“Điểm hẹn” của các nhà khoa học ngành NLNT
VINANST là sự kiện thường niên được tổ chức 2 năm 1 lần do Viện NLNT Việt Nam chủ trì dưới sự đồng ý của Bộ KH&CN từ năm 1996. VINANST được Viện NLNT Việt Nam tổ chức với quy mô lớn và tầm khu vực, đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của các bộ/ngành, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Năm 2023, VINANST-15 có sự tham dự khoảng 70 tổ chức trong và ngoài nước với gần 450 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng NLNT thuộc các tổ chức KH&CN, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ/ngành, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học trong nước và quốc tế.
VINANST-15 đã dành 1 ngày để các nhà khoa học báo cáo tại phiên toàn thể và hơn 1 ngày dành cho 7 tiểu ban chuyên môn tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ lò phản ứng, công nghệ nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề an toàn phản ứng, nhà máy điện hạt nhân; vật lý hạt nhân cơ bản, các số liệu hạt nhân, các công nghệ máy gia tốc cùng các kỹ thuật hạt nhân liên quan; ghi nhận bức xạ và môi trường ở Việt Nam, mạng quan trắc phóng xạ và cảnh báo quốc gia; ứng dụng của công nghệ bức xạ trong đời sống xã hội; hóa phóng xạ và ứng dụng của hóa phóng xạ trong đời sống, công nghệ xử lý quặng và quản lý chất thải phóng xạ.
Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng NLNT vào thực tiễn
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, VINANST là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình. Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực NLNT của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó tiêu biểu là các thành tựu trong việc nâng cao tiềm lực KH&CN hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ. Trong thời gian tới, ngành NLNT Việt Nam cần tập trung triển khai các giải pháp nhằm tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, việc trao đổi kết quả và hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng NLNT có vai trò rất quan trọng. Bộ trưởng đề nghị các nhà khoa học cùng chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhằm xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này. Bộ trưởng mong các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực NLNT phía Việt Nam cần tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực NLNT, góp phần thiết thực ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình của Viêt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng phát biểu tại Hội nghị.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của NLNT cho phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có vị trí địa lý mang tính kết nối trong nước và quốc tế rộng lớn. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/06/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/03/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị; Khánh Hòa đang nỗ lực phấn đấu phát huy nội lực, thu hút nguồn lực trong nước, quốc tế để hiện thực hóa khát vọng phát triển địa phương, từng bước đưa Khánh Hòa ngày càng trở nên giàu mạnh, văn minh, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; trong đó, trọng tâm là kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ đến với Khánh Hòa.
Ông Lê Hữu Hoàng thông tin thêm, Khánh Hòa hiện có 24 thiết bị chứa nguồn phóng xạ (kín) được ứng dụng trong kiểm soát dây chuyền sản xuất, trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, trong kiểm tra an ninh sân bay; 38 thiết bị phát tia X ứng dụng trong soi chiếu hành lý tại cảng Hàng không Cam Ranh và có khoảng 160 thiết bị X quang chẩn đoán trong y tế (như thiết bị chụp cắt lớp vi tính CT scanner; hệ thống chụp mạch xóa nền DSA; thiết bị Xquang C-Arm và các loại thiết bị X-quang y tế khác) được sử dụng tại các bệnh viện, trung tâm y tế và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Để đảm bảo an toàn và an ninh trong lĩnh vực NLNT, Khánh Hòa cam kết sẽ chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở ứng dụng NLNT thực hiện tốt công tác quản lý đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ, an toàn bức xạ đúng theo quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục duy trì công tác truyền thông; liên tục cập nhật kiến thức về công nghệ hạt nhân và tìm kiếm cơ hội ứng dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã trao đổi các kết quả nghiên cứu hiện tại và định hướng đẩy nghiên cứu và ứng NLNT vào thực tiễn; đồng thời gợi mở các triển vọng hợp tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng NLNT của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có lĩnh vực ưu tiên là ứng dụng thành tựu của NLNT vì mục đích hòa bình vào phát triển kinh tế - xã hội.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
Nguyễn Thị Thu Hà - Ninh Xuân Diện