Thứ năm, 03/08/2023 13:12

Thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 31/07/2023). Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: khoa học và công nghệ (KH&CN); giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...

Gắn với phục vụ, đáp ứng các chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh

Một số mục tiêu cụ thể đã được Chiến lược đề cập như: năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới; xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật và ban hành khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế; KH&CN; giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, nghệ thuật; khoa học xã hội; thể dục, thể thao; quân sự, quốc phòng và an ninh quốc gia; thông tin và truyền thông..., góp phần thực hiện các khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo lập môi trường văn hóa xã hội lành mạnh, bảo đảm việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội.

Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội năm 2022 (ảnh: Minh Đức/TTXVN).

Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, Chiến lược đưa ra một số mục tiêu: 1) Duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm; 2) Tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực KH&CN đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050; 3) Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) từ năm 2031 trở đi luôn được cải thiện, phấn đấu tăng dần so với năm trước; các chỉ số về “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” xếp hạng cao trong số các quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Việc thực hiện Chiến lược phải gắn với phục vụ, đáp ứng các chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và các chiến lược khác có liên quan. Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được thực hiện qua đánh giá, tiến cử, tự tiến cử gắn với thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức; tuân thủ đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài trên tất cả các ngành, lĩnh vực; ưu tiên tập trung vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, các khâu đột phá chiến lược, đặc biệt là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giáo dục và đào tạo, y tế; văn hóa; khoa học xã hội, công nghệ thông tin và chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng. Từ đó, tạo ra động lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, người giới thiệu, tiến cử nhân tài; chú trọng nguyên tắc công khai, minh bạch trong tiến cử, tự tiến cử, lựa chọn, công nhận nhân tài. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phát hiện, tiến cử và thực hiện chính sách đối với nhân tài; có chính sách khen thưởng, tôn vinh và xử lý nghiêm các vi phạm chính sách nhân tài.

Giải pháp nào cho Chiến lược

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Chiến lược đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế…

Đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ của lực lượng vũ trang và toàn xã hội về vị trí, vai trò, cống hiến và đóng góp to lớn của nhân tài; về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương và đất nước.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bầu cử đối với nhân tài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, không phụ thuộc vào thâm niên, thời gian công tác, bằng cấp, vùng miền, độ tuổi. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Nhà ở; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quốc tịch; Luật Phòng, chống tham nhũng và một số luật khác có liên quan. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài. Ban hành khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đối với các lĩnh vực.

Khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài. Việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào 4 nhóm: Học sinh, sinh viên có thành tích học tập; những người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ; những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.

Nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài. Phát triển mạnh một vài đại học điểm của Việt Nam thành trường hàng đầu khu vực. Tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học xã hội và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, Chiến lược cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp khác như: nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế về nhân tài; xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chính sách nhân tài và xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm chính sách nhân tài; thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thu hút và trọng dụng nhân tài; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tập hợp, vận động nhân tài ở trong nước và ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước.

VVH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)