Thứ tư, 06/09/2023 16:12

Huy động vốn từ cộng đồng để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

“Huy động vốn từ cộng đồng (HĐVTCĐ) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST): Các khuyến nghị chính sách” là báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ kinh phí. Báo cáo do Trung tâm ĐMST Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu và thực hiện. Thông qua phỏng vấn sâu các nền tảng HĐVTCĐ đã và đang hoạt động tại Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp ĐMST/một số quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, Báo cáo đã rút ra những nhận định về thực tiễn HĐVTCĐ tại Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị về vấn đề này*.

Nhận định về thực tiễn HĐVTCĐ tại Việt Nam

Kết quả phỏng vấn sâu với 3 nền tảng HĐVTCĐ đã và/hoặc đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy những nội dung đáng lưu ý nhất định về thực tiễn HĐVTCĐ tại Việt Nam hiện nay, cụ thể như sau:

Thứ nhất, HĐVTCĐ đã và đang tồn tại Việt Nam. Thực tế này chứng minh nhu cầu và tiềm năng của thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường HĐVTCĐ mới trong giai đoạn sơ khai và chưa thể/chưa "dám" phát triển mạnh do chưa có khung pháp lý quy định về HĐVTCĐ. Bản thân một số nền tảng cũng đang tự hạn chế tiềm năng của chính mình vì lo ngại vi phạm các quy định cấm của pháp luật hiện hành.

HĐVTCĐ đã và đang tồn tại ở Việt Nam.

Thứ hai, HĐVTCĐ tại Việt Nam khá đa dạng về phương thức, đã có các nền tảng áp dụng các phương thức HĐVTCĐ mang tính phức tạp và chuyên nghiệp hơn. Đội ngũ sáng lập các nền tảng đều là những người rất tâm huyết với sứ mệnh của nền tảng và đều có năng lực chuyên môn cao để có thể đánh giá, hỗ trợ được các dự án có nhu cầu HĐVTCĐ.

Thứ ba, các nền tảng HĐVTCĐ trong phạm vi nghiên cứu có những đặc thù nhất định về phạm vi dự án HĐVTCĐ. Bên cạnh những nền tảng gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp, ĐMST nói chung, cũng có cả nền tảng gọi vốn cho các dự án trong lĩnh vực văn hoá, lịch sử, nghệ thuật. Điều này chứng minh được tính đa dạng của các dự án có nhu cầu huy động vốn trên thị trường và khả năng áp dụng đa ngành của HĐVTCĐ, không chỉ bó hẹp trong các dự án khởi nghiệp hay ĐMST.

Thứ tư, các nền tảng đang hoạt động đều gặp khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý và đều có mong muốn sớm có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động HĐVTCĐ để các nền tảng có thể hoạt động hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Trong khi đó, nền tảng đã ngừng hoạt động cho thấy: sự cần thiết của việc thử nghiệm mô hình kinh doanh của các nền tảng để xác định nhu cầu và tiềm năng của thị trường trước khi có quy định cụ thể.

Thứ năm, tất cả các nền tảng trong phạm vi nghiên cứu đều nhấn mạnh tới việc cần nâng cao nhận thức cộng đồng về HĐVTCĐ, thay đổi tâm lý đầu tư, xây dựng văn hoá hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam. Nếu không làm được điều này thì các dự án, nền tảng HĐVTCĐ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, việc thực thi các quy định pháp luật về HĐVTCĐ sau khi ban hành cũng sẽ không được thuận lợi.

Bên cạnh việc phỏng vấn các nền tảng HĐVTCĐ, để có thêm góc nhìn đa chiều về thực tiễn, nhu cầu, sự phù hợp cũng như thách thức của việc áp dụng HĐVTCĐ tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn thêm đại diện một doanh nghiệp ĐMST và một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Tổng hợp kết quả phỏng vấn này cho thấy một số quan điểm giống và khác so với quan điểm của các nền tảng HĐVTCĐ, trong đó có một số nội dung đáng lưu ý như sau:

Một là, theo quan điểm của doanh nghiệp ĐMST, HĐVTCĐ không chỉ là công cụ huy động vốn hữu ích mà còn rất có ý nghĩa trong việc giúp xác minh ý tưởng về sản phẩm và quảng bá sản phẩm. Thực tiễn HĐVTCĐ ở một số quốc gia cho thấy có những trường hợp doanh nghiệp tổ chức một “chiến dịch” HĐVTCĐ nhằm mục tiêu xác minh ý tưởng sản phẩm và/hoặc quảng bá sản phẩm với ngân sách còn lớn hơn so với số tiền doanh nghiệp dự kiến huy động được. Đặc biệt, HĐVTCĐ giúp doanh nghiệp chứng minh được tiềm năng của dự án, sản phẩm hoặc chính bản thân doanh nghiệp trước các nhà đầu tư/quỹ đầu tư bởi số liệu trên các nền tảng HĐVTCĐ khá minh bạch và được các nhà đầu tư/quỹ đầu tư tin tưởng, từ đó doanh nghiệp có thể tiếp cận được với các nguồn vốn đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư/quỹ đầu tư này.

