Thứ sáu, 11/08/2023 18:15

Tham vấn dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

Ngày 11/8/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Hội thảo thu hút hơn 200 đại diện các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, đối tác phát triển, khu vực tư nhân, viện nghiên cứu, trường đại học, đại diện nhóm thanh niên, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông.

Một số vấn đề trọng tâm cần tham vấn

Việt Nam là nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia thông qua Tuyên bố JETP với các nước trong và ngoài G7. Thực hiện Tuyên bố JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư vào chuyển đổi và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, củng cố hạ tầng lưới điện, giáo dục và đào tạo nghề, huy động tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo, lưu trữ, cất trữ và sử dụng các bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh và amoniac xanh, phát triển điện gió ngoài khơi…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, tuyên bố JETP đã được thông qua ngày 14/12/2022. Đây là nỗ lực chung của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy sau hơn 1 năm đàm phán. Thông qua JETP, Việt Nam mong muốn sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng các bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.

Thứ trưởng mong muốn các đại biểu sẽ tập trung cho ý kiến về một số vấn đề:

Thứ nhất, cấu trúc và nội dung để bảo đảm Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JEPT (RMP) bám sát nội dung Tuyên bố JETP; xây dựng lộ trình, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển kinh tế các bon thấp hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thứ hai, tiêu chí khung lựa chọn các dự án, hoạt động chuyển đổi năng lượng công bằng để đưa vào Kế hoạch huy động nguồn lực; việc huy động tài chính cho JETP; các hành động chính sách tăng cường đầu tư chuyển đổi năng lượng; triển khai và quản trị Tuyên bố JETP.

Thứ ba, đề xuất các dự án đưa vào Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Các dự án này cần phù hợp với bộ tiêu chí khung giúp Việt Nam triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, phù hợp với ưu tiên của Việt Nam, của các đối tác, đảm bảo tính khả thi về công nghệ, nguồn lực thực hiện và có thể triển khai được ngay; ưu tiên các dự án mang tính đột phá, có tác động lan tỏa thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

10 nhóm nhiệm vụ quan trọng

Các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó có 7,75 tỷ USD do IPG huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế. Số tiền cho giai đoạn sau có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế. Cả IPG và GFANZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xác định các cơ hội triển khai tài chính một cách nhanh chóng.

Để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP, trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện. Dự thảo Đề án đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện gồm: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; (4) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; (7) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8) Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; (9) Truyền thông, nâng cao nhận thức; và (10) Thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Iain Frew nói: “IPG rất vui mừng được bước vào giai đoạn tiếp theo của việc thực hiện JETP với việc chuẩn bị cho RMP hiện đang được tiến hành một cách toàn diện. RMP là cơ hội để vạch ra con đường hiện thực hóa tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng công bằng, giúp thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng và năng lực cạnh tranh”.

Ông Thomas Wiersing - Đại biện lâm thời của Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định, IPG tại Hà Nội và các thủ đô khác sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các bộ chủ chốt của Việt Nam, cũng như với xã hội nói chung, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, các nhóm nghiên cứu… để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Bà Ramla Khalidi - Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã nêu lên vai trò quan trọng của việc duy trì tập trung vào các yếu tố “công bằng” của quá trình chuyển dịch năng lượng. Điều này liên quan đến sự hỗ trợ thiết yếu và bảo vệ người lao động và các nhóm dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng khác, đảm bảo năng lượng có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, duy trì và phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo ra việc làm xanh và bền vững cho phụ nữ và nam giới. Để đạt được mục tiêu này thì sự tham gia của các bộ chủ chốt có vai trò rất quan trọng. Đối thoại toàn diện, tích cực tham gia và tham vấn với những người bị ảnh hưởng và cộng đồng địa phương cũng có vai trò thiết yếu.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)