Thứ ba, 15/08/2023 10:15

Thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình

Trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã thực hiện nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”. Nghiên cứu nêu lên bức tranh cụ thể và chi tiết về thị trường xăng dầu Việt Nam cũng như các vấn đề về các loại thuế đánh vào xăng dầu và những nhân tố đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu bán lẻ hiện nay. Nghiên cứu của VESS cũng đưa ra các khuyến nghị về mặt chính sách nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là công bằng đối với người nghèo.

Gánh nặng thuế về xăng dầu đối với người tiêu dùng ngày càng gia tăng

Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Do đó, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình. Tại Việt Nam, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như: giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (từ 8-10%) và bảo vệ môi trường. Chỉ trong vòng 2 tháng (12/04/2022 đến 13/06/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục 6 lần, vượt mức 32.000 đồng/lít (tăng gần 50% so với đầu năm 2022) và vượt đỉnh lịch sử tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít). Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng thuế đối với người tiêu dùng ngày càng gia tăng và tạo sức ép phải giảm bớt gánh nặng này. Tuy nhiên, thuế xăng dầu hiện đang đóng góp một phần quan trọng trong ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế sẽ dẫn tới hao hụt không hề nhỏ, gây ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế khác.

Gánh nặng thuế về xăng dầu đối với người tiêu dùng ngày càng gia tăng.

Báo cáo nghiên cứu của VESS cho biết, cơ chế hiện hành nhằm thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia đang đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp đầu mối, làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp này vì họ phải gánh chịu hoàn toàn các chi phí liên quan. Gánh nặng này cuối cùng được chuyển lên vai người tiêu dùng cuối cùng. Tổng mức dự trữ xăng dầu Việt Nam hiện đang ở mức khiêm tốn (khoảng 65 ngày nhập ròng) là khá thấp so với tiêu chuẩn dữ trữ xăng dầu quốc gia của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) (90 ngày nhập ròng). Mức dự trữ này khó có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có biến động bất ngờ hoặc xảy ra các biến cố trong quan hệ quốc tế.

Về cách thức tính giá cơ sở hiện nay, nghiên cứu của VESS cho thấy có nhiều điểm yếu khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế. Cách tính thuế hoàn toàn theo tỷ lệ (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) hiện nay có thể khiến nguồn thu ngân sách bị động khi giá thế giới giảm đột ngột hoặc khuyếch đại giá trong nước khi giá thế giới tăng mạnh và đột ngột (hiệu ứng gia tốc). Đồng thời cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đang gián tiếp làm giảm tính đa dạng hóa thị trường nhập khẩu xăng dầu, do doanh nghiệp nhập khẩu có xu hướng tập trung mua xăng dầu từ các quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) có mức thuế suất thấp hơn mức thuế nhập khẩu bình quân (Hàn Quốc, Singapore, Malaysia).

Việt Nam có cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu tương đối khác biệt so với một vài quốc gia lớn trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đa phần sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu, đồng thời là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời 2 khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu.

Báo cáo nghiên cứu của VESS cho rằng, mặc dù có giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia... Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng dầu ở mức cao do chi phí cho xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất. Chính sách thuế hiện tại có thể không còn phù hợp với bối cảnh giá xăng dầu thế biến động bất thường như hiện nay.

Dựa trên phân tích về chi tiêu cho xăng dầu của các hộ gia đình tại Việt Nam gia đoạn 2012-2018, nhóm tác giả nhận thấy, các hộ gia đình có thu nhập thấp có xu hướng tăng tiêu dùng cho xăng dầu qua các năm. Đồng thời số hộ sử dụng xăng dầu tăng theo thời gian. Hộ gia đình thu nhập thấp có ít khả năng tiết kiệm chi tiêu xăng dầu hơn hộ gia đình có thu nhập cao bởi vì họ tiêu dùng xăng dầu ở mức cần thiết nên ít bị co dãn về giá đối với mặt hàng này. Các hộ này thường tập trung nhiều hơn ở các vùng kém phát triển kể cả về kinh tế cũng như hạ tầng giao thông hơn, ở nông thôn hay ở miền núi. Chính vì vậy, họ dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự thay đổi giá xăng dầu so với các nhóm thu nhập trung bình, khá và giàu.

Kết quả ước lượng mô hình hai giai đoạn với biến công cụ thể hiện rằng hệ số của biến chính sách log chi tiêu cho xăng dầu bình quân bị âm. Điều này có thể hiểu rằng, nếu chi tiêu cho xăng dầu bình quân của hộ gia đình tăng lên thì phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ sẽ giảm xuống. Hàm ý rằng việc cắt giảm chi tiêu cho xăng dầu sẽ giúp cải thiện phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ gia đình.