Hai là, quan điểm về tiềm năng của thị trường liên quan tới số lượng các dự án ĐMST có sự khác biệt. Trong khi đại diện của doanh nghiệp ĐMST cho biết, không có nhiều dự án ĐMST liên quan đến công nghệ và số lượng startup (có nhu cầu về HĐVTCĐ) không nhiều thì đại diện của một quỹ đầu tư mạo hiểm lại cho rằng tiềm năng của thị trường Việt Nam là rất lớn. Quan điểm này xuất phát từ số lượng dự án mà quỹ này nhận được hàng năm. Ví dụ ngay trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, quỹ này vẫn tiếp nhận 400 đến 500 hồ sơ, trong đó có một nửa (khoảng 250 hồ sơ) có chất lượng tương đối. Đại diện của quỹ đầu tư mạo hiểm cho rằng, ở Việt Nam có nhiều dự án tốt nhưng quan trọng là chủ sở hữu của nền tảng HĐVTCĐ phải có uy tín đối với cộng đồng doanh nghiệp ĐMST, có năng lực để phát hiện những dự án tiềm năng thì mới có thể hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, từ đó tăng số lượng doanh nghiệp HĐVTCĐ qua nền tảng. Trong khi đó, theo thông tin từ quỹ đầu tư mạo hiểm và một số nguồn khác, startup của Việt Nam đang thành lập ở Singapore khá nhiều. Thực tế này đặt ra câu hỏi về Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam cần có chính sách, biện pháp để thu hút được các dự án, doanh nghiệp ĐMST thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Ba là, vấn đề văn hoá đầu tư cũng được các đại diện của doanh nghiệp và quỹ đầu tư đề cập. Đại diện doanh nghiệp ĐMST cùng quan điểm với đại diện đến từ các nền tảng cho rằng, văn hoá người dùng ở Việt Nam rất khác so với các nước phát triển và chưa thực sự mang tính hỗ trợ cho các dự án ĐMST, chưa kể tới rào cản về thanh toán trực tuyến khi số lượng người dân lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt còn ít so với thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi đó, đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm cho biết, tại Việt Nam hiện nay, xu hướng đầu tư cá nhân cho ĐMST ngày càng tăng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và nền tảng HĐVTCĐ cần xác định đúng đối tượng có khả năng đầu tư/hỗ trợ vốn cho dự án để nâng cao khả năng HĐVTCĐ thành công.

Bốn là, doanh nghiệp ĐMST cho thấy một "biến thể" khác của HĐVTCĐ theo phương thức đổi quà/phần thưởng khi doanh nghiệp HĐVTCĐ thực tế đã có sẵn sản phẩm trước khi HĐVTCĐ (khác với việc HĐVTCĐ để có vốn sản xuất sản phẩm như các trường hợp thông thường). Khi đó, hoạt động của doanh nghiệp HĐVTCĐ sẽ mang tính chất giống với mua bán hàng hoá thông thường (thanh toán trước, trả hàng sau) và hoạt động của nền tảng HĐVTCĐ trong trường hợp này có điểm giống với sàn thương mại điện tử thông thường. Điều này cho thấy sự đa dạng trong thực tiễn HĐVTCĐ trên thế giới và đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu về từng phương thức HĐVTCĐ trước khi quyết định áp dụng tại Việt Nam.

Năm là, các đại diện doanh nghiệp ĐMST và quỹ đầu tư mạo hiểm đều mong muốn có cơ chế hỗ trợ HĐVTCĐ tại Việt Nam để thúc đẩy hoạt động ĐMST, như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng khi thực hiện hoạt động HĐVTCĐ (ví dụ ưu đãi thuế giá trị gia tăng với sản phẩm HĐVTCĐ, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các khoản doanh thu huy động được qua các nền tảng HĐVTCĐ). HĐVTCĐ có lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả Nhà nước, nhưng cần có các chính sách, biện pháp được pháp luật quy định để giúp hạn chế các rủi ro phát sinh liên quan tới việc đầu tư.

Sáu là, việc quản lý các nền tảng HĐVTCĐ được cả đại diện doanh nghiệp ĐMST và quỹ đầu tư mạo hiểm nhấn mạnh bởi đây là chủ thể, phương tiện đóng vai trò quan trọng trong mô hình HĐVTCĐ. Các cơ quan nhà nước cần xác minh năng lực của các chủ thể sở hữu, quản lý nền tảng trước khi cho phép hoạt động, tuy nhiên không nên đặt ra các điều kiện chặt chẽ quá để tránh trường hợp gặp khó khăn trong quá trình vận hành. Các nền tảng cần được hoạt động theo quy luật thị trường, mỗi đơn vị vận hành nền tảng sẽ có phương thức riêng để thu hút dự án và người dùng. Khuyến khích tính cạnh tranh giữa các nền tảng để có thể duy trì và phát triển những nền tảng tốt, phù hợp với thị trường.

