dùng thu thập thông tin phục vụ phòng chống cháy rừng, phát hiện dịch hại trên cây trồng); (3) Hệ thống thông tin ghi sổ nhật ký và truy xuất nguồn gốc, bao gồm phần mềm quản lý quá trình sản xuất, chế biến, phân phối và phần mềm truy xuất các sản phẩm dựa trên công nghệ Blockchain. Hệ thống này đóng vai trò như một sổ cái ghi nhật ký quá trình sản xuất, thu hoạch lưu trữ và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản dựa trên mã QR khi đưa ra thị trường; (4) Hệ thống mạng xã hội kết nối nông dân, chuyên gia, nhà phân phối, nhà cung cấp, đây là công cụ trao đổi giữa các bên liên quan trong quá trình sản xuất, thu hoạch, lưu trữ và đưa sản phẩm đi tiêu thụ, hệ thống giúp người nông dân có thể dễ dàng trao đổi với nhà cung cấp vật tư sản xuất, với chuyên gia nông nghiệp hay các công ty thu mua sản phẩm; và (5) Mô hình mô phỏng hay dự báo tình trạng môi trường, cảnh báo cháy rừng, tình hình dịch bệnh trên cây trồng hay dự đoán năng suất dựa trên các yếu tố môi trường và điều kiện canh tác, hỗ trợ mô phỏng và dự đoán năng xuất lúa dựa trên các tham số đầu vào là điều kiện môi trường, quá trình canh tác, cung cấp cho chuyên gia, nhà quản lý có các thông tin hữu ích để điều chỉnh lại quá trình sản xuất.
Hệ thống trạm quan trắc môi trường phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Có thể khẳng định, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các start-up, chúng ta cần có chính sách tăng cường những hoạt động hỗ trợ kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp spin-off. Qua các hoạt động thực tế về chuyển giao công nghệ thành công ở Trường Đại học Cần Thơ đã chứng minh, việc thương mại hoá một sản phẩm từ kết quả KH&CN không có con đường nào khác ngoài con đường liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách liên quan đến việc xác định quyền sở hữu tài sản trí tuệ giữa nhà trường, nhà khoa học và doanh nghiệp. Muốn thành công, cần phải đảm bảo sự phân chia lợi ích một cách rõ ràng. Điều này sẽ giúp vừa đảm bảo quyền bảo vệ tài sản trí tuệ của các trường đại học, vừa tạo động lực cho nhà khoa học trong việc khai thác quyền sở hữu tài sản trí tuệ để liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, những trung tâm về KH&CN nào đã có khả năng tự chủ thì cần chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN để tạo điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nên ưu tiên mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên KH&CN trong trường, vì đây hình thức cho phép huy động vốn tốt nhất để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp spin-off.