Ứng phó với BĐKH nhận được sự quan tâm của toàn xã hội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 cho biết, Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 là một đề án lớn, có phạm vi rất rộng, bao trùm cả 3 nội dung lớn là ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT. Bên cạnh việc trao đổi, thảo luận, góp ý cho kết quả tổng kết, đánh giá 10 năm, Hội thảo còn là cơ hội để chúng ta cho ý kiến, đề xuất về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 hoặc ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương với quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ trong giai đoạn đến 2030.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 cho biết, quá trình tổng kết Nghị quyết đã được triển khai sâu, rộng từ các Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương đến các Tỉnh ủy, Thành ủy ở các địa phương. Dự thảo Báo cáo Đề án được tổng hợp từ: các báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 của 31/31 Đảng đoàn, Ban cán sự đảng các Ban đảng, Bộ ngành, cơ quan Trung ương và 61/63 Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương và kết quả tham vấn các bên liên quan. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT đã được quan tâm, chú trọng hơn; Đảng ta đã tiếp tục ban hành 6 Nghị quyết có liên quan. Môi trường được coi là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thể chế, chính sách được hoàn thiện thêm một bước với những tư duy mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng của thời đại. Ứng phó với BĐKH nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, các bon thấp. Tài nguyên được điều tra, đánh giá, quản lý bền vững hơn, được phân bổ theo tín hiệu thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác. Tư duy về BVMT được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa, tạo lập điều kiện để phát triển.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của UNDP khẳng định, năm nay đánh dấu nửa chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDG. Nhìn lại, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong thực hiện các mục tiêu này, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến nghèo đói, giáo dục, nước sạch, cơ sở hạ tầng, bất bình đẳng và quan hệ đối tác. Tuy nhiên, theo báo cáo Đánh giá quốc gia tự quyết định của Việt Nam về thực hiện SDGs được trình bày tại New York vào tháng trước, Việt Nam cần đẩy nhanh nỗ lực để đạt được một số SDG vào năm 2030, đặc biệt là về các thành phố và cộng đồng bền vững, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, hành động khí hậu, tài nguyên và môi trường dưới nước và trên đất liền.
Về BĐKH, bà Ramla Khalidi cho rằng, Việt Nam đã thành công trong việc sắp xếp thể chế đảm bảo cách tiếp cận toàn diện của Chính phủ. Việt Nam đã tích cực hợp tác toàn cầu để thực hiện Thỏa thuận Paris. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Và gần đây nhất, Tuyên bố chính trị của Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế vào tháng 12/2022 đã tạo cơ sở cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Việt Nam đã quyết tâm theo đuổi con đường xanh và số hóa vì sự thịnh vượng kinh tế và bền vững môi trường. Ví dụ, tiềm năng của đất nước hướng đến nền kinh tế đại dương hưng thịnh là rất lớn nhờ đường bờ biển dài 3.200 km. Báo cáo năm 2022 của UNDP và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chứng minh các kịch bản kinh tế xanh có thể làm tăng GDP của các ngành kinh tế biển của Việt Nam thêm 34% (tương đương 23,5 tỷ USD vào năm 2030).
Thách thức và nỗ lực trọng tâm
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, nhưng thiệt hại do thiên tai vẫn còn lớn, diễn biến và các tác động của BĐKH ngày càng gia tăng; việc khai thác tài nguyên vẫn còn chưa thực sự bền vững, việc sử dụng năng lượng chưa thật tiết kiệm, hiệu quả; cường độ sử dụng tài nguyên, năng lượng còn ở mức cao so với thế giới; xu hướng ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn, suy thoái đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn.
Theo bà Ramla Khalidi, chúng ta đang cùng lúc đối mặt với 3 thảm họa với 3 thách thức có tính liên quan lẫn nhau là BĐKH, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. BĐKH đang diễn ra thậm chí còn nhanh hơn dự đoán của các nhà khoa học. 2 tháng qua là 2 tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động thảm khốc của BĐKH và kêu gọi ngay lập tức và hành động mạnh mẽ để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của BĐKH.
Nhận định về mô hình kinh tế tuần hoàn, bà Ramla Khalidi cho rằng, mô hình kinh tế tuyến tính khai thác - sản xuất - vứt bỏ sau tiêu thụ đã gây áp lực ngày càng tăng lên các hệ sinh thái và nguồn lực tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta có khả năng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, giúp tạo ra thêm 4,5 nghìn tỷ USD cho nhân loại vào năm 2030. Các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn được thông qua trong Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có tính dẫn đường. UNDP đã cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào Luật BVMT và hiện đang hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn sẽ được đệ trình trong những tháng tới.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 khẳng định, từ khi Nghị quyết ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Do đó, những vấn đề đối với việc thực hiện Nghị quyết 24 trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần được xem xét, cập nhật để đáp ứng các vấn đề đang nổi lên và xác định được các nhóm giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết quan trọng này.
Đóng góp ý kiến về những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới, bà Ramla Khalidi nêu ra 3 lĩnh vực chính cần tập trung nỗ lực đến năm 2030:
Thứ nhất, chuyển đổi năng lượng công bằng là một bước cơ bản để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, với tác động lên cả 3 lĩnh vực BĐKH, an ninh năng lượng và phúc lợi xã hội. UNDP cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để đưa ra một khuôn khổ pháp lý thuận lợi và một kế hoạch đầu tư khả thi.
Thứ hai, hoàn thiện khung thể chế và pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ra các giải pháp và nguồn lực đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy vai trò và đóng góp của thanh niên Việt Nam, vì họ là những nhà lãnh đạo sẽ xử lý khủng hoảng khí hậu trong tương lai. UNDP đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xác định và thúc đẩy các cơ hội thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và thanh niên về BĐKH và BVMT ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, đại diện một số bộ/ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đã cho ý kiến về tình hình triển khai Nghị quyết 24 và đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới. Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 hội thảo tham vấn Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 tại khu vực miền Trung và miền Nam trong thời gian tới.
Vũ Hưng