Nan giải vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, các lực lượng chức năng của Tổng cục Quản lý thị trường cũng như các lực lượng kiểm tra liên ngành, đa ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời có nhiều biện pháp quản lý, ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh và buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn có những diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đã không dừng lại ở mức độ vụ việc đơn lẻ mà đã trở thành vấn nạn gây bức xúc cho người tiêu dùng, nhất là uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất - kinh doanh chân chính, gây hoang mang xã hội.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do hành vi và thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, nhập lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, nhất là các hình thức kinh doanh trên mạng điện tử. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn đang gặp nhiều khó khăn. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.
Hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế nên hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thấp. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các bên liên quan vẫn chưa đủ mạnh.
Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, trong khi thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an…, gây khó khăn cho công tác xử lý. Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng về việc xử dụng hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng còn rất hạn chế.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phan Thế Thắng - Ban Bảo vệ người tiêu dùng (Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia) cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc tồn tại và phát triển của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến những bất cập trong cơ chế quản lý, do sự vô tình “tiếp tay” của người tiêu dùng. Mặt khác còn có sự ngại động chạm đến vấn đề pháp lý của người tiêu dùng cũng như ý thức tự bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp chưa cao.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhận diện những thách thức cũng như có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác xử lý hàng hóa là hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, vẫn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thực thi pháp luật, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần được trang bị phương tiện để có thể dễ dàng xác định đâu là sản phẩm chính hãng, đâu là hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, tránh việc phải yêu cầu giám định gây tốn kém, tổn thất nhiều thời gian và chi phí cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Nhà sản xuất lựa chọn giải pháp bảo vệ sản phẩm thương hiệu của mình, áp dụng truy xuất nguồn gốc với các tem nhãn không thể làm giả, sao chép. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, từ chối mua hàng vi phạm, đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, các bộ/ngành chức năng có liên quan cần có giải pháp tập huấn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông cần tích cực tuyên truyền, phối hợp cùng các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng tạo nên sự đồng bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sản xuất tiêu dùng bền vững.
Thúy Hà