Thứ năm, 31/08/2023 15:01

NATIF: Đổi mới để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn

Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động theo mô hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tình hình mới. Tạp chí KH&CN Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Ích - Phó Giám đốc Phụ trách Cơ quan điều hành NATIF về những điểm mới trong hoạt động của NATIF và một số vấn đề liên quan tới các hoạt động hỗ trợ của Quỹ dành cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Ích - Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan điều hành NATIF.

Xin ông cho biết những điểm mới trong điều lệ tổ chức và hoạt động của NATIF hiện nay?

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/01/2021 về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của NATIF (thay thế Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 03/07/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, NATIF là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ KH&CN, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. NATIF hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. NATIF có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Mục đích hoạt động của NATIF là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, giải mã công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.

Ông có thể cho biết về nguyên tắc hỗ trợ tài chính và đối tượng phục vụ của NATIF?

Hoạt động hỗ trợ tài chính của NATIF được thực hiện theo 3 nguyên tắc chung: Một là, theo thỏa thuận giữa NATIF với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của NATIF. Hai là, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được nhận hỗ trợ tài chính của NATIF phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật. Ba là, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chỉ được nhận hỗ trợ tài chính của NATIF theo một trong các hình thức: cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho một nhiệm vụ, dự án KH&CN.

Đối tượng phục vụ của NATIF là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Đối với từng loại hình hỗ trợ NATIF sẽ có các nhóm đối tượng cụ thể tương ứng được quy định tại Điều lệ đơn vị.

Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ” do NATIF tổ chức ngày 21/07/2023 tại Nghệ An.

Cụ thể  doanh nghiệp sẽ nhận được những lợi ích gì về vốn và các hỗ trợ khác khi đến với NATIF, thưa ông?

Đến với NATIF chắc chắn các doanh nghiệp đủ yêu cầu sẽ được ưu đãi về vốn vay. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, lãi suất vay chỉ từ 3 đến 6%/năm và cố định trong toàn bộ thời gian vay. Mức cho vay tối đa đối với một doanh nghiệp là 15% vốn điều lệ thực có của NATIF (năm 2023 là 34 tỷ đồng). Thời hạn cho vay có thể lên tới bảy năm. Ngoài ra, NATIF còn có hình thức hỗ trợ vốn (NATIF hỗ trợ theo hình thức tài trợ không hoàn lại vốn thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo 4 mức hỗ trợ tối đa: 30, 50, 70 và 100%. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do Chủ tịch Hội đồng quản lý NATIF quyết định theo đề nghị của Giám đốc Cơ quan điều hành NATIF).

Để được tiếp cận nguồn vốn và các hỗ trợ khác từ NATIF, doanh nghiệp cần phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?

Đối với hình thức cho vay, để được tiếp cận với nguồn vốn, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện sau: (1) Có dự án với mục tiêu, nội dung, sản phẩm đáp ứng mục đích hoạt động theo quy định của NATIF; (2) Dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, được NATIF thẩm định, đánh giá là khả thi, có khả năng hoàn trả nợ vay; (3) Doanh nghiệp được thành lập theo đúng quy định của pháp luật, có đủ nguồn lực để thực hiện dự án và đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư cho dự án; (4) Có khả năng tài chính để trả nợ, đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của NATIF và quy định của pháp luật có liên quan; (5) Tại thời điểm đề nghị vay vốn, doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và nợ thuế một năm trở lên theo quy định của Luật Quản lý thuế. Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

Đối với hoạt động hỗ trợ vốn, doanh nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện sau: (1) Chủ trì thực hiện một trong các nhiệm vụ KH&CN: phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trên cơ sở các công nghệ nguồn và được tích hợp thành các tổ hợp công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia; giải mã công nghệ, làm chủ bí quyết công nghệ có xuất xứ từ các sáng chế; tiếp nhận, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm từ các chương trình KH&CN cấp quốc gia; phát triển các công nghệ mới do các nhóm nghiên cứu trẻ thực hiện và ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới, ứng dụng mới, dịch vụ mới; ứng dụng, phát triển công nghệ mới theo chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm: phục vụ các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm (quy mô ngành, địa phương); đổi mới, hoàn thiện và sáng tạo công nghệ đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, vượt trội để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu; đào tạo cán bộ KH&CN phục vụ chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ; thuê chuyên gia tư vấn kỹ thuật trong nước và quốc tế; nhân rộng, phổ biến, giới thiệu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo... theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; (2) Nội dung nghiên cứu và sản phẩm phục vụ trực tiếp theo yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đáp ứng mục đích hoạt động và đối tượng hỗ trợ vốn của Quỹ; (3) Sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN có khả năng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; (4) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đủ nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Xin cảm ơn ông và chúc cho NATIF sẽ ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào hoạt động KH&CN của doanh nghiệp nói riêng và ngành KH&CN nói chung.

Thực hiện: Anh Trà, Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)