Từ thực trạng vấn nạn ô nhiễm không khí
Nhiều chuyên gia cho rằng, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội ngày càng tăng ở mức đáng lo ngại. Mật độ các phương tiện giao thông ngày càng nhiều đã tác động trực tiếp đến môi trường sống và sức khoẻ cộng đồng. Theo thống kê, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội từ hoạt động giao thông vận tải. Bên cạnh đó, vấn đề kẹt xe do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh cũng càng ngày trở nên trầm trọng. Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu người với gần 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Vì vậy, rất khó để hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí. Nhiều chuyên gia dự báo đến năm 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 2 triệu ô tô và 7,5 triệu xe gắn máy, trong khi quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư cho mở rộng đường, xây đường mới rất eo hẹp.
Như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội sẽ ngày càng nghiêm trọng. Chính vì vậy, một trong những giải pháp căn bản để Hà Nội giải quyết bài toán ùn tắc giao thông là tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người dân. Hà Nội cũng đang phấn đấu đến năm 2030, ở khu vực nội đô, 80% người dân khi dừng xe gắn máy có thể tiếp cận các điểm dừng phương tiện công cộng với quãng đường dưới 500 m; 20% còn lại, người dân có thể phải đi bộ dài hơn, hoặc đi bằng xe đạp, nhưng không quá 1 km.
Đến giải pháp xanh cho giao thông đô thị
Theo ông Đào Xuân Lai - Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và môi trường (UNDP tại Việt Nam), khí nhà kính và hiệu ứng khí nhà kính đã làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây biến đổi khí hậu trầm trọng trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay, các quốc gia trên toàn cầu đều rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, suy giảm hệ sinh thái. Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính. Việc đề ra những giải pháp giảm phát thải trong giao thông là rất cần thiết. Ở Việt Nam, Chính phủ và các bộ/ngành từ trung ương đến địa phương đều đã có định hướng, cam kết và kế hoạch trong chiến lược phát triển giao thông xanh. Ông Đào Xuân Lai cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các loại hình vận tải công cộng “xanh”, thân thiện với môi trường… thì phát triển xe đạp, xe máy điện cũng là một trong những giải pháp hay để góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông đô thị. Điều quan trọng là cần phải thay đổi nhận thức, từ việc sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng có trách nhiệm hơn. Để làm được điều đó, Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình truyền thông, có chính sách khuyến khích để khối tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển hạ tầng…, từ đó hình thành thị trường phương tiện giao thông công cộng hiện đại.
Chia sẻ tại hội nghị, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, mô hình xe máy, xe đạp điện chia sẻ đã và đang được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và phát huy hiệu quả trong việc cải thiện môi trường và thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân. Tại Việt Nam, mô hình này hiện đã và đang được áp dụng tại một số thành phố như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Năm 2022, Hà Nội đã thực hiện chương trình thí điểm mô hình xe điện hai bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng, tuyến BRT Văn Khê - Trung tâm Thương mại AEON Mall Hà Đông. Chương trình này do Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện từ 28/11/2022 đến 28/05/2023 với sự tài trợ kinh phí của Uỷ ban châu Âu. Chương trình đã góp phần đưa hình ảnh về một mô hình giao thông mới cho bức tranh giao thông của TP Hà Nội, góp phần thực hiện các mục tiêu của Hà Nội trong việc gia tăng khả năng kết nối người dân với phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội.
Ông Phan Anh - Phó Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, để giải quyết những vấn đề nổi cộm trong giao thông, TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ. Trong đó, có giải pháp quan tâm xây dựng hệ thống vận tải hành khách đa phương thức, trước mắt là hệ thống xe buýt và đường sắt trên cao hiện đại. Tuy nhiên, việc xem xét các phương tiện xe đạp công cộng, các loại hình vận tải nhỏ để kết nối giữa các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn để nâng cao hiệu quả của hệ thống vận tải hành khách công cộng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 có nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát triển hệ thống giao thông công cộng; xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để khuyến khích các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường. Để làm được điều đó, giải pháp đặt ra là chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; mở rộng, phát triển giao thông phi cơ giới; phát triển hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh, phát thải các bon thấp…
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh phát triển xe đạp điện, xe máy điện thì các chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ của các bộ phận, công nghệ của cơ sở hạ tầng liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện là yếu tố quan trọng để khuyến khích người dân thay đổi nhận thức về sử dụng các phương tiện vận tải bằng điện. Theo đó, Việt Nam cần đồng bộ hóa về công nghệ trạm sạc, mức độ kỹ thuật tổng thể của xe, công nghệ pin cũng như hạ tầng công nghệ để kết nối các phương tiện…
Tùng - Vũ