Thứ ba, 08/08/2023 16:30

Động lực nào cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp miền Trung và Tây Nguyên

Mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại học Huế tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp (KN) miền Trung và Tây Nguyên. Diễn đàn nhằm tìm kiếm động lực, hoạch định chính sách, xây dựng môi trường thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái ĐMST&KN khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ban tổ chức cho biết, Diễn đàn nhằm tìm kiếm động lực, hoạch định chính sách, xây dựng môi trường thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái ĐMST&KN khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cụ thể, tập trung vào các vấn đề sau: (i) Nhận diện hiện trạng hệ sinh thái ĐMST&KN các địa phương, trường đại học cũng như khu vực miền Trung và Tây Nguyên; (ii) Đánh giá vai trò của trường đại học trong hoạt động giáo dục và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực cho ĐMST&KN, nhận diện những điểm nghẽn/rào cản trong hoạt động của của các đơn vị; (iii) Đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối nguồn lực ĐMST&KN khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vai trò của các bên liên quan; (iv) Tiêu chí đo lường và đánh giá hiệu quả các hoạt động ĐMST&KN trong các trường đại học, cao đẳng và các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn (ảnh: NIC).

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông - lâm nghiệp bền vững. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, xác định mục tiêu phát triển miền Trung và Tây nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Để thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Thứ trưởng Trần Duy Đông lưu ý các tỉnh miền Trung và Tây nguyên cần xác định, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chia sẻ, với sự chủ động và xác định con đường đi phù hợp cho mình, năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu “Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái KN” và danh hiệu “Thành phố hấp dẫn KNĐMST” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh và trao tặng năm 2022. Theo Chủ tịch Nguyễn Văn Phương, Đại học Huế nói chung và Trung tâm KN và ĐMST, Đại học Huế nói riêng đã đóng góp một phần thành công trong việc đào tạo, ươm mầm, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Chia sẻ về hoạt động ĐMST&KN của Đại học Huế, Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương cho biết, tháng 1/2018, Đại học Huế thực hiện hoạt động kick off đầu tiên về KNĐMST và tháng 7/2018 thành lập Trung tâm KN và ĐMST (CEI), đồng thời thành lập Hội đồng cố vấn về KN và ĐMST tại Đại học Huế. Kể từ khi được thành lập, CEI đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm truyền thông về KNĐMST, cũng như tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn về KNĐMST cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, CEI cũng tổ chức nhiều cuộc thi khuyến khích và phát triển các ý tưởng KNĐMST; ươm tạo nhiều dự án KN và doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, Đại học Huế đã ban hành Nghị quyết về phát triển hệ sịnh thái KN và ĐMST giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030. Có thể nói, Đại học Huế đã rất tích cực trong các hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST không chỉ trong nội bộ các đơn vị thành viên mà còn lan toả sang nhiều trường đại học và cao đẳng trong khu vực.

Để khuyến khích và xây dựng tinh thần KN của Việt Nam từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của khu vực và thế giới thì rất cần thiết có những trao đổi và chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành; các cơ quan trung ương, địa phương và các bên liên quan khác về các cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy hoạt động này. Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc NIC cho biết, Việt Nam đã ban hành khá nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến ĐMST&KN, ví dụ như Nghị quyết 52-NQ/TW nói rất rõ về vai trò của ĐMST; Nghị định số 94/2020/NĐ-CP dành riêng cho các chính sách ưu đãi đối với NIC… Bên cạnh các mặt tích cực của các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ các hoạt động ĐMST&KN, Ông Thịnh cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế như: các nút thắt về điều kiện kinh doanh vẫn chậm được cải tiến, thiếu sự đồng bộ với quy hoạch; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy ĐMST trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi (lĩnh vực kinh doanh, công nghệ) như cho vay ngang hàng, sàn giao dịch tín chỉ các bon…; thiếu hoặc cơ chế, chính sách chưa phù hợp để phát triển hệ sinh thái ĐMST, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích huy động nguồn lực cho ĐMST như: quỹ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng… Để khắc phục được những tồn tại nêu trên, Phó Giám đốc NIC đề nghị cần tháo nhanh các nút thắt về điều kiện kinh doanh; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy ĐMST trong một số lĩnh vực quan trọng, mới nổi; bổ sung các giải pháp khuyến khích huy động nguồn lực cho ĐMST; đẩy mạnh huy động nguồn vốn của các dự án hỗ trợ ODA, xây dựng chương trình, dự án lớn dài hạn, có trọng điểm sử dụng ngân sách nhà nước để tài trợ, hỗ trợ cho các trung tâm ĐMST và KN; doanh nghiệp, startups, nhân tài…

Các đại biểu tham dự Diễn đàn (ảnh: NIC).

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, với vai trò là đơn vị đồng hành, kết nối và lan toả, NIC đã giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường để ký kết thoả thuận hợp tác với các trường thành viên của Mạng lưới KN và ĐMST các trường đại học và cao đẳng khu vực miền Trung và Tây nguyên (UEINI). Theo đó, Navigos Search - một trong hai thương hiệu nổi tiếng của Tập đoàn Navigos đã ký thoả thuận với Mạng lưới UEINI cam kết hỗ trợ các trường thành viên trong việc kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, hỗ trợ nâng cao năng lực và kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động biến đổi không ngừng và ngày càng đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đồng thời, Công ty TNHH Phát triển Giáo dục và Công nghệ I&E Việt Nam cũng ký thoả thuận hợp tác với Mạng lưới UEINI, cam kết tài trợ các trường thành viên trong việc thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, bao gồm triển khai một hoặc nhiều sản phẩm thuộc các phân hệ sản phẩm công nghệ như: Hệ thống phần mềm quản lý hoạt động ĐMST&KN, Hệ thống phần mềm khảo thí, Hệ thống phần mềm quản lý công tác sinh viên và kết nối cựu sinh viên…

Lê Huyền Trang

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)