Quan điểm về tăng trưởng xanh
Quan điểm về tăng trưởng xanh đã được nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đề cập tới, như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Uỷ ban Liên hợp quốc về kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Cộng đồng châu Âu (EU). Mỗi quốc gia, mỗi tổ chức có cách hiểu về tăng trưởng xanh khác nhau, nhưng có một quan điểm chung nhất là: Tăng trưởng xanh là phát triển kinh tế trong khi vẫn đảm bảo bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng chống chịu với thảm họa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và chia sẻ thành tựu tăng trưởng đến mọi người dân thông qua bảo vệ môi trường và tạo ra việc làm mới.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 20501 (gọi tắt là Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh) đã xác định: tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam2.
Như vậy, tăng trưởng xanh không hoàn toàn đồng nghĩa với phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh nhấn mạnh đến những hành động cụ thể để giúp đạt được bước tiến vững chắc, có thể định lượng được trong việc giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu kinh tế và môi trường. Xét về nguyên tắc, tăng trưởng xanh được xem là một khía cạnh quan trọng, một bước đi căn bản cho phát triển bền vững hướng tới khôi phục và tái tạo tài nguyên.
Theo OECD (2009), 4 nội dung đánh giá giám sát tăng trưởng xanh bao gồm: hiệu suất tài nguyên và môi trường; nền tảng tài sản thiên nhiên; chất lượng cuộc sống về môi trường; cơ hội kinh tế và phản hồi chính sách. Trong chiến lược tăng trưởng xanh do OECD đưa ra, đã trình bày về bộ chỉ số tương ứng với các nội dung trên. Sau thời điểm đó, rất nhiều quốc gia đã áp dụng bộ chỉ số này của OECD để đánh giá và giám sát tiến trình tăng trưởng và đề xuất bộ chỉ số đánh giá cho quốc gia mình tùy thuộc vào điều kiện riêng.
Tăng trưởng xanh tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu suất và cải tiến công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển dựa trên nền tảng KH&CN, sản xuất xanh và bền vững. Những nội dung này được cụ thể hóa bằng việc tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, tiêu dùng xanh; thay đổi hành vi để sử dụng tiết kiệm hàng hóa, dịch vụ và xây dựng nền kinh tế carbon thấp; hướng các ngành/lĩnh vực theo hướng giảm phát thải khí nhà kính. Theo Quyết định này, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng nhấn mạnh đến nền kinh kế chuyển đổi từ tăng trưởng theo chiều rộng (phụ thuộc vào tài nguyên và lao động đơn giản), sang tăng trưởng theo chiều sâu (tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, nâng cao hơn nữa vai trò của KH&CN).
Các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Để thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững, ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam cũng đã có bộ Chỉ tiêu giám sát phát triển bền vững, quan trọng nhất là Chỉ tiêu GDP xanh được xây dựng dựa trên Khung đo lường tăng trưởng kinh tế xanh của OECD và nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Như vậy, về lý thuyết, trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu đã hình thành sẵn như: GDP xanh, tỷ lệ các đô thị xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn số liệu thống kê vẫn rời rạc, chưa có tính hệ thống để có thể đưa ra những đánh giá tổng quan cho tình hình tăng trưởng kinh tế xanh. Một số khó khăn trong việc phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam bao gồm: 1) Hệ thống chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ, còn có những bất cập và một số vấn đề chưa phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa; 2) Năng lực về KH&CN, cơ sở kỹ thuật hạ tầng còn chưa cao, chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng các nguồn lực; 3) Vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên vẫn trong tình trạng nghiêm trọng, việc sử dụng năng lượng hóa thạch vẫn diễn ra rộng rãi, việc sử dụng năng lượng và công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp; 4) Tăng trưởng xanh mặc dù được nhiều người dân, doanh nghiệp và địa phương quan tâm, nhưng bên cạnh đó, một số người dân, doanh nghiệp vẫn ưu tiên phát triển kinh tế, ít quan tâm đến tăng trưởng xanh.
Một số giải pháp về KH&CN
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững, cần chú trọng liên kết phát triển KH&CN của địa phương với phát triển KH&CN của vùng và khu vực; thay đổi, cải tiến các mô hình tăng trưởng cũ, lỗi thời bằng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với xu thế toàn cầu hướng tới nền kinh tế tăng trưởng xanh; nâng cao hiệu suất, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên năng lượng dựa trên nền tảng KH&CN, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; cụ thể như sau:
Với ngành công nghiệp và năng lượng: Cần giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ tài nguyên và nhiên liệu bằng việc hiện đại hóa công nghệ, tái chế và quay vòng sản phẩm. Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, cần áp dụng các công nghệ carbon thấp, tăng cường việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, sóng biển, gió…) và nhiên liệu sinh học; lồng ghép các chiến lược thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu với chiến lược tăng trưởng xanh trong các cụm ngành kinh tế trọng điểm; mở rộng giao thương và hợp tác quốc tế về cả khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực, phát triển kinh tế đa ngành và chất lượng.
Vận hành hệ thống điện gió giúp giảm thiểu năng lượng hóa thạch.
Với ngành nông nghiệp: Cần phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao song song với việc áp dụng các phương thức canh tác giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; lồng ghép các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu vào dự án cải tiến phương thức canh tác, đa dạng hóa cây trồng, sử dụng các giống chịu hạn, chịu lũ lụt, chịu mặn.
Với ngành lâm nghiệp: Cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý và bảo vệ rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý trong việc xây dựng các phần mềm cảnh báo và truyền tin, giám sát và dự báo suy thoái rừng. Đồng thời, đầu tư xây dựng các mô hình điều tra, đánh giá, kiểm kê rừng theo khu vực và toàn quốc; giám sát công tác trồng mới, bảo vệ và phát triển rừng, mở rộng diện tích rừng để tạo thành bể hấp thụ carbon; bảo vệ và tái tạo diện tích rừng; ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường rừng, bảo vệ diện tích các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển hệ thống quản lý thông tin đối với ngành lâm nghiệp.
Với ngành thủy hải sản: Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống thủy hải sản nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, giảm giá thành và tạo ra giống thủy hải sản sạch bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần phát triển ngành thủy sản theo hướng đồng bộ, bền vững. Đầu tư công nghệ trong việc quản lý, giám sát môi trường vùng nuôi, phòng và trị dịch bệnh trên thủy sản nuôi, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trong việc khắc phục các thiệt hại do sự cố môi trường và thiên tai. Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến ở trình độ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng việc chuyển giao và phát triển công nghệ thu gom, xử lý chất thải ngành thủy/hải sản theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Với lĩnh vực thương mại và dịch vụ: Cần tập trung công nghệ cho việc xây dựng các tuyến giao thông trọng điểm; nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ và đảm bảo được việc kết nối các tỉnh, các vùng, các khu vực, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Phát triển ngành thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng và nâng tầm giá trị các sản phẩm Việt Nam.
*
* *
Tăng trưởng xanh là xu thế phát triển chung của thế giới, là điều kiện tất yếu, cũng như cơ hội để Việt Nam khẳng định mình và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, muốn thực sự phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam cần thiết phải triển khai thực hiện các giải pháp KH&CN thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó, cần sự đồng lòng của toàn dân và các cấp chính quyền trong việc thực hiện cũng như giám sát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện.
1 Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
2 Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. OECD (2011a), Towards Green Growth, A summary for policy makers, 28pp.
2. OECD (2011b), “Cities and Green Growth: A Conceptual Framework”, OECDRegional Development Working Papers 2011/08, OECD Publishing, http://dx.doi.org/10.1787/5kg0tflmzx34-en, accessed 25 August 2023.
3. OECD (2011c), Towards Green Growth: Monitoring Progress, OECD Indicators, 144pp.
4. OECD, 2014, Green Growth Indicators 2014, OECD Green Growth Studies, OECD Publishing, 144pp, DOI: 10.1787/9789264202030-en.
5. Chính phủ (2004), Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg, ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Định hướng Phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam).
6. Chính phủ (2021), Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021, của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
7. Hồ Cộng Hoà (2016), "Xây dựng chỉ số đánh giá thực hiện tăng trưởng xanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp sản xuất", Tạp chí Môi trường, 4, tr.28-29.