Để thấy rõ ảnh hưởng của tiêu thu xăng dầu tới phúc lợi hộ gia đình theo thu nhập, nhóm tác giả tiếp tục ước lượng ảnh hưởng tới phúc lợi phân theo 5 nhóm thu nhập. Dựa trên kết quả ước có thể thấy được, khi tăng chi tiêu cho xăng dầu thì phúc lợi bình quân của hộ gia đình nghèo sẽ giảm và có ý nghĩa thống kê ở mức 10%. Đối với nhóm giàu và nhóm khá xảy ra hiện tượng tương tự. Chi tiêu cho xăng dầu tăng thì phúc lợi hộ gia đình giảm. Chưa có đủ bằng chứng chứng minh ảnh hưởng của tăng chi tiêu xăng dầu lên phúc lợi hộ gia đình của nhóm cận nghèo và nhóm trung bình.

Khuyến nghị chính sách

Dựa trên các phân tích mang tính thể chế và định lượng, nhóm nghiên cứu của VESS đã cho thấy một phần thực trạng của thị trường xăng dầu Việt Nam. Các quy định chặt chẽ góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, sự an toàn trong lao động và kinh doanh. Tuy nhiên các chính sách này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, làm giảm bớt tính cạnh tranh của thị trường, thông qua việc duy trì các rào cản gia nhập thị tường của các doanh nghiệp mới, duy trì lợi ích của các nhóm doanh nghiệp đã tồn tại trong thị trường vì lý do lịch sử. Nguyên lý căn bản mà nhóm tác giả đề xuất là cần cải cách thị trường xăng dầu dựa trên hai định hướng lớn: 1) Tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ…) để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn; 2) Cải cách thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinnh doanh (nhằm giảm điều kiện gia nhập thị trường).

Báo cáo của VESS đề nghị, xác định rõ các thị trường khác nhau (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ…) cần được thiết kế hệ thống động lực và cơ chế vận hành tách biệt nhau, nhằm tăng tính chuyên môn hóa và tính cạnh tranh trong mỗi thị trường. Do thực tế lịch sử có những doanh nghiệp chi phối chuỗi cung ứng trên tất cả các phân đoạn thị trường, nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp đó có thể duy trì hiệu quả trên mọi phân đoạn. Do đó, cần loại bỏ các rào cản gia nhập thị trường cho mỗi phân đoạn, không dùng các điều kiện ràng buộc ở phân đoạn này để cản trở sự tham gia ở phân đoạn khác. Ví dụ, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc doanh nghiệp phân phối thì không nhất thiết phải sở hữu các cửa hàng bán lẻ hoặc bắt buộc phải đã có hợp đồng với các tổng đại lý/đại lý hoặc các nhà phân phối cấp thấp hơn. Hoặc các doanh nhiệp phân phối cấp thấp hơn (hoặc của hàng bán lẻ) có thể nhập xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm tăng tính cạnh tranh của các nhà cung ứng, và đo đó cải thiện chất lượng cung cấp. Nên để quá trình hình thành chuỗi cung ứng diễn ra tự nhiên theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp trên thị trường.

Để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể, bao gồm: (1) nên xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ Xây dựng để tăng tính cạnh tranh cho thị trường; (2) quy rõ trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho các bên tham gia trong thị trường; (3) sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau. Từ đó tạo nên sự cạnh tranh trong giá/chất lượng xăng dầu bán lẻ giữa các doanh nghiệp với nhau, gián tiếp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước.

Chính phủ và các cơ quan ban nghành liên quan cần tính đúng và tính đủ giá xăng dầu cơ sở, đảm bảo cân bằng hài hòa với lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ và Chính phủ. Để thị trường tự vận hành giá xăng dầu dưới sự giám sát của nhà nước có thể giúp tăng tính tự do của thị trường xăng dầu. Chính phủ nên xem xét nghiên cứu hình thành, xây dựng sàn giao dịch cung cấp xăng dầu trong nước để tác động đến giá xăng dầu cốt lõi trong tính giá cơ sở, cũng như giải quyết vấn đề về dự trữ xăng dầu quốc gia. Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia, tách chức năng chính sách khỏi chức năng kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động liên tục như hiện nay, cách tính các khoản thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể không còn phù hợp. Để giảm tỷ trọng thuế xăng dầu trong giá cơ sở cũng như để tránh các khoản thu từ thuế tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới tăng cao khiến giá xăng dầu bán lẻ ở mức cao như năm 2022, nhóm nghiên cứu khuyến nghị: (1) thay đổi cách áp 2 khoản thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng như các quốc gia khác trên thế giới (gộp 2 loại vào 1 hoặc bỏ 1 trong 2); (2) sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức gợi ý là 2.000 đồng/lít. Đồng thời, lưu ý ngay cả các loại thuế tương đối vốn có (như VAT, thuế nhập khẩu), cũng cần cân nhắc một giới hạn tuyệt đối, ví dụ 3.000 đồng/lít. Những mức tuyệt đối này cần được điều chỉnh định kỳ theo điều kiện thị trường và xã hội.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)