Bảy là, doanh nghiệp băn khoăn nếu các chính sách, quy định về HĐVTCĐ được áp dụng theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) bởi nếu doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực được phép thử nghiệm nhưng một vài năm sau nếu cơ quan nhà nước cho dừng cơ chế thử nghiệm thì doanh nghiệp có khả năng bị lỗ, không thu hồi được vốn đã bỏ ra. Một số doanh nghiệp lo ngại về tính minh bạch của các cơ chế thử nghiệm. Nếu có áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát thì các tiêu chí để doanh nghiệp tham gia vào cơ chế thử nghiệm cần được minh bạch để doanh nghiệp có thêm niềm tin về sự khách quan khi lựa chọn các doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm.

Khuyến nghị

Từ những nghiên cứu định tính, nhóm nghiên cứu của Trung tâm ĐMST Quốc gia đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy HĐVTCĐ cho hệ sinh thái ĐMST.

HĐVTCĐ nên được ghi nhận chính thức trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đề xuất này dựa trên cơ sở thực tiễn HĐVTCĐ đã và đang tồn tại trên thị trường và bước đầu chứng minh được sự phù hợp cũng như tiềm năng của thị trường Việt Nam thông qua các dự án đã HĐVTCĐ thành công. Ngoài các dự án ĐMST, HĐVTCĐ có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng trong huy động vốn của các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.

HĐVTCĐ nên được quy định trong một nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 như một hình thức hỗ trợ đầu tư theo khoản 2 Điều 18 Luật Đầu tư 2020. Theo đó, có thể nghiên cứu xây dựng một Nghị định hướng dẫn điều kiện kinh doanh cho ngành nghề HĐVTCĐ, tập trung quy định các điều kiện cần thiết để thành lập và vận hành nền tảng HĐVTCĐ. Cần thiết thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế trong việc quy định các điều kiện đối với nền tảng HĐVTCĐ (cũng như quy định chức năng, phạm vi hoạt động của nền tảng...) và cho phép loại trừ áp dụng các quy định của Luật Tổ chức tín dụng với các nền tảng để tránh những xung đột pháp luật.

Khung pháp luật về HĐVTCĐ cho dự án ĐMST cần xử lý một số vấn đề nhất định. Cụ thể là: phạm vi của khái niệm ĐMST để được áp dụng phương thức HĐVTCĐ cho phát triển thị trường; các hình thức HĐVTCĐ cho các dự án ĐMST; các chủ thể có thực hiện HĐVTCĐ cho dự án ĐMST; điều kiện HĐVTCĐ cho dự án ĐMST, bao gồm giá trị tối đa của mỗi đợt huy động, tần suất huy động…; phương thức hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động HĐVTCĐ cho dự án ĐMST (như thuế ưu đãi…); cơ chế thuế và kế toán liên quan tới hoạt động HĐVTCĐ; cơ chế thẩm định các dự án ĐMST để cho phép hoạt động HĐVTCĐ; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động HĐVTCĐ…

Cần nghiên cứu khả năng áp dụng các biện pháp ưu đãi để thúc đẩy HĐVTCĐ cho ĐMST. Các biện pháp ưu đãi này có thể là thuế cũng như những hỗ trợ về mặt kỹ thuật như ban hành hợp đồng mẫu (với các điều khoản, điều kiện chung phù hợp với từng hình thức HĐVTCĐ) để các nền tảng áp dụng. Cơ chế giải quyết tranh chấp cũng có thể cần có những điều chỉnh nhất định để phù hợp với hoạt động HĐVTCĐ thực hiện 100% trực tuyến, số lượng cá nhân tham gia lớn, trong khi giá trị tranh chấp có thể rất nhỏ. Sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng trong việc hỗ trợ mở các tài khoản phong toả (nếu các nền tảng có nhu cầu) cũng cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng, bên cạnh sự tham gia của các chủ thể khác có chức năng tương tự như ví điện tử. Thêm vào đó, rất cần có các biện pháp giúp thay đổi nhận thức về HĐVTCĐ, xây dựng văn hoá đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST.

Trung tâm ĐMST Quốc gia nên giữ vai trò chính và chủ động trong các chính sách, giải pháp về các nguồn lực đầu tư cho hoạt động ĐMST tại Việt Nam.

Tránh chồng chéo trong các quy định về HĐVTCĐ trong tương lai. Với tư cách là một đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chịu trách nhiệm thúc đẩy ĐMST và hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, Trung tâm ĐMST Quốc gia nên giữ vai trò chính và chủ động trong các chính sách, giải pháp về các nguồn lực đầu tư cho hoạt động ĐMST tại Việt Nam, bao gồm cả nguồn lực đầu tư từ HĐVTCĐ. Trung tâm cũng nên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để đảm bảo thống nhất về hướng tiếp cận trong phản ứng chính sách của Việt Nam với HĐVTCĐ cũng như tránh chồng chéo trong các quy định về HĐVTCĐ trong tương lai.

Vũ Hưng

